Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Chiến thuật vận động tiến công

Sau thất bại nặng nề của cuộc tiến công lên Việt Bắc Thu-Đông 1947, thực dân Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài, thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Ở vùng Đông Bắc, trong hai năm 1948 và 1949, chúng tăng cường mở rộng chiếm đóng vùng Cao-Bắc-Lạng để “khóa chặt biên giới”, “bóp nghẹt lực lượng kháng chiến”. Thực hiện Kế hoạch Revers (năm 1949), địch sử dụng 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh (71% là lính Âu-Phi thiện chiến), 30 khẩu pháo lớn, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 8 máy bay chiếm đóng, thiết lập tuyến phòng thủ Đường số 4 nhằm ngăn chặn tiếp xúc giữa cách mạng Việt Nam và bên ngoài. Tuy binh lực nhiều, hỏa lực mạnh, công sự kiên cố, vững chắc nhưng địch đóng trên Đường số 4 theo đội hình tuyến dài 320km giữa vùng rừng núi hiểm trở; các vị trí gần như độc lập trong khoảng cách lớn; khi bị ta tiến công hầu như không có khả năng chi viện cho nhau về hỏa lực; chỉ có thể cơ động ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ hoặc đường không. Nhận rõ mạnh-yếu trong thế bố trí phòng thủ của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch chọn cách “đánh điểm, diệt viện”, cụ thể là đánh Đông Khê-cụm cứ điểm ở giữa Cao Bằng và Thất Khê-là vị trí hiểm yếu để “đánh điểm”; khi ta diệt mục tiêu này sẽ chặt đứt một mắt xích ở giữa phòng tuyến Đường số 4 của địch, làm cho Cao Bằng rơi vào thế bị cô lập, uy hiếp, buộc địch phải cơ động lực lượng ứng cứu, tạo thế, lực, thời cơ “diệt viện”, tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự ở khu vực Cốc Xá-điểm cao 477. Thực hiện cách đánh đã xác định, Bộ chỉ huy chiến dịch tập trung binh lực và hỏa lực, thực hiện đột phá trên nhiều hướng để tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Do tạo được ưu thế áp đảo, chỉ sau 54 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, làm bị thương và bắt 212 tên, bắn rơi 1 máy bay, thu 2 khẩu pháo, hàng trăm khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng. Việc mất cụm cứ điểm Đông Khê buộc địch phải cơ động lực lượng từ Thất Khê lên ứng cứu, đón lực lượng từ Cao Bằng rút về, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch ngoài công sự. Khi chuyển sang đánh địch cơ động ứng cứu giải tỏa đường bộ, ta tập trung lực lượng ở khu vực giữa Đông Khê và Thất Khê. Đầu tháng 10-1950, Binh đoàn Charton cơ động vào khu vực Cốc Xá-điểm cao 477, lực lượng của địch được nâng lên 7 tiểu đoàn. Trong điều kiện diễn biến khẩn trương, phức tạp, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định quyết tâm tiêu diệt Binh đoàn Le Page trước, đồng thời kiềm chế Binh đoàn Charton. Trận này, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo vận dụng thành công hình thức chiến thuật vận động tiêu diệt địch cơ động đường bộ ở khu vực Cốc Xá-điểm cao 477 với quy mô đại đoàn tăng cường. Trận đánh diễn ra trong phạm vi hơn 60km2 ở địa hình rừng núi, cả địch và ta đều cơ động nên các tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp. Để đánh quân địch mạnh, cơ động nhanh, ta tổ chức phối hợp các bộ phận bao vây, bộ phận đón lõng (sau này gọi là bộ phận tạo thế), bộ phận tiến công để ngăn chặn, chia cắt, dồn ép chúng vào địa hình bất lợi, lần lượt tiêu diệt các mục tiêu. Trong thực hành tiến công, ta hình thành thế bao vây, tiến công từ 2 đến 3 hướng, thực hiện thọc sâu, luồn sâu, vu hồi, làm cho quân địch lâm vào thế bị động, lúng túng chống đỡ và nhanh chóng bị tiêu diệt. Trận vận động tiêu diệt địch ở Cốc Xá-điểm cao 477 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, là tiền đề cho hình thức chiến thuật vận động tiến công của Quân đội ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét