Lợi
ích quốc gia - dân tộc là một phạm trù được đề cập rộng rãi trong quá trình
hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã đưa ra khá nhiều quan niệm khác nhau về
lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, hầu
như các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng, lợi ích quốc gia - dân tộc là giá
trị của một chủ thể có trách nhiệm tự xác định lợi ích của quốc gia, dân tộc
mình. Vì vậy, có thể nói, đây là một khái niệm có tính khái quát hóa cao, bao
gồm những nhu cầu sống còn của quốc gia đó; đó là tự bảo vệ, độc lập, toàn vẹn
lãnh thổ, an ninh quân sự và thịnh vượng về kinh tế. Tháng 3-1848, Thủ tướng
Anh Hen-ry Pan-mơ-xtơn (Henry Palmerston) từng có một phát biểu kinh điển về
lợi ích quốc gia tại Hạ viện Anh: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ
thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn và nhiệm vụ của chúng ta là
theo đuổi những lợi ích đó”.
Ở
Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, khái niệm lợi ích quốc gia, lợi ích dân
tộc, lợi ích quốc gia - dân tộc mặc dù có những điểm khác nhau, song được xem
là có chung nội hàm và có thể sử dụng thay thế lẫn nhau. Lợi ích quốc gia là
lợi ích chung của cộng đồng những người sống trên một đất nước, có chung nguồn
gốc, lịch sử, phong tục, tập quán và phần nhiều còn chung cả tiếng nói, chữ
viết. Lợi ích quốc gia thiên về đại diện của giai cấp cầm quyền. Trong khi đó,
lợi ích dân tộc bao hàm tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự
trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia - dân tộc có chủ quyền, thống
nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn; cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc
gia - dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng
ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp
quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy
tín quốc tế của quốc gia dân tộc. Lợi ích dân tộc là lợi ích của tất cả mọi
người dân của một nước. Do những điều kiện đặc thù nên khái niệm lợi ích quốc
gia - dân tộc ở Việt Nam có hướng tổng hợp cả hai khái niệm trên. Vì vậy, có
thể xem lợi ích quốc gia - dân tộc là toàn bộ những nhu cầu sống còn, trường
tồn và phát triển của một quốc gia đã được nhận thức và biến thành mục tiêu của
chính sách đối ngoại trong quan hệ với thế giới còn lại ở mỗi thời kỳ lịch sử
nhất định, là công cụ hết sức quan trọng trong phân tích chính sách đối ngoại.
Việc
xác định đúng và phù hợp mức độ, thứ tự ưu tiên lợi ích quốc gia - dân tộc là
vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng.
Trên thế giới, các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, việc sắp xếp mức độ ưu
tiên trong các lợi ích quốc gia - dân tộc phụ thuộc rất lớn vào việc quyết định
xem loại lợi ích nào quan trọng hơn, có tác động mạnh mẽ hơn tới sự tồn vong và
phát triển của quốc gia đó. Một số quốc gia xác định lợi ích theo từng lĩnh vực
(chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa...), thời gian đạt được lợi ích (vĩnh
cửu, biến đổi); một số quốc gia khác xác định lợi ích theo tiêu chí tầm quan
trọng (sống còn, cốt lõi, quan trọng, thứ yếu) hay phạm vi lợi ích (chung, bộ
phận, cá nhân). Những nội hàm này cho phép các quốc gia có cơ sở để xác định
những vấn đề nào là ưu tiên, cốt lõi phải bảo vệ, vấn đề nào có thể thỏa hiệp.
Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa các lợi ích cũng góp phần phác họa bức tranh
chung về lợi ích quốc gia - dân tộc của các quốc gia để từ đó đưa ra những giải
pháp, cách thức chính xác nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia khi thực
hiện một chính sách hay một chiến lược nào đó trong một giai đoạn lịch sử nhất
định, đặc biệt cần có sự bảo vệ “quyết liệt” những lợi ích đó tại thời điểm
được cho là mang tính “sống còn”. Đơn cử như, Trung Quốc xác định lợi ích cốt
lõi trong Sách Trắng về “Phát triển hòa bình của Trung Quốc” (năm 2011), bao
gồm chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc
gia, chế độ chính trị quốc gia mà Hiến pháp Trung Quốc xác lập và cục diện xã
hội ổn định, sự bảo đảm cơ bản của kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Trong
“Chiến lược An ninh quốc gia” (năm 2017), Mỹ xác định “nước Mỹ trên hết” với
“bốn lợi ích quốc gia tối quan trọng”, đó là bảo vệ người dân Mỹ, nước Mỹ và
lối sống Mỹ; thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ; bảo vệ hòa bình thông qua sức
mạnh; gia tăng ảnh hưởng của Mỹ. Trong tài liệu “Các nguyên tắc cơ bản về chính
sách Nhà nước Liên bang Nga đối với Bắc Cực đến năm 2035”, Nga đưa ra sáu lợi
ích quốc gia - dân tộc của Nga, trong đó nhấn mạnh “bảo đảm chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ” là mục tiêu cao nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để có thể tạo
không gian mở, linh hoạt trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách
đối ngoại, không phải quốc gia nào cũng công khai các nội hàm lợi ích cụ thể.
Nhìn
chung, lợi ích quốc gia - dân tộc được xem là “hòn đá tảng” hay “kim chỉ nam”
của chính sách đối ngoại. Nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc đôi khi cũng
bao gồm cả những công cụ được lựa chọn để thực hiện mục tiêu chiến lược và
ngoại giao chính là một trong những công cụ quan trọng giúp hiện thực hóa mục
tiêu này. Để có thể thoát khỏi những “cạm bẫy” trong quá trình xác định và tối
ưu hóa lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi quốc
gia, bất kể lớn hay nhỏ, khi thực tế đã và đang cho thấy, thành công rất nhiều
nhưng thất bại cũng không phải không có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét