Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới, cần triển
khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, giữ vững nền tảng tư tưởng, thường xuyên giáo dục chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng
viên trong từng giai đoạn cách mạng.
Chỉ có nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
đường lối cách mạng của Đảng mới bảo đảm cho cán bộ, đảng viên xác định đúng
mục tiêu, lý tưởng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Thực
hiện giáo dục liêm chính, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng,
chống tham nhũng: “Liêm” là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân;
trong sạch, không tham lam địa vị, tiền của, danh tiếng, không cậy quyền thế mà
đục khoét, ăn của dân, dìm dập người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của
mình. “Chính” là thẳng thắn, đứng đắn. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn
chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm mình để phát huy điều hay, sửa đổi
những khuyết điểm. Đối với người: không nịnh hót người trên, xem khinh người
dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc.
Ðối với việc: đặt việc công lên trên việc tư, làm việc gì cũng phải đến nơi,
đến chốn, không ngại khó, nguy hiểm, cố gắng làm việc tốt cho dân, cho
nước.
Hai là, coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán
bộ, đảng viên.
Có thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên mới giữ gìn
được lối sống trong sạch, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội,
thực dụng và mọi tệ nạn xã hội. Chính phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
của cán bộ, đảng viên là sức “đề kháng” mạnh mẽ chống lại mọi suy thoái, biến
chất. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI và Nghị quyết Hội nghị
Trung ương lần thứ 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán
bộ, đảng viên và những giải pháp cơ bản để khắc phục, ngăn ngừa. Trong tình
hình hiện nay, cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp nêu trên, cần
bổ sung thêm những biện pháp, những cách làm mới, thiết thực. Đổi mới công tác
quản lý, kê khai tài sản của đảng viên đối với chi bộ; tăng cường các biện pháp
giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Nếu như những biểu hiện “lệch
chuẩn”, sự suy thoái về đạo đức, lối sống sớm được phát hiện, chấn chỉnh từ nơi
đảng viên công tác, thì sự tha hóa, tham nhũng sẽ được ngăn chặn kịp thời.
Ba là, xác định tiêu chí và thực hiện có hiệu quả nội dung xây
dựng Đảng về đạo đức, kết hợp hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung
ương lần thứ 4 (khóa XI) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII của
Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức bao gồm toàn bộ các hoạt động,
từ giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa
cá nhân và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý theo pháp luật và
kỷ luật đảng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm; rèn luyện lập trường quan điểm,
bồi dưỡng tư tưởng, lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực
hành đạo đức, lối sống theo chuẩn mực tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ
cán bộ, đảng viên, đến xây dựng tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên, cụ
thể hóa thành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; phát huy tính
tiền phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên… Nghị quyết
Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần
thứ 4 khóa XII của Đảng chỉ phát huy hiệu quả nếu mỗi cán bộ, đảng viên và cơ
quan, đơn vị kiên trì, kiên quyết từng bước đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng công tác kiểm tra,
giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan,
đơn vị.
Từng tổ chức cơ sở đảng cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy
định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của bí thư
cấp ủy các cấp. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh
hoạt chi bộ; đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể
nang, né tránh, ngại đấu tranh với những biểu hiện vi phạm. Đồng thời, có cơ
chế bảo vệ, khuyến khích người dám đấu tranh, bảo đảm ngăn chặn kịp thời mọi
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ cơ sở. Công tác kiểm tra,
giám sát của Đảng cần tích cực, chủ động và kịp thời bổ sung những nội dung phù
hợp; phối hợp chặt chẽ với công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong phát hiện, xử
lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Từng cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các
cấp nắm rõ thực trạng và nguy cơ của tình hình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
ngay trong tổ chức mình; kịp thời phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả mọi biểu
hiện vi phạm. Tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan nội chính, ủy ban kiểm tra
các cấp cũng như các cơ quan pháp luật.
Về cán bộ và công tác cán bộ, Đảng ta đã luôn khẳng định: công tác
cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cuộc
đấu tranh PCTN có thành công vững chắc hay không phụ thuộc một phần quan trọng
vào việc có làm tốt công tác cán bộ hay không. Vì vậy, trong thời gian tới cần
thực hiện nghiêm Quyết định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về
kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Năm là, phát huy vai trò tích cực của báo chí, truyền thông, kiểm
soát, quản lý tốt các hoạt động báo chí, xuất bản, internet và mạng xã hội.
Phát huy
vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông trong đấu tranh với
các luận điệu thù địch, sai trái, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Các cơ quan báo chí, truyền thông phải phản ánh trung thực, kịp thời, góp phần
đưa chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống và là kênh thông
tin quan trọng phát hiện những mặt tiêu cực trong xã hội, những biểu hiện suy
thoái của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, báo chí, truyền
thông đóng vai trò giám sát và phản biện xã hội; nâng cao hiệu quả tuyên
truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu
cực, chú trọng việc giáo dục đạo đức bằng cách nêu gương của cán bộ, đảng viên,
thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung
ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên
Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Sáu là, hoàn thiện chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ để từng
bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và lợi ích thiết thân của đội ngũ
cán bộ, đảng viên.
Bảo đảm thu nhập, tiền lương tương xứng với sự đóng góp, phù hợp
với công sức, trí tuệ của mỗi người đã cống hiến; thực hiện đẩy mạnh cải cách
tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên,
công chức để góp phần PCTN. Ngoài sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức thì trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền,
người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp phải thật sự quan tâm đến điều kiện làm
việc, thu nhập và cuộc sống cho họ. Chống đặc quyền, đặc lợi, đồng thời có
những chính sách, quy định chế độ khen thưởng cả về vật chất và tinh thần, bảo
đảm công khai, dân chủ, công bằng giữa các cấp quản lý cán bộ và giữa cán bộ,
công chức với nhân dân./.
V3.
Cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương trước quần chúng nhân dân về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trả lờiXóa