Với cách dạy độc đáo, mang tính khoa học cao, hệ thống bài tập chặt chẽ, cách truyền đạt dễ hiểu, quan tâm tận tình đến sinh viên, cô Ánh Hằng được học trò hết mực yêu quý.

Đây là thành quả ngọt ngào sau những tháng ngày mày mò kiến thức chuyên ngành để giảng dạy cho sinh viên khi cô Hằng về công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong quá trình giảng dạy, cô nhận thấy nhiều cách học cần phải được điều chỉnh và cải thiện hơn để đưa ra “bí kíp” giúp sinh viên đào sâu kiến thức.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
 Cô Ánh Hằng bên các học trò.

Trong một lần trao đổi với thầy Phạm Thanh Dương, giảng viên tiếng Anh chuyên ngành điện-điện tử, cô Hằng đã được giới thiệu về bản đồ khái niệm-phương pháp học mới hỗ trợ tư duy vô cùng hiệu quả trong quá trình giảng dạy. Cô cảm thấy rất tâm đắc và đào sâu nghiên cứu để áp dụng bản đồ khái niệm vào dạy-học tiếng Anh. Khi tư duy phát triển, khả năng làm việc hiệu quả trong mọi lĩnh vực cũng sẽ tăng lên.

Việc ứng dụng bản đồ khái niệm khi học tiếng Anh sẽ giúp sinh viên rút ngắn bài đọc, chuyển đổi toàn bộ nội dung văn bản thành dạng sơ đồ có tính kết nối. Mỗi khi lướt lại bản đồ, sinh viên có thể bắt gọn được các ý chính của bài học. Khi nhìn vào sơ đồ, giảng viên cũng có thể đánh giá sinh viên có hiểu bản chất bài học hay không.

“Nhiều hôm dạy đến 12 giờ mới xong nhưng các bạn sinh viên vẫn muốn tôi nhận xét bài tập. Vậy là cô trò say sưa bàn luận quên cả thời gian. Tôi cảm thấy rất vui vì mình truyền được cảm hứng cho sinh viên, chia sẻ với các đồng nghiệp sử dụng bản đồ khái niệm không chỉ trong môn học tiếng Anh mà còn áp dụng với hầu hết môn học khác”, cô Ánh Hằng chia sẻ.

Hiện cô Ánh Hằng và một cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đang nghiên cứu, phát triển một ứng dụng giúp sinh viên học tiếng Anh thông qua việc sử dụng bản đồ khái niệm, được thiết kế dưới dạng một trò chơi trên điện thoại di động. Với ý tưởng này, cô mong muốn tạo ra một trải nghiệm học tiếng Anh thú vị, dễ chịu và hỗ trợ sinh viên phát triển tư duy sâu sắc.

Bài và ảnh: PHƯƠNG THẢO

nguồn báo quân đội nhân dân