Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội
chính trị đang ra sức xuyên tạc, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, hoạt
động của Nhà nước. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, chúng triệt để sử
dụng in-tơ-nét, mạng xã hội tán phát nhiều tin, bài với các nội dung quan điểm
sai trái, thù địch, nhằm tác động đến tâm lý người dân và đặc biệt đối với đồng
bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Mục đích làm giảm lòng tin của nhân dân
với Đảng, Nhà nước, tác động tiêu cực đến tư tưởng nhân dân hòng làm phai nhạt,
tiến tới xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Một số
luận điệu phản động, thù địch phổ biến như:
Một là, bác bỏ lý luận hình thái kinh tế - xã
hội Mác-xít nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Với mục đích phủ nhận lý luận
hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, các thế lực này đã coi
yếu tố khoa học, kỹ thuật là yếu tố quyết định sự vận động, phát triển của xã
hội loài người. Nếu Việt Nam không thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà đi
theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ không xảy ra chiến tranh và nghèo đói.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, chính chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân với
mưu đồ xâm chiếm, muốn biến nước ta thành thuộc địa đã mang đạn dược, vũ khí
tàn sát hàng triệu đồng bào ta. Và thực tế cho thấy, chế độ tư bản có thực sự
bình đẳng, tự do hay không?
Hai là, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân. Các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc và lập luận rằng, ở các nước
tư bản phát triển ngày nay, giai cấp công nhân không còn vô sản và cũng không
còn nghèo đói như ở thế kỷ XIX. Do đó, giai cấp công nhân ở các nước này không
còn sứ mệnh lịch sử như C.Mác và Ph.Ăng-ghen luận giải nữa. Cho rằng trí thức
thay thế công nhân để làm cách mạng; giai cấp công nhân không còn giữ vai trò
toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa trong bối cảnh mới, họ bị thay thế
bằng máy móc, công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng 4.0. Cuối cùng, công nhân ở
các nước không còn bị bóc lột hoặc bóc lột không đáng kể. Thực chất của những
quan điểm này là sự biện hộ cho địa vị thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản
nhằm khẳng định sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở phủ nhận sứ mệnh
lịch sử của giai cấp công nhân.
Ba là, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác
- Lênin, đòi đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Các thế lực phản động đã hạ thấp các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin
nhằm xoá bỏ tiền đề lý luận của chủ nghĩa xã hội. Có thể thấy, trong lịch sử
đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, chủ
nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước vận dụng
sáng tạo trong sự thay đổi liên tục của tình hình trong và ngoài nước. Vậy mà,
chúng muốn cắt rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin với
mục tiêu phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm làm
cho quan điểm lệch lạc này thấm dần vào nhân dân, từng bước dẫn đến "tự
diễn biến", "tự chuyển hoá". Ngoài ra, tạo nên sự chia rẽ giữa
các nước xã hội chủ nghĩa cũng như đối với các quốc gia khác trên thế giới về
mặt tư tưởng.
Bốn là, chúng rêu rao Đảng Cộng sản Việt Nam đã
độc tôn lãnh đạo cách mạng, làm mất dân chủ, nên cần thực hiện “đa nguyên chính
trị”, “đa đảng đối lập”. Các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền “đa
nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, mong muốn một nước đa đảng, nhằm hạn chế
và thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng muốn phủ nhận vai trò
lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với đất nước, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa; chuyển nền dân chủ tư sản. Theo chúng, dân chủ tự do là người dân có
quyền được theo bất cứ đảng nào mà họ muốn. Nhưng có thể thấy, các nước đa đảng
cũng tồn tại những vấn đề nhất định, điển hình là sự cạnh tranh không công
bằng, chia phe đảng phái dẫn đến các vấn đề về an ninh trật tự và an ninh chính
trị quốc gia.
Năm là, xuyên tạc mục tiêu và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội, chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Các thế lực thù địch luôn lựa chọn những thời điểm nhạy cảm như bầu cử,
tiếp xúc cử tri hoặc các sự kiện quan trọng của đất nước để xuyên tạc, chống
phá. Chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội của C.Mác và Ph.Ăng-ghen là một hình thức
chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ trương phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa làm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho dân tộc
bị cô lập trên trường quốc tế… Tuy nhiên, thực tiễn 37 năm đổi mới cho thấy,
Việt Nam đã và đang là nước phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực với tiềm
lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, khối đại đoàn kết dân tộc ngày
càng được củng cố, tăng cường.
Sáu là, thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội nhân
dân Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa” Quân đội, các thế lực thù
địch, những phần tử cơ hội chính trị sử dụng nhiều phương thức. Mục đích phủ
nhận học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh, Quân đội, phủ nhận lập trường chính
trị của lực lượng vũ trang cách mạng, chia rẽ Quân đội với Đảng, tước bỏ vai
trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ từng bước phai
nhạt, dẫn đến xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thiếu niềm tin, phủ
nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ
chức và rèn luyện, gần 80 năm qua luôn là lực lượng chính trị tuyệt đối trung
thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ
được giao, thực sự là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động
sản xuất. Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy, cơ
quan chính trị các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các
giải pháp, cả về tổ chức, lực lượng, nội dung, hình thức, phương tiện để đấu
tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực phản động,
thù địch./.
TBQL
17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét