Trong những năm qua, mặc dù nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao
của Đảng và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương dựa vào dân
để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tế vẫn còn có
nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế. Hội nghị Trung ương 4 nhận định: “Một bộ phận
cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý
nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng… Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu
dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả”.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt và hiệu quả hơn chủ trương dựa vào dân để xây
dựng, chỉnh đốn đảng, cần thực hiện một số nội dung cơ bản như sau:
Một là, thực hiện dân chủ rộng rãi, trước hết là dân chủ trong Đảng.
Phát huy dân chủ được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để nhân
dân có thể tham gia hiệu quả trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính
trị, cũng là cơ sở quan trọng để Đảng có thể dựa vào dân thực hiện xây dựng,
chỉnh đốn Đảng. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Tất cả
quyền lực của nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Điều đó khẳng định bản
chất của chế độ ta, chế độ do nhân dân lao động làm chủ. Trong việc
thực hiện quyền làm chủ của nhân dân cần chú trọng thực hiện một cách nền nếp,
thực chất, tránh hình thức. Dân chủ phải được thực hành rộng rãi, từ dân chủ
trong Đảng đến dân chủ trong toàn xã hội, dân chủ ở các cấp, các địa phương đến
các lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Do
vậy, cần tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của quần chúng
nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước; trong quá trình
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Hai là, xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân
tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định dân là gốc,
luôn tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế,
đồng thời luôn kiên trì thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trước hết Đảng, Nhà nước cần đổi
mới cơ chế và quy trình trong việc xây dựng, triển khai thực hiện nhiệm vụ lãnh
đạo, quản lý các cấp, nhất là trong công tác cán bộ và thực hiện những chủ
trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước theo hướng phát huy dân chủ, phát huy
vai trò của nhân dân. Nhân dân có thể tham gia đóng góp ý kiến ở những khâu
quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách liên
quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Từng bước hoàn
thiện và đẩy mạnh thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế về giám sát và
phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các
văn bản pháp luật liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, dân chủ ở cơ sở…
Cần phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc đánh giá, giám sát đội ngũ
cán bộ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ, các vấn đề liên quan đến phẩm chất,
đạo đức, lối sống…
Ba là, tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho
nhân dân. Muốn phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng,
chỉnh đốn Đảng thì trước hết Đảng, Nhà nước phải tiếp tục triển khai thực hiện
tốt những chủ trương, chính sách đảm bảo quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của
nhân dân; nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho người dân, thu hẹp khoảng
cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc hiện
nay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện sẽ góp phần
nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từ
đó vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
sẽ ngày càng được khẳng định và hiệu quả, chất lượng đóng góp của nhân dân cũng
được nâng cao hơn.
Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc
và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị xã hội phải thực sự gần dân, sát dân, là cầu nối giữa nhân dân với
Đảng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, chăm lo, bảo vệ lợi ích của nhân dân, vận động nhân dân tham gia đóng góp,
xây dựng phát triển đất nước. Cần tập trung giám sát, phản biện trong quá trình
xây dựng chủ trương, nghị quyết, đường lối lớn của Đảng; ban hành các chính
sách, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, đơn vị, đảm bảo
bám sát thực tiễn, hợp ý Đảng - lòng Dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó chú trọng đội ngũ cán
bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, phẩm chất, thực sự hết lòng hết sức phục vụ
Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn: Muôn việc thành
công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Thực tiễn đã chứng minh, chủ
trương đường lối cho dù có rất đúng đắn và sáng suốt đến đâu nhưng nếu cán bộ
kém về năng lực, yếu về phẩm chất, thiếu trách nhiệm, triển khai thực hiện
không tốt thì chủ trương đó khó đi vào cuộc sống: “Khi có chính sách đúng, thì
sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc,
nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách
đúng mấy cũng vô ích”.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét