Là một nước đa tôn giáo với 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.
Năm 2023 vừa qua có thể nói là năm có nhiều dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực tôn giáo, tạo tiền đề cho tín ngưỡng, tôn giáo phát triển, đồng thời nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước đối với quần chúng nhân dân.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023 đã đạt được nhiều bước tiến, từ công tác lập pháp, hành pháp và đối ngoại tôn giáo.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Sau khi Nghị định số 162 bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc, nhất là thiếu những biện pháp cụ thể để thi hành hiệu quả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 29/12/2023, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định 95) thay thế Nghị định 162.
Trong đó, đã giải quyết những vướng mắc trong thực tế mà người dân, tín đồ gặp phải như vấn đề sở hữu đất tôn giáo; sinh hoạt tín ngưỡng đối với những người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ; bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài; hoạt động của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, đặc biệt là vấn để sinh hoạt tôn giáo trên không gian mạng…
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Điểm nổi bật là Việt Nam đã phát hành Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Sách trắng không chỉ cung cấp những thông tin về chính sách, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam mà còn khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền khác cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào có đạo, củng cố niềm tin trong chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước. 12 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 3.420 đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; 3 hội nghị tập huấn kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho 750 đại biểu là chức sắc, chức việc các tôn giáo tại các địa phương được tổ chức trên toàn quốc.
Thứ ba, các tổ chức tôn giáo được tạo mọi điều kiện hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Đặc biệt những ngày lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự.
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 02 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam), quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam.
Tính đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân, năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in. Nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc.
Thứ tư, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện, góp phần khẳng định chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong năm 2023, có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khoá đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện đăng cai, tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế lớn: Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình; Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương”.
Thứ năm, quan hệ Việt Nam-Vatican có bước tiến lịch sử khi Vatican chính thức có Đại diện thường trú tại Việt Nam. Kết quả này xuất phát từ những nỗ lực của hai bên và chuyến thăm Toà thánh của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tháng 7/2023.
Giáo hoàng Francis ghi nhận những đóng góp của chức sắc, giáo dân và Giáo hội Công giáo Việt Nam để phục vụ dân tộc và sự phát triển của xã hội; bày tỏ quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”.
Dự kiến trong năm 2024, Giáo hoàng sẽ có chuyến thăm Việt Nam, củng cố mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai bên.
Hành động năm 2024
Năm 2024, tình hình chính trị – xã hội ổn định nhưng nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức: các hiện tượng tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ” tiếp tục lôi kéo người tham gia; hoạt động truyền đạo xuyên biên giới, qua mạng Intenet…, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm và hiện thực hoá quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sự đồng bộ, hiệu quả của hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc sửa đổi, bổ sung cần đồng bộ giữa các bộ ngành với các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo để tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.
Giáo hoàng Francis ghi nhận những đóng góp của chức sắc, giáo dân và Giáo hội Công giáo Việt Nam để phục vụ dân tộc và sự phát triển của xã hội, bày tỏ quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật và việc thực hiện về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan thực thi pháp luật, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và quần chúng nhân dân nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Chủ động triển khai công tác thông tin đối ngoại; tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo ở trong nước tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về tôn giáo ở nước ngoài, đăng cai tổ chức các sự kiện tôn giáo ở trong nước.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ, pháp luật; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ và các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Năm là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại tôn giáo, chủ động tiếp xúc, gặp gỡ với các nước, các tổ chức quan tâm vấn đề tôn giáo Việt Nam để trao đổi, cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, đồng thời phản bác thông tin sai lệch về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét