“Nói đi đôi với làm” là một trong những nguyên tắc căn bản của đạo đức cách mạng. Đồng thời, “Nói đi đôi với làm” còn là yêu cầu, phương châm, lẽ sống của người cán
bộ, đảng viên; là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc và thực hành thường ngày trong công việc và trong đời sống.Để thực hành tốt trên
thực tế nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt
các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, mỗi cán bộ, đảng
viên phải tự giác học tập, thấm nhuần sâu sắc nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”;
phải nhận thức đúng nội dung của “Nói” và “Làm”; nhận thức đúng chức trách, nhiệm
vụ; mỗi công việc được giao đều phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, lộ trình,
tiến độ, khối lượng và chất lượng để thực hiện có kết quả cao nhất. Dù việc to
hay việc nhỏ đều phải nỗ lực, quyết tâm hoàn thành với kết quả tốt nhất.
Đúng như Hồ Chủ tịch đã
căn dặn: “Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, mà còn
lôi cuốn người khác cùng quyết tâm như mình”. Tất nhiên quyết tâm phải gắn với
hành động thực tiễn: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết
tâm trong công tác, trong hành động”. ‘‘Trong công tác’’ và ‘‘trong hành động’’
ở đây chính là trong hoạt động thực tiễn, tức là bằng ‘‘Làm’’ chứ không phải bằng
‘‘Nói’’.
Không nên trở thành những
cán bộ ‘‘thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng
nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để nhà đầy rác” và “Hiểu chủ nghĩa
Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống
không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”.
Đồng thời, mỗi cán bộ,
đảng viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, thực sự thấm nhuần đạo
đức cách mạng, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị, nghiêm túc
nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó nói đúng, phát
ngôn đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, nghiêm túc học
tập và vận dụng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ‘‘Nói đi đôi với
làm’’. Chúng ta đều rõ để thể hiện tinh thần thực tiễn, gắn bó sâu sát cơ sở,
quán triệt quan điểm thực tiễn, trong khoảng hơn 10 năm, từ 1956 đến 1965, Hồ
Chí Minh đã thực hiện trên 70 lần đi thăm, tiếp xúc với cơ sở, địa phương, công
trường, xí nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, các bệnh
viện, trường học; thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng...
Mỗi năm tính trung
bình, Người có hơn 7 lần xuống cơ sở, mỗi tháng Người có tới 6 đến 7 lần gặp gỡ,
tiếp xúc với quần chúng. Hay vào năm
1945, trước nạn đói của đồng bào, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp
đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10
ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu
dân nghèo”.
Với Hồ Chí Minh, cán bộ,
đảng viên luôn phải gương mẫu đi đầu thực hành trong các phong trào. Có như vậy
nhân dân mới tin theo và làm theo. Người nói: “Muốn được dân tin, dân phục, dân
yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết
kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được
lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”. Hồ Chí Minh còn lấy ví dụ cụ thể để
căn dặn cán bộ: “Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta
10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe
sao được.
Đáng lý, dân nhịn một bữa
mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất
trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được”. Nếu mỗi
cán bộ, đảng viên thấm nhuần tấm gương đạo đức và thực hành nguyên tắc “Nói đi
đôi với làm” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì chắc chắn
chúng ta sẽ từng bước ngăn ngừa, khắc phục được các biểu hiện nói không làm;
nói nhiều, làm ít; nói một đàng, làm một nẻo; hứa với dân không thực hiện lời hứa...
Ba là, để thực hiện tốt
nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” hiện nay, trước hết cần phải thực hiện nghiêm
“nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm “trên trước,
dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo” tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh từ người lãnh đạo cấp cao đến cán bộ, đảng viên,
công chức ở cơ sở.
Đồng thời “Kiên quyết,
kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Từng bước hoàn thành cơ chế kiểm
tra, giám sát cán bộ, đảng viên để từng bước xóa bỏ các cơ chế quản lý đã lỗi
thời không kiểm soát được hiện tượng khai man, biến báo tài sản cá nhân, thành
tích, bằng cấp, chứng chỉ,... Phải thực hiện công khai minh bạch, trước hết là
chức trách của mỗi người để có sự kiểm tra, giám sát từ tổ chức và nhân dân.
Tăng cường giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm chống chủ nghĩa cá
nhân trong chính mỗi cán bộ, đảng viên.
Cần thực hiện nghiêm sự
chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần
nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị
càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống,
phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo”.
Các giải pháp nêu trên
phải được tổ chức thực hiện đồng bộ mới mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể.
Việc đẩy mạnh thực hành đạo đức “Nói đi đôi với làm” là trách nhiệm của mỗi cá
nhân, tổ chức đảng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để giữ vững, phát
huy và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên thực tế, góp phần
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét