Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Đ.X, viết loạt 50 bài đăng trên báo Cứu quốc, từ số 2.253, ngày 16-1-1953, đến số 2.430, ngày 23-9-1953; các bài viết sau này được tập hợp, xuất bản thành cuốn sách Thường thức chính trị(1). Với cách thức trình bày cụ thể, rõ ràng, thể hiện quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều vấn đề về giai cấp, nhà nước, cách mạng, các chế độ xã hội, kinh tế, về Đảng và một số vấn đề khác, như về thời đại ngày nay, tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước, tình hình trong nước, thế giới,… Trong đó, bàn về Đảng là nội dung trung tâm, với 14/50 bài viết (từ bài 31 đến bài 44).
Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của dân tộc, Đảng của nhân dân lao động Việt Nam: “Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc … Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân”(2), “Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân”(3). Nội dung xây dựng Đảng tuân thủ 8 nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của V.I. Lê-nin. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng viên và cán bộ là “phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng như thế mới xứng đáng là đảng viên và cán bộ của Đảng, như thế mới lãnh đạo được quần chúng”(4).
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; muốn làm cách mạng thì trước hết phải có đảng cách mạng. “Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(5). Người chỉ rõ: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi”(6).
Sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ trong từng giai đoạn cách mạng: Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng; tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh để giành lấy chính quyền; sau khi cách mạng thắng lợi, “quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì: - Dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. - Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”(7).
Về sự cần thiết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đây là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, là nhu cầu tự hoàn thiện của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Người phân tích rất rõ: “Vì sao phải chỉnh huấn? Vì cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm như: - Chưa hiểu rõ đường lối cách mạng dân tộc - dân chủ; chưa nắm được vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. - Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình). - Vì vậy mà mắc nhiều bệnh. Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như Tự tư tự lợi, sợ khó, sợ khổ; Không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng; Lãng phí, tham ô. Quan liêu, mệnh lệnh, v.v..”(8). Do đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để Đảng ta khắc phục khuyết điểm, loại trừ những căn bệnh trên; để Đảng ta củng cố lập trường luôn vững chắc, tư tưởng luôn thông suốt, ngày càng lớn mạnh. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”(9).
Các bài viết trong tác phẩm Thường thức chính trị thể hiện quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh trên mọi mặt của công tác xây dựng Đảng:
Về tư tưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng của Đảng và yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập để nâng cao trình độ lý luận, chính trị. Người căn dặn: “Nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin … Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”(10). Người yêu cầu: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản””(11). Người ví “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”, vô cùng nguy hiểm đối với cách mạng: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(12). Bởi lẽ đó, cán bộ, đảng viên cần: học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà mình phụ trách. Phải có tinh thần hy sinh cho cách mạng, có tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn(13).
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích, chỉ rõ: Công tác tư tưởng là nhiệm vụ cần thực hiện đầu tiên của một đảng cách mạng; nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam là phải truyền bá lý luận Mác - Lê-nin thấm đẫm trong quần chúng, nhân dân. Bởi, lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng; nhờ lý luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà cực khổ, thấy rõ đường lối đấu tranh với địch, từ đó mới có hành động đúng đắn, phát huy được tài năng và lực lượng vô tận của mình(14).
Về chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm: Tư tưởng chính trị, tư duy chính trị, đường lối chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị,... Trong đó, đường lối chính trị là vấn đề cốt tử đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Theo Người, “Đảng phải có chính cương rõ rệt”, có “khẩu hiệu chính trị đúng” phù hợp với mỗi giai đoạn cách mạng để động viên và lãnh đạo nhân dân đấu tranh; Đảng phải chống cả khuynh hướng “tả” lẫn khuynh hướng “hữu”(15). Đường lối chính trị của Đảng được xây dựng dựa trên sự nhận thức đúng các quy luật khách quan, trúng các yêu cầu của thực tiễn cách mạng, trúng với nguyện vọng, kỳ vọng của đất nước và nhân dân. Trên cơ sở đó, cần xác định và chỉ ra được mục tiêu, phương châm, phương hướng, giải pháp phát triển cách mạng, từ đó mới có thể tập hợp, tổ chức, động viên nhân dân một lòng một dạ đi theo Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách. Đảng cần vận dụng, “áp dụng lý luận vào các chính sách”, hoạch định được cả đường lối chính trị chung và đường lối trong từng lĩnh vực cụ thể; kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam, áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam(16).
Về tổ chức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên và tổ chức đảng cần liên kết với nhau theo một kỷ luật chung, dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức. “Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức. Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”(17). Kỷ luật đảng là ý chí của toàn Đảng, nhằm bảo đảm sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng chi bộ; khẳng định vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ là hai yếu tố then chốt, bảo đảm hiệu quả của công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”. Điều này cũng được thể hiện rõ trong tác phẩm Thường thức chính trị. Người nhấn mạnh: Chi bộ là “gốc rễ của Đảng”, “đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”, “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng và quần chúng”; “Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”(18)..
Về cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ, đảng viên là phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Để làm được điều đó, thì nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng phù hợp với trình độ của quần chúng. Cán bộ, đảng viên phải làm gương trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc và phải sâu sát trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng. Cán bộ, đảng viên cần làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo(19).
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thật thà, thành khẩn tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên; “vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to”(20). Do đó, “Mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên”(21). Tự phê bình và phê bình nhằm phát huy cái tốt; tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, khuyết điểm, sai lầm; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên.
Về phương thức lãnh đạo của Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu và trả lời rõ câu hỏi: Đảng dùng cách gì và làm thế nào để lãnh đạo? Theo Người, trước hết phương thức lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua đường lối, chủ trương, chính sách. Việc đầu tiên của Đảng là cần truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong nhân dân. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người cũng phân tích, chỉ rõ Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và thông qua vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên(22).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét