Vì không nhận thức rõ nguồn gốc, bản chất, mức độ nguy hại của Chủ
nghĩa cá nhân; lại tự cho rằng bản thân mình luôn cố gắng học tập, rèn luyện
nên tuyệt nhiên đã trở thành người tốt, có nhân cách hoàn thiện, nhiều cán bộ, đảng
viên thường sinh ra tâm lý mặc nhiên, bàng quan, vô cảm trước vấn nạn đang hiện
hữu nhãn tiền. Nhiều cán bộ, đảng viên không nhận thấy trách nhiệm bản thân mà
phiến diện cho rằng việc chống CNCN là việc của cấp ủy, chính quyền, của cơ
quan chức năng và những người có trách nhiệm. Ở nhiều nơi, khi CNCN xuất hiện
phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng thì mới “phất cờ” tuyên chiến, đấu tranh
theo lối thụ động, vuốt đuôi.
Lại không ít cán bộ cho rằng, CNCN là bệnh của một cá nhân (cá
thể) cụ thể nên rất dễ dàng nhận diện, đấu tranh, triệt tiêu được ngay... Thế
nhưng, tất cả những nhận thức ấy hoặc là rơi vào sai lầm, hoặc phiến diện một
chiều, hoặc mang nặng sự áp đặt chủ quan.
Nên nhớ, CNCN chỉ hình thành, tồn tại và “ký sinh” như ung nhọt
trong cơ thể, nhân phẩm mỗi con người cụ thể. Do đó, chống CNCN trước hết thuộc
trách nhiệm của mỗi cá nhân, giống như mỗi người phải có trách nhiệm chăm lo
sức khỏe bản thân, làm cho đời sống tinh thần trở nên sạch sẽ, lành mạnh.
Để làm được điều đó, đòi hỏi qua từng ngày, từng tuần, từng việc
làm, hoạt động cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ trách nhiệm “tự
soi” lại mình để nghiêm khắc, kiên trì “tự sửa” như đánh răng, rửa mặt hằng
ngày. Đừng một ai tự cho mình là hoàn hảo; đừng bất chấp thực hành những việc chỉ
có lợi cho mình, lại có hại cho người khác hoặc tổ chức. Mỗi cán bộ, đảng viên
cần biết cách "định vị lại", "cấu trúc lại" và thường xuyên
điều chỉnh cách sống, cách làm theo hệ giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng. Bất
cứ khi nào có chuyện khác biệt, rơi vào tình huống có vấn đề, từng người không
nên cố gắng tìm những lý do bên ngoài. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm trong bản
thân xem mình làm điều đó đúng hay sai; có gây tổn hại gì đến người khác không?
Có làm điều gì đó trái với luân thường, đạo lý hay không? Có tuân theo các
nguyên tắc phổ quát về chân, thiện, mỹ? Một khi, mỗi cán bộ, đảng viên đều nhất
quán quyết tâm tự làm mới, tự hoàn thiện bản thân bằng thực tiễn cách mạng thì
chắc chắn CNCN sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.
Đối với tổ chức, ở mọi cấp, mọi ngành cần nhất quán quyết tâm
chính trị rất cao để nhận diện, đẩy lùi CNCN trong nội bộ. Tất nhiên, nhận diện
CNCN không phải chuyện giản đơn, do đó, các cấp cần có chủ trương phát huy tinh
thần tự giác, đề cao trách nhiệm của từng thành viên trong tập thể; đồng thời
phải có cơ chế để giám sát, có chế tài để xử phạt, xử lý một cách nghiêm khắc,
triệt để.
Với tinh thần đó, từng cán bộ, đảng viên phải có thái độ tích
cực, quyết liệt, không khoan nhượng trong nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn các
dấu hiệu, biểu hiện CNCN của đồng chí, đồng nghiệp, nhất là người đứng đầu.
Việc nhận diện CNCN cần được vận hành trên cả 5 thành tố: Tư tưởng, chính trị,
tổ chức, đạo đức, cán bộ; nhận diện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trước
hết là các khu vực liên quan đến lợi ích kinh tế, tài chính, cán bộ và chính
sách; trên cả phẩm chất, năng lực cán bộ, mà trước hết là khí chất, tính cách,
tư cách, lối sống, cách sống của cán bộ, đảng viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét