Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HOÁ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ thiên tài, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại mà Người còn là một nhà văn hoá lỗi lạc, một danh nhân văn hoá được cả thế giới công nhận và ngưỡng mộ. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá mới ở Việt Nam. Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói và việc làm của Người trong quan hệ với đồng chí, đồng bào, với bạn bè quốc tế... trên các cương vị khác nhau khi là nhà báo, lúc là nhà văn, nhà thơ, hay trên cương vị Chủ tịch nước, ở Người đều toả ra ánh hào quang văn hoá, đó là kết tinh của những giá trị văn hoá tốt đẹp nhất. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá nói riêng là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.

Mang trong mình truyền thống văn hoá Phương Đông, lại được tiếp thu những tinh hoa  văn hoá của nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin, với phẩm chất thiên tài, Hồ Chí Minh đưa ra cách hiểu văn hoá rất rộng, rất sâu sắc và khái quát cao, song cũng rất cụ thể và dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Mặc dù đã có rất nhiều khái niệm, định nghĩa về văn hoá khác nhau, nhưng Hồ Chí Minh đã đưa ra một định nghĩa về văn hoá rất gần với cách hiểu mà 40 năm sau (1982) UNESCO mới nêu lên. Trong mục “Đọc sách” ở phần cuối tập “Nhật ký trong tù” (1942-1943), Người đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Chính văn hoá được hiểu theo nghĩa như vậy mới có thể được đóng vai trò “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội” như Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định.

Quan điểm trên của Hồ Chí Minh đã khái quát được nội dung đầy đủ nhất, rộng nhất, mang đầy đủ nội hàm của phạm trù văn hoá. Theo đó, văn hoá được hiểu là toàn bộ sáng tạo những giá trị vật chất và những giá trị tinh thần của con người trong quá trình tồn tại sinh sống và phát triển. Nguồn gốc và động lực sâu xa của văn hoá chính là nhu cầu của con người, khác với loài vật, nhu cầu của con người (bao gồm cả nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần) luôn luôn thay đổi, con người không bao giờ bằng lòng với những cái mà tự nhiên ban tặng và những gì đã có. Chính điều đó, đã  thúc đẩy con người hoạt động và sáng tạo, cải tạo tự nhiên và xã hội, tạo ra không gian và điều kiện sinh tồn cả vật chất lẫn tinh thần phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu cho mình. Đó cũng chính là quá trình sáng tạo văn hoá của con người. Theo nghĩa đó, ở đâu có con người và hoạt động của con người thì ở đó có văn hoá. Văn hoá là sự phát huy và hiện thực hoá các năng lực bản chất của con người. Con người là chủ thể sáng tạo của văn hoá đồng thời văn hoá là phương thức sinh tồn, là môi trường sống của con người. Con người không thể tồn tại và phát triển với tính cách là con người được nếu tách khỏi môi trường văn hoá và thực tế lịch sử phát triển của con người luôn gắn liền với lịch sử phát triển của văn hoá. Tư tưởng đó cho chúng ta thấy rằng tồn tại xã hội bao giờ cũng quyết định ý thức xã hội, yếu tố vật chất quyết định yếu tố tinh thần, theo đúng lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin.

Mặt khác, theo quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hoá, thì văn hoá bao gồm hai lĩnh vực cơ bản đó là, văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Bên cạnh những sản phẩm tinh thần như: ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật... văn hoá còn bao hàm các sản phẩm vật chất phục vụ cho đời sống con người như các công cụ, các phương tiện đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp...Tuy nhiên, văn hoá vật chất thực ra là vật thể hoá các giá trị tinh thần. Mỗi sản phẩm vật chất đều thể hiện sự tài hoa, lý tưởng thẩm mỹ của con người, của những chủ thể sáng tạo ra chúng.

Như vậy, có thể nói Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm hết sức khoa học và dễ hiểu về văn hoá. Quan niệm đó không những vạch ra những dấu hiệu đặc trưng của văn hoá mà còn bao quát được toàn bộ các hoạt động và các hiện tượng văn hoá trong đời sống con người. Vì vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hoá hiện nay vẫn còn nguyên giá trị trong việc nhận thức các hiện tượng văn hoá của đời sống xã hội.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá vẫn là điểm tựa tinh thần vững chắc, là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân ta đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét