Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Quan điểm "Dân là gốc" trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng


1. Quan điểm “dân là gốc” trong Văn kiện Đại hội XIII được đúc rút từ lịch sử và tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò to lớn, vị thế quan trọng của nhân dân. Thực tế lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy, triều đại nào quan tâm đến lòng dân, ý dân và thực hiện tốt vấn đề dân sinh, tạo được lòng tin của nhân dân, cố kết được dân tâm, huy động được cả nước đồng lòng, góp sức thì cường thịnh và dựng nên nghiệp lớn. Trái lại, triều đại nào chỉ lo cuộc sống xa hoa, “mặc dân khốn khổ, chẳng hề đoái nghĩ”, “nhân dân oán hận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”, dân chúng chống lại, lòng người ly tán... thì cuối cùng đều phải bại vong. Từ thực tế đó và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tư tưởng đương thời, nhiều bậc tiền nhân trong lịch sử nước ta đã khẳng định, muốn làm nên nghiệp lớn phải “lấy dân làm gốc”, phản ánh vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, như: “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” (Lý Công Uẩn); “khoan thư sức dân”, “chúng chí thành thành” (Trần Quốc Tuấn); “lật thuyền mới rõ dân như nước”, do đó phải “yêu nuôi nhân dân, để khắp các nơi làng mạc không có tiếng oán giận, than sầu” (Nguyễn Trãi); “Xưa nay nước lấy dân làm gốc/ Được nước là bởi lẽ được dân”, nên “Thất thiên kim, chớ thất nhân tâm” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)...

Mặc dù, về cơ bản vẫn chưa vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ tư tưởng phong kiến với nòng cốt là Nho giáo, song yếu tố tiến bộ của những tư tưởng ấy trở thành giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc, để lại bài học quý báu: “Coi trọng dân thì thành công, coi thường dân thì thất bại”.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin với quan điểm khoa học: “nhân dân là chủ thể của lịch sử”, “quần chúng là động lực của cách mạng”, “cách mạng là ngày hội của đông đảo quần chúng nhân dân”... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện “cách mạng hóa” và bổ sung quan điểm “dân là gốc” bằng sức sống thời đại. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Thực tế chứng minh, tin dân, dựa vào dân, biết khơi dậy sự đồng lòng và phát huy ý chí, khát vọng toàn dân tộc mới bảo đảm được sự trường tồn của non sông đất nước. Từ đó, Người chỉ rõ: “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2).

Quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta chính là sự tiếp nối bài học từ truyền thống dân tộc và kế thừa trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân. Mặt khác, những nội dung của quan điểm đó không ngừng được hoàn thiện, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Trong nhiều văn kiện của Đảng đều nhất quán khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự thành bại của đổi mới, đồng thời xác định mục tiêu đổi mới là vì nhân dân, chỉ rõ bài học nổi bật: “dân là gốc”, tất cả “vì dân, do dân”, “đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân và dựa vào nhân dân để đổi mới”(3).

Tiếp nối tinh thần đó, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(4).

Điều đó khẳng định, “dân là gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính sách và phản ánh quan điểm của Đảng về mục tiêu, động lực của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Mặc dù ở những giai đoạn cụ thể và trong những thời điểm nhất định, cách thức diễn đạt có thể khác nhau, song đều nhất quán khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân.

2. Quan điểm “dân là gốc” trong Văn kiện Đại hội XIII mang nội dung toàn diện và sâu sắc, không chỉ khẳng định “vị trí trung tâm”, mà còn nhấn mạnh và đề cao “vai trò chủ thể” của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong công cuộc đổi mới đất nước nói riêng.

Một là, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của nhân dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân

Xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Chăm lo lợi ích và phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân là “mục đích thiêng liêng, lý tưởng cao cả” của Đảng và cũng là “động lực của công cuộc đổi mới đất nước”. “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” là một trong những đặc trưng bản chất của xã hội XHCN mà chúng ta hướng đến. Do đó, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta không lấy lợi nhuận của một thiếu số dựa trên sự chiếm đoạt lợi ích cộng đồng làm mục tiêu tối thượng, không vì tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội. Trái lại, phải gắn kết hài hòa kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; bảo đảm “mỗi chính sách kinh tế phải đi liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, đồng thời “mỗi chính sách xã hội phải tạo động lực để kinh tế phát triển bền vững”.

Trên tinh thần ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”(5). Thời gian qua, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước, song Đảng, Nhà nước ta vẫn nhất quán khẳng định “bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết” và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Điều đó thể hiện rõ tính nhân văn, tất cả vì con người, vì nhân dân của chế độ ta, không ai có thể phủ nhận.

Để thực hiện mục tiêu và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, phải dựa vào chính sức mạnh, phát huy các nguồn lực to lớn của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “đem tài dân, sức dân mà làm lợi cho dân”, vì “không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được”(6). Thực tiễn cũng đã chứng minh, nhờ phát huy được nguồn lực và sức mạnh to lớn của nhân dân mà công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu, lập nên những kỳ tích, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc. Qua 35 năm đổi mới, đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực; quy mô, chất lượng nền kinh tế không ngừng nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đều được cải thiện rõ rệt; nước ta trở thành điểm sáng trong hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được bạn bè quốc tế ca ngợi.

Nhìn lại thực trạng nền kinh tế - xã hội của đất nước những năm trước đổi mới, với nền kinh tế lạc hậu, thấp kém, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, “nhiều nhu cầu chính đáng tối thiểu của nhân dân về đời sống vật chất và văn hóa chưa được bảo đảm”, “công bằng xã hội bị vi phạm”... chúng ta càng tự hào và thấy rõ ý nghĩa lớn lao của những thành quả mà đất nước ta, nhân dân ta bằng ý chí, nỗ lực, quyết tâm để đạt được. Vì thế, “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(7).

Thực tế đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, tạo động lực, khí thế mới, cổ vũ tinh thần lao động sáng tạo, khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và cống hiến vì sự cường thịnh, trường tồn của dân tộc. Tuy nhiên, các nguồn lực và tiềm năng sáng tạo của nhân dân chưa thực sự được khai thác và phát huy hiệu quả, đời sống của một bộ phận nhân dân chưa hết khó khăn. Vì vậy, một trong những đòi hỏi bức thiết là phải “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”(8).

Hai là, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; thực hành dân chủ, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

Sinh thời, V.I.Lênin từng cảnh báo: “Đối với đảng cộng sản..., thì một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn, Đảng Cộng sản Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phấn đấu”, và “ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Do đó, “phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”(10).

Tiếp nối tinh thần ấy, đồng thời trên cơ sở tổng kết các bài học thành công và chưa thành công từ thực tiễn, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(11). Vì thế, phải “Thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng”(12), đồng thời “Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”(13).

Thực tiễn đã chứng minh, mối liên hệ gắn bó máu thịt với nhân dân là truyền thống của Đảng ta. Chính nhân dân tạo nên sức mạnh của Đảng, cùng Đảng làm nên những kỳ tích lịch sử. Trong những năm đổi mới, việc đối thoại, lắng nghe tâm nguyện của nhân dân được coi trọng; những nguyện vọng, kiến nghị, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết kịp thời đã góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân, vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng không ngừng được phát huy.

Quan điểm “dân là gốc” cũng được quán triệt trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ hoạch định chính sách đến tổ chức thực hiện. Bằng chứng thực tế là, Quốc hội “thực sự là cơ quan quyền lực, đại biểu cao nhất của nhân dân”; nền hành chính nhà nước ngày càng “chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ, vì dân”; nền tư pháp không ngừng hướng đến “công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa từng bước được hiện thực hóa, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đi vào thực chất và vận hành hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh mới hiện nay, một trong những nhiệm vụ và yêu cầu bức thiết đặt ra là phải tiếp tục thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tăng cường đồng thuận xã hội. Do đó, phải “có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới” và không ngừng “thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân”.

Ba là, dựa vào nhân dân để bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới, vì cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật của sự hình thành, phát triển dân tộc Việt Nam. Xây dựng CNXH gắn liền với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của cách mạng nước ta hiện nay. Tạo lập căn cứ vững chắc trong lòng dân, xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu bằng sức mạnh của nhân dân; lấy làng xã làm pháo đài, dựa vào dân để chiến đấu là một trong những nghệ thuật quân sự đặc sắc, là cách thức xây dựng quân đội để bảo vệ Tổ quốc rất hiệu quả của người Việt từ xưa đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, sự đồng lòng của nhân dân sẽ “đúc thành một bức tường đồng” vững chắc, mà bất cứ kẻ địch nào đụng phải đều cam chịu thất bại. Từ truyền thống lịch sử và thực tiễn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta khẳng định, quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Do đó, phải chú trọng củng cố “thế trận lòng dân” một cách vững chắc trên nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội. Văn kiện Đại hội XIII xác định: Xây dựng “thế trận lòng dân”, kết hợp với xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân” vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”(14).

Thực tiễn những năm qua đã chứng minh một cách hùng hồn, “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh, quyết định sự thành bại của công cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả xây dựng đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Tin vào dân, quy tụ được lòng dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tộc là nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”.

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều biến động rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo hiện nay, để xử lý tốt các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, giữ vững “chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng”, tạo “vành đai an ninh”, ngăn ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ gây bất ổn xã hội, “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy” để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cùng những thành quả của công cuộc đổi mới, thì còn phải dựa vào nhân dân, khai thác mọi nguồn lực trong dân, phát huy tiềm năng, sức mạnh toàn dân tộc. Đó là “nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên” của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, phải dựa vào dân để “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” với ba trụ cột là “đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”, tạo nên thế trận liên hoàn, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân.

3. Quan điểm “dân là gốc” sẽ tiếp tục định hướng công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

Quán triệt quan điểm “Dân là gốc” trước yêu cầu của đất nước trong bối cảnh mới, Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ, phải thực hiện nghiêm túc và hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”:

Để thực hiện phương châm “dân biết”, cần công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạch định và thực thi chủ trương, đường lối, chính sách, trước hết là sự công khai, minh bạch về thông tin, bảo đảm “quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân”; đáp ứng “quyền được biết” của người dân về những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh kế của họ. Đồng thời, phải không ngừng nâng cao dân trí kết hợp với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt kịp thời, hiểu biết đúng đắn các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như quyền lợi và trách nhiệm công dân.

Trong nhân dân cũng có nhiều bộ phận, với trình độ, hiểu biết không đồng đều, năng lực không giống nhau. Do đó, chủ trương, chính sách đúng nhưng dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cần phải kiên trì tuyên truyền, giải thích cho dân để dân biết, dân hiểu, tạo sự đồng thuận, nhất trí từ nhận thức đến hành động. Thực hiện tốt phương châm “dân biết” sẽ là tiền đề cần thiết để thực hiện phương châm “dân bàn”, bởi biết mới có thể bàn, và bàn trên cơ sở của sự hiểu biết mới mang lại hiệu quả thực sự.

Để thực hiện phương châm “dân bàn”, cần tạo lập môi trường dân chủ, khơi dậy tính tích cực của mỗi công dân, bảo đảm điều kiện để nhân dân được tham gia vào các công việc của Đảng, Nhà nước và xã hội; tham gia đóng góp ý kiến trong mọi khâu của quá trình, từ hoạch định đến tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở, không được coi thường dân, cho dân là dốt nên không thèm bàn bạc, mà trái lại, “việc gì cũng phải bàn với dân”, “coi trọng ý kiến của nhân dân”, bởi “dân chúng có nhiều sáng kiến mà những người tài giỏi nghĩ mãi không ra”. Do đó, phải “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”(15). Khi dân đã được biết, được bàn và hiểu rõ, họ sẽ chủ động, tích cực, tự giác, ra sức thực hiện trên tinh thần vui vẻ, đồng thuận và “nhất định việc gì cũng thành công”.

Để thực hiện phương châm “dân làm”, mọi đường lối, chính sách đều phải hợp lòng dân, bởi “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được/ Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”(16). Khi nhân dân nhận thấy chủ trương, đường lối phản ánh đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình, họ sẽ tiếp nhận, ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện. Muốn vậy, mọi công việc đều phải vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, lấy lợi ích và sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan, tổ chức cũng như của mỗi cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, trong mọi công việc, cán bộ phải đi đầu, nêu gương làm trước theo đúng tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đồng thời, cần tạo điều kiện công bằng, bình đẳng để mọi người dân được tiếp cận với các cơ hội phát triển, được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, được cống hiến tài năng và công sức cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện phương châm “dân kiểm tra, dân giám sát”, cần hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ và thi hành pháp luật một cách nghiêm minh, công bằng, chính trực; thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức và của từng cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý trước nhân dân. Mặt khác, mọi phát hiện đúng đắn của nhân dân về các sai phạm, quan liêu, tham ô, tham nhũng, tiêu cực... phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” để củng cố niềm tin của nhân dân về quyền được kiểm tra, giám sát đối với mọi công việc của các cơ quan, tổ chức; thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên tinh thần cầu thị, tập trung giải quyết các khó khăn, bức xúc của nhân dân về đời sống, việc làm, đất đai, môi trường... nghiêm cấm sự trù dập dân dưới mọi hình thức. Do đó, phải “Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở; xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm”(17).

Để thực hiện phương châm “dân thụ hưởng”, cần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hài hòa; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm đến mọi người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm, nâng cao thu nhập, đồng thời thực hiện tốt và chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng” và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên con đường phát triển chung của đất nước.

“Dân là gốc” là một trong những nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta. Đó không phải sự sao chép từ bất cứ học thuyết có sẵn nào mà thể hiện sự kế thừa, tiếp nối bài học từ chiều sâu lịch sử dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm “dân là gốc” được bổ sung toàn diện, phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh tính khoa học và cách mạng, tính nhân văn và sáng tạo trong nhận thức lý luận của Đảng. Quan điểm đó tiếp tục định hướng công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta trong bối cảnh hiện nay.

__________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.453.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.501-502.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.50, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.550.

(4), (7), (8), (13), (14), (15), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.96-97, 25, 47, 191-192, 9, 71, 198-199.

(5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.176.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia  Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.426.

(10), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.281, 163.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.65.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.226.

TS Phan Mạnh Toàn - lyluanchinhtri.vn - 11.06.2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét