“Bệnh” sáo rỗng bắt nguồn sâu xa từ thói phô trương, ưa hình thức, sính dùng từ ngữ to tát, mỹ miều để muốn chứng tỏ bản thân là người hiểu biết, am hiểu thời cuộc, kịp thời nắm bắt xu hướng (trending) xã hội, nhưng thực ra nó chẳng khác nào “thùng rỗng kêu to”.
Từ “sáo rỗng” vốn có nghĩa ban đầu chỉ cây sáo diều rỗng ở bên trong khi bay lên cao gặp gió thì kêu to và tiếng sáo ấy vang lên đều đều, nghe nhiều chán tai. Sau này, từ “sáo rỗng” phát sinh thêm nghĩa mới, nhằm chỉ những người sính dùng từ ngữ to tát, hoành tráng mà rỗng tuếch.
Từ ngữ sáo rỗng khi đọc lên nghe “kêu như chuông, nổ như pháo”, nhưng nghĩa của chúng vượt quá tính chất, mức độ cần thiết so với nội dung biểu đạt.
Thời bao cấp trước đây, “bệnh” sáo rỗng thường xuất hiện ở những câu khẩu hiệu rất hoành tráng, bắt gặp ở nhiều nơi, ví như khẩu hiệu: “Quá khứ oanh liệt, hiện tại vẻ vang, tương lai rực rỡ”. Ở cụm từ thứ nhất nhằm mục đích tuyên truyền con người biết trân trọng, tự hào với quá khứ là đúng, nhưng hai cụm từ tiếp theo “hiện tại vẻ vang, tương lai rực rỡ” xuất hiện trong bối cảnh toàn xã hội đang gồng mình vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, thậm chí rất nhiều người dân vẫn phải vật lộn với miếng cơm manh áo để tồn tại thì câu khẩu hiệu trên lại trở nên xa lạ với số đông.
Thời nay, “bệnh” sáo rỗng tưởng như không còn chỗ “ký sinh”, nhưng nó có nguy cơ như một loại bệnh truyền nhiễm lây lan ra nhiều nơi, nhiều người, kể cả một bộ phận quan chức. Có ông “quan tỉnh”, “quan huyện” khi xuống thăm cơ sở (nhất là ở các xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa) khi nói chuyện với bà con nông dân mà toàn dùng những từ đao to búa lớn, đại loại như: Phải xây dựng xã vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng - an ninh; phải khai thác tiềm năng sẵn có, xác định cho được một ngành kinh tế mũi nhọn để làm hướng đột phá cho sự phát triển; phải phấn đấu đưa địa phương trở thành đầu tàu dẫn dắt cho cả vùng, cả khu vực v.v..
Có lẽ, bệnh sáo rỗng thời nay dễ thấy nhất là hầu như đi đâu, chỗ nào người ta cũng nói đến từ “4.0” như một thứ mốt thời thượng. Trong hội nghị, trên đăng đàn, ở văn bản báo cáo, thậm chí cả lúc trà dư tửu hậu, người ta liên tục nhắc đến đủ thứ “4.0”. Không chỉ “trí thức 4.0”, “doanh nghiệp 4.0”, “doanh nhân 4.0”, “lãnh đạo 4.0”, “quản lý 4.0”, “trường học 4.0”... mà còn “công nhân 4.0”, “nông dân 4.0”, “trồng rau “4.0”, “nuôi cá “4.0”,... thậm chí là “bảo mẫu 4.0”, “ô sin 4.0”, “lao công 4.0”...
Nghĩa là bất cứ thành phần giai cấp nào, nghề nghiệp nào, việc làm nào thời nay người ta cũng vô tư, hồn nhiên gắn với từ “4.0” trong phát ngôn, diễn ngôn, diễn văn để chứng tỏ ta đây là am hiểu thời cuộc “4.0” mà đôi khi chính người nói, người viết, người nghe chả hiểu ngọn ngành thời đại “4.0” là gì.
Chả thế mà tại hội nghị nông nghiệp, một bí thư tỉnh ủy ở phía Nam từng nhắc nhở cán bộ, viên chức ngành nông nghiệp địa phương không lạm dụng từ “4.0” khi trao đổi, trò chuyện với bà con nông dân, vì nói như thế vừa sáo rỗng, vừa xa dân! Còn một đại biểu Quốc hội từng bày tỏ: Miệng luôn nói thời đại “4.0” mà tư duy vẫn ở tầm “0.4” thì khó làm nên trò trống gì!
Bệnh sáo rỗng bắt nguồn sâu xa từ thói phô trương, ưa hình thức, sính dùng từ ngữ to tát, mỹ miều để muốn chứng tỏ bản thân là người hiểu biết, am hiểu thời cuộc, kịp thời nắm bắt xu hướng (trending) xã hội, nhưng thực ra nó chẳng khác nào “thùng rỗng kêu to” - câu thành ngữ nhằm ám chỉ, phê phán những người trình độ hiểu biết hạn chế nhưng lại thích khoe khoang, huênh hoang để cố ra vẻ ta đây giỏi lắm, hay lắm.
Bệnh sáo rỗng suy cho cùng là một trong những biểu hiện của tâm lý đám đông. Một trong những căn nguyên hình thành tâm lý đám đông là do không ít người thường lo ngại đi ngược lại đám đông, sợ bị chê cười do không nắm bắt và hòa vào trào lưu/xu hướng của đám đông, mặc dù chưa biết đám đông đúng hay sai. Mặt khác, suy nghĩ “đa số thắng thiểu số” cũng khiến nhiều người a dua chạy theo đám đông hào nhoáng nhưng có khi rỗng tuếch.
Vì vậy, để tránh chạy theo tâm lý đám đông thì bản thân mỗi người phải tự trang bị, củng cố, bồi đắp cho mình bản lĩnh, dũng khí, đạo đức, tri thức, niềm tin khoa học để không bị hòa lẫn/nhạt nhòa bởi đám đông thao túng, nhưng vẫn đủ tự tin để không bị tụt hậu với chân lý của thời cuộc, xã hội. Bên cạnh đó, mọi người khi nói, viết (nhất là những người có vị trí, trách nhiệm xã hội) cần thường xuyên học hỏi, trau dồi, làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt; biết sử dụng câu từ đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, phù hợp với hoàn cảnh, môi trường giao tiếp để góp phần vừa giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vừa góp phần chuẩn mực hóa phong cách ứng xử và lành mạnh hóa môi trường thông tin xã hội.
Nguồn: Tuyên giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét