Đại
hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
do Đảng lãnh đạo đang diễn ra rất quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn liên
quan đến cán bộ, đảng viên được phát hiện và đưa ra xét xử, thể hiện rõ quan
điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”(1) trong xử lý tham nhũng. Công tác
đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện quyết liệt với quyết tâm
chính trị rất cao và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên
và nhân dân đồng tình ủng hộ. Chính vì vậy, Đại hội XIII tiếp tục thể hiện
quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Nhận
định về kết quả công tác phòng chống tham nhũng, Văn kiện Đại hội XIII đã viết:
“Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, trong đó
lần đầu tiên đã mở rộng việc phòng, chống tham nhũng sang cả khu vực tư nhân.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều
kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được
nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận”(2).
Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
ở nước ta thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định khi “Công tác
phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển
biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc
phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm
tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị
còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực
hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số
lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng
tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(3). Từ đó, Đại hội XIII tiếp tục nhận định:
“Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế
độ ta”(4).
Chính
vì vậy, trong các văn kiện của Đại hội XIII, Đảng tiếp tục xác định “Thực hiện
kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực
hành tiết kiệm chống lãng phí”(5), coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng
trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo.
Trong
Văn kiện Đại hội XIII, những vấn đề liên quan đến công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí được đề cập nhiều lần với nhiều nội dung và ở nhiều
phần khác nhau. Trong đó, tập trung nhất ở mục 9. Kiên quyết, kiên trì đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của phần XIV - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng
trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong Báo
cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều điểm mới so với Đại hội XII và các Đại hội
trước, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, cụ thể:
Về
vị trí, vai trò của nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Đại hội XIII đã
xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của
nhiệm vụ then chốt, với quan điểm: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại
đoàn kết toàn dân tộc”(6). Như vậy, ở các nhiệm kỳ trước, Đảng đã xác định công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt thì tại Đại hội XIII, công
tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định là một nhiệm vụ
đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ then chốt hay đặc biệt của then chốt (tác giả
nhấn mạnh), công tác này không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn đặc
biệt cả trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng
cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta hiện nay. Điều đó cho thấy quyết
tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong
thời gian tới.
Về
quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí:
Để khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì đấu
tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn,
hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”(7). Quan điểm trên thể hiện rất
rõ tư duy biện chứng của Đảng trong cuộc đấu tranh được đánh giá là rất gian
nan và phức tạp này, nên dù đặt quyết tâm chính trị rất cao khi kiên quyết hành
động mạnh mẽ, triệt để hơn và hiệu quả hơn, song Đảng cũng xác định phải kiên
trì, bền bỉ.
Về
giải pháp chung: Trên cơ sở xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của
nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong công tác xây dựng
Đảng và quyết tâm chính trị của Đảng đối với cuộc đấu tranh này, Đại hội XIII
của Đảng đã đề ra các giải pháp chung, xuyên suốt trong công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng thời gian tới là phải: “Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực
phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi
tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp,
cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện
đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình
sự”(8).
Như
vậy, giải pháp chung xuyên suốt được xác định là thực hiện đồng bộ các biện
pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính và kinh tế để tích cực phòng
ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng; đồng thời kết hợp với biện pháp hình sự
để xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kể cả những hành động
bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc phòng,
chống tham nhũng trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và của toàn dân, toàn xã hội.
Từ
các giải pháp chung xuyên suốt đó, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra các giải
pháp cụ thể để không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng, cụ thể:
Một
là, giải pháp để không muốn tham nhũng
Đây
là điểm mới trong công tác xây dựng Đảng và là giải pháp mới trong công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng lần đầu tiên được thể hiện trong Văn kiện Đại hội
XIII của Đảng. Để cán bộ, đảng viên không muốn tham nhũng, Đại hội XIII đã đưa
ra giải pháp: “Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo
sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và
nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết
liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì
giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham
nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”(9).
Như
vậy, để tiến tới làm cho cán bộ đảng viên không muốn tham nhũng, giải pháp được
đề ra là phải thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao sự tự giác,
đặc biệt là đối với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng ý
thức không muốn tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước
ta. Giải pháp này rất phù hợp và cần thiết ở nước ta hiện nay vì trong thực
tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, không
phải chỉ có những cán bộ có mức tiền lương thấp, đời sống thiếu thốn, khó khăn
mới thực hiện hành vi tham nhũng mà trong thực tế có những cán bộ khá giả, thậm
chí là rất giàu vẫn thực hiện các hành vi tham nhũng. Do vậy, việc thực hiện
các giải pháp để cán bộ có ý thức không muốn tham nhũng là cần thiết và là điều
kiện quan trọng để thực hiện không thể, không dám và không cần tham nhũng ở
nước ta.
Hai
là, giải pháp để không thể tham nhũng
Nhằm
tiếp tục tạo ra các điều kiện để cán bộ không thể thực hiện được các hành vi
tham nhũng, các giải pháp được đưa ra là: “Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra,
giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm
soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân
chủ, công khai, minh bạch”(10). Như vậy, nội dung trọng tâm của giải pháp để
không thể tham nhũng là sự nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và cơ
chế chính sách để không có kẽ hở cho bất kỳ ai có thể lợi dụng thực hiện các
hành vi tham nhũng.
Bên
cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định cần phải có “cơ chế bảo vệ,
khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham
nhũng cũng như với người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí,
đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu
khống, gây mất đoàn kết nội bộ”(11). Đây là một giải pháp rất phù hợp và thiết
thực để phát huy vai trò tích cực của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội
trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Đặc
biệt, để cán bộ không thể tham nhũng thì việc “kiểm soát có hiệu quả tài sản,
thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản
lý; đẩy mạnh thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt”(12) là hết sức
cần thiết, bởi lẽ xét đến cùng việc quản lý chặt chẽ thu nhập, tiêu dùng và
thực hiện truy xét đến cùng nguồn gốc các tài sản có giá trị của cán bộ là giải
pháp căn cơ nhất để thực hiện mục tiêu không thể tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Ba
là, giải pháp để không dám tham nhũng
Nội
dung trọng tâm của giải pháp này là: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát,
thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử
lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí”(13). Như vậy, cùng với
công tác giáo dục tuyên truyền để cán bộ không muốn tham nhũng và xây dựng thể
chế, kiểm soát tài sản để không thể tham nhũng thì công tác kiểm tra, giám sát
và thực hiện nghiêm các hoạt động tư pháp sẽ là những “giải pháp cứng” góp phần
quan trọng để cán bộ không dám tham nhũng. Đặc biệt, giải pháp “kiên quyết thu
hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi
có biểu hiện tham nhũng”(14) sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong việc răn đe đối với
những cán bộ khác, từng bước hình thành ý thức không dám tham nhũng trong đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay.
Bên
cạnh đó, để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho
người dân, doanh nghiệp, Đại hội XIII chủ trương: “xử lý nghiêm những cán bộ
nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”(15). Thiết
nghĩ, dù là tham nhũng ở mức độ nào thì cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát
triển xã hội, các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và
doanh nghiệp cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân vào chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước, do đó cũng cần được đấu tranh, bài trừ.
Hơn
nữa, để cán bộ không dám tham nhũng, Đại hội XIII rất coi trọng công tác xây dựng
bộ máy nhà nước, nhất là các cơ quan phòng chống tham nhũng các cấp với chủ
trương: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong
sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức
năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ
đạo công tác phòng, chống tham nhũng... Phát huy vai trò, trách nhiệm của các
cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị -
xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng
phí”(16).
Bốn
là, giải pháp để không cần tham nhũng
Xét
đến cùng, để hạn chế và khắc phục tình trạng tham nhũng thì cùng với các biện
pháp trên, cần thực hiện tốt việc trả thù lao và đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức có thể sống
được từ tiền lương và có tích lũy từ tiền lương. Do vậy, để cán bộ, công chức,
viên chức không cần tham nhũng, Đại hội XIII chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh cải
cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm
cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác”(17).
Như
vậy, trên cơ sở xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm
vụ đặc biệt của then chốt ở nước ta hiện nay, Đại hội đã đưa ra các giải pháp
chung thể hiện quyết tâm chính trị kiên quyết, kiên trì trong cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, cùng với các giải pháp cụ thể để không muốn, không thể,
không dám, không cần tham nhũng.
2.
Một số đề xuất để thực hiện chủ trương, nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tham
nhũng
Sự
nhất quán và bổ sung thêm nhiều nội dung mới trong nhiệm vụ, giải pháp đối với
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đại hội XIII đã cho thấy
quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác này. Vấn đề quan trọng hiện nay là
làm thế nào để các chủ trương, giải pháp đó đi vào cuộc sống để tiếp tục tạo
thêm những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
đặc biệt là thực hiện được không muốn, không thể, không dám, không cần tham
nhũng.
Trên
cơ sở nhận thức về tính tất yếu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở
nước ta hiện nay. Để đưa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng của Đại hội XIII vào cuộc sống, đề xuất một số
biện pháp:
Một
là, nâng cao nhận thức cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhất là những
cán bộ lãnh đạo, quản lý về tác hại của tham nhũng đối với xã hội và về quyết
tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Để
nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh
đạo, quản lý về tác hại của tham nhũng đối với xã hội. Cần đẩy mạnh công tác
giáo dục để tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo,
quản lý thấy rõ và thấu hiểu tác hại của tham nhũng không chỉ đối với sự phát
triển xã hội mà còn làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng thậm chí ảnh
hưởng đến sự tồn vong của chế độ... Muốn vậy, cần tăng cường giáo dục ý thức
pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành năm 2018 để
mỗi người nhận thức đầy đủ về các hành vi tham nhũng và hiểu biết sâu sắc về
trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong phòng,
chống tham nhũng..., từ đó chủ động nhận diện và ngăn chặn các hành vi tham
nhũng. Đẩy mạnh và thực hiện thực chất, có hiệu quả Quy định nêu gương của cán
bộ đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương, cũng như người đứng đầu các cấp, các ngành.
Thực
hiện công khai các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc,
vụ án tham nhũng, kinh tế; nhất là những thông tin về các vấn đề nhạy cảm, dư
luận quan tâm để giúp định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện sự công khai,
minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Từ đó, hình thành ý thức
không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng ở mỗi cán bộ, công chức,
viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Để
nâng cao nhận thức của tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ
lãnh đạo, quản lý về quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương
tiện thông tin đại chúng ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị về ý
nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tập trung
nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của then chốt ở nước ta hiện
nay, đặc biệt là tuyên truyền về quyết tâm chính trị theo hướng kiên quyết,
kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng của Đảng được thể hiện trong các văn kiện Đại hội XIII nhằm
tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên
chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý về các chủ trương, đường lối của
Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hai
là, thiết lập “quỹ dưỡng liêm” để cán bộ không dám tham nhũng
Để
cán bộ không dám tham nhũng, chúng ta có thể học tập cách làm của Xinhgapo(18).
Theo đó, cần sớm nghiên cứu để đề xuất thực hiện chủ trương khi một người được
tuyển dụng trở thành cán bộ nhà nước, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước
thì hàng tháng thực hiện trích nộp lại một phần tiền lương để xây dựng quỹ (tác
giả tạm gọi đó là “quỹ dưỡng liêm”) và tỷ lệ trích nộp sẽ tăng dần theo thâm
niên công tác. Số tiền trích nộp lần đầu là bao nhiêu cần được xem xét cho phù
hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn (ở Xinhgapo trích
lần đầu là 5%).
Việc
trích nộp này cũng tương tự như trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc
như hiện nay. Tuy nhiên, khác với bảo hiểm xã hội là để bảo đảm cho người tham
gia được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng sau khi nghỉ hưu; bảo hiểm y tế dùng
để chia sẻ với người tham gia khi khám chữa bệnh; bảo hiểm thất nghiệp dùng để
trợ giúp cho người lao động trong thời gian thất nghiệp chờ tìm việc làm mới,
thì số tiền đóng góp vào “quỹ dưỡng liêm” như là một quỹ tiết kiệm cá nhân khi
số tiền đó được ghi nhận cụ thể cho từng người và được tính lãi theo mức lãi
suất do ngân hàng Nhà nước quy định và cán bộ sẽ được nhận số lãi đó vào cuối
mỗi năm. Theo nguyên lý đó, những người có chức vụ càng cao, thâm niên công tác
càng nhiều thì số tiền đóng góp vào quỹ càng lớn. Toàn bộ số tiền của quỹ sẽ do
Nhà nước quản lý và được Nhà nước sử dụng để tạo ra giá trị tăng thêm cho quỹ.
Trong quá trình công tác, nếu cán bộ có hành vi tham nhũng đã được cơ quan có
thẩm quyền kết luận thì ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, toàn bộ
số tiền đã đóng góp cho quỹ sẽ bị trưng thu. Còn khi cán bộ nghỉ hưu hoặc nghỉ
công tác mà không có bất kỳ hành vi tham nhũng nào bị xử lý thì cơ quan nhà
nước sẽ thực hiện “chốt sổ”, khi đó cá nhân có quyền rút toàn bộ số tiền đã
đóng góp hoặc có thể tiếp tục tham gia để nhận tiền lãi hàng tháng. Việc trích
lập quỹ như vậy không chỉ giúp cho cán bộ có được một khoản tích lũy, giúp cho
Nhà nước có thêm một khoản tiền để tái đầu tư phục vụ công tác quản lý và phát
triển xã hội mà còn là biện pháp hữu hiệu để xây dựng ý thức không dám tham
nhũng.
Ba
là, thực hiện truy xét nguồn gốc đối với các tài sản phát sinh của cán bộ
Từ
thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, có
nhiều vụ án tham nhũng khi được phát hiện và xử lý thì số tài sản mà cá nhân có
được do tham nhũng đã bị tẩu tán, gây khó khăn cho cơ quan pháp luật trong việc
điều tra và thu hồi tài sản của Nhà nước. Do vậy, để cán bộ không thể tham
nhũng cần thực hiện nghiêm túc Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30-10-2020 của
Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ,
quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, cần chú trọng đến việc truy
xét nguồn gốc của những tài sản phát sinh; cụ thể, nếu cá nhân thuộc diện phải
kê khai nhưng kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp
pháp về nguồn gốc của số tài sản phát sinh của họ và những người thân (bao gồm
vợ/chồng, con cái, cha mẹ...) thì có thể coi đó là tài sản do tham nhũng mà có.
Khi đó sẽ tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 20 của Nghị định trên (Quy
định về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai) và Điều 51 của Luật Phòng,
chống tham nhũng (Quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không
trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung
thực), cũng như theo các quy định khác của Luật Viên chức và Luật Phòng, chống
tham nhũng... Thiết nghĩ, trong điều kiện quản lý thanh toán bằng tiền mặt còn
gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc quản lý tài sản phát sinh như vậy sẽ
góp phần làm cho cán bộ không thể tham nhũng.
Để
các chủ trương, giải pháp về đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng đi vào
cuộc sống, quan trọng nhất là cần thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật,
giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao đạo đức công vụ, liêm chính trong thực
thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản
lý. Đồng thời với việc trích lập “quỹ dưỡng liêm” cần phải quản lý được thu
nhập và truy xét đến cùng nguồn gốc tài sản phát sinh của cán bộ lãnh đạo, quản
lý thì mới sớm xây dựng được ý thức không muốn, không thể, không dám và không
cần tham nhũng ở nước ta.
__________________
(1),
(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16),
(17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.76, 92-93, 93, 288, 193, 193-194, 193, 194,
194-195, 195, 195, 195, 195, 195, 195-196, 196.
(2)
ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.54.
(18)
Xem:
http://baochinhphu.vn/Quoc-te/Singapore-va-giai-phap-4-khong-trong-cuoc-chien-chong-tham-nhung/2382.vgp.
TS Nguyễn Văn Thắng - lyluanchinhtrị.vn - 17.06.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét