Càng gần đến những ngày lễ lớn và những sự kiện lịch sử của năm 2024, các thế lực thù địch chống đối chính trị càng tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là trên không gian mạng. Đây là một trong những nhân tố có thể tạo ra nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nếu không kiên quyết đấu tranh ngăn chặn!
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh chống thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc, dân chủ cho Nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, đó là nhận định không chỉ của Đảng, Nhân dân ta mà còn là của bè bạn quốc tế.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị tinh thần của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam. Cần khẳng định rằng, Việt Nam đã từng có thời kỳ lịch sử nhiều đảng cùng tham gia lãnh đạo cách mạng, nhưng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là cách mạng nhất, chân chính nhất, đủ bản lĩnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 94 năm qua đã chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Thực tế đã minh chứng, trải qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 1996, Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; năm 2008 ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, có mức thu nhập trung bình và năm 2020, với gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Diện mạo đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp nhiều lần, đời sống Nhân dân được nâng cao rõ rệt về vật chất, văn hóa, tinh thần, về mức sống và chất lượng cuộc sống, nhất là về ăn ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, dịch vụ cuộc sống.
Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, kết hợp nội lực và ngoại lực, nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thế nhưng, đã trở thành thông lệ, lợi dụng những sự kiện quan trọng của đất nước như: Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), Tết Nguyên đán Giáp Thìn, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)…, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chống đối, cơ hội chính trị lại diễn ra dưới nhiều hình thức như: soạn thảo tài liệu mạo danh, nặc danh, kiến nghị, thư trao đổi… nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận thành tựu phát triển của đất nước; thổi phồng những khuyết điểm, hạn chế trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, kinh tế, văn hóa, xã hội; trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; từ đó quy kết, đổ lỗi nguyên nhân là do thể chế chính trị, nhằm gây sức ép đòi “đổi mới thể chế chính trị”… Mặt khác, chúng ra sức xuyên tạc, bịa đặt đời tư nhân cá nhân, nhằm bôi nhọ thanh danh, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Càng gần đến những ngày lễ lớn và những sự kiện lịch sử của năm 2024, các thế lực thù địch chống đối chính trị càng tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là trên không gian mạng. Chúng xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hướng lái hệ thống pháp luật rập khuôn, máy móc với mô hình chính trị nước ngoài, xa lạ với thực tiễn Việt Nam, chủ yếu là mô hình tam quyền phân lập. Khi không đạt được mục đích, chúng lại quay sang hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là một trong những nhân tố có thể tạo ra nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nếu không kiên quyết đấu tranh ngăn chặn. Theo đó, để bảo vệ vững chắc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, chúng ta cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
Một là, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng, tính tiên phong của Đảng; kiên quyết, kiên trì, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân, bảo đảm cho Đảng ta đủ sức lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Tuyệt đối không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm tư tưởng chính trị đòi đa nguyên, đa đảng.
Hai là, chủ động phát hiện kịp thời những phần tử cơ hội trong bộ máy Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, không để các thế lực thù địch tạo dựng ngọn cờ tập hợp được lực lượng. Tăng cường quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, Internet, mạng xã hội… Không để xảy ra sơ hở để bên ngoài có thể lợi dụng xâm nhập, thu thập bí mật, xuyên tạc phủ nhận truyền bá quan điểm tư tưởng thù địch và kích động phá hoại. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc; tăng cường giáo dục đối thoại với những người có quan điểm sai trái, ngăn chặn sự tác động của bọn phản động bên ngoài, không đẩy họ vào thế đối địch, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp đã diễn biến từ ta sang địch.
Ba là, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng. Kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, đặc biệt là mục tiêu, lý tưởng, con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; phát triển đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa; có biện pháp thiết thực củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các thành tố trong hệ thống chính trị và Nhân dân.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống những luận điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng để có luận chứng bác bỏ có sức thuyết phục từng luận điểm. Trên cơ sở đó, huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng hợp thành trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tiến hành phản bác kịp thời, có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, với các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng Đảng, trong quản lý kinh tế - xã hội nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại và vinh quang, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, gian khổ. Chúng ta khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập. Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng ta - một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân, là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét