Thực hiện nghiêm khắc với chính mình đòi hỏi người
cán bộ, đảng viên “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã
nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết
điểm của mình”. Đó là quá trình tự quan sát, theo dõi, phát hiện, xem
xét, đánh giá, kiểm điểm về lời nói và hoạt động của người đảng viên trong mối
quan hệ với công việc, với người khác và với chính mình. Đó cũng chính là năng
lực tự kiểm tra, giám sát trong thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, trong việc thực
hiện các nhiệm vụ chính trị và trong việc thực hiện “bổn phận” của người đảng
viên.
Nghiêm khắc với chính mình thể hiện ý thức
giác ngộ cao của người cán bộ, đảng viên khi đứng trong hàng ngũ của
Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng, bản thân người đảng viên khi vào Đảng là đã tự
nguyện chấp nhận hy sinh lợi ích, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì lợi ích của
Đảng, của dân tộc và của nhân dân. “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn
trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do
lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình
sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”. Nghiêm khắc với chính mình là tiền
đề cho những nỗ lực của cá nhân nhằm xây dựng một tổ chức đảng chân chính,
giống như xây dựng nền gốc vững bền cho ngôi nhà của mỗi người.
Nghiêm khắc với chính mình là yêu cầu đối với cán
bộ, đảng viên bởi “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong
lòng”, nghiêm khắc với chính mình sẽ góp phần giúp cho phần tốt ở
trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi. Đặc
biệt, khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, đảng viên thường nắm giữ những vị trí
quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, yêu cầu này càng có ý nghĩa quan
trọng hơn nữa bởi đứng trước những khó khăn, thử thách cũng như những cám
dỗ về tiền tài, danh lợi, cán bộ, đảng viên dễ bị suy thoái, biến chất, có thể
nhanh chóng rơi vào chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hiểm của mỗi cá nhân và tổ
chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ các cơ quan, các
đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền
mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi
tư””.
Đối với Đảng, sự tự giám sát của
cán bộ, đảng viên là gốc rễ giám sát của Đảng “vì những người trong sạch thì không
việc gì phải sợ sự kiểm soát của ai cả, ngay cả sự kiểm soát của nghị viện”.
Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị
được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình
không chính, mà muốn người
khác chính là vô lý.
Trong khi với chính mình phải thực hiện nghiêm
khắc thì trong quan hệ với người khác, Hồ Chí Minh yêu cầu phải luôn khoan
dung, độ lượng và tôn trọng mọi người. Quan điểm này thể hiện tinh thần nhân
văn sâu sắc.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm
khắc với chính mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải không tự cao, tự đại, luôn
chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm để phát triển điều tốt, khắc phục
điều dở của bản thân; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn,
đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc,
dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc
công lên trên, lên trước việc tư… Đây là yêu cầu thường xuyên, liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng hoàn thiện
mình hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của mỗi thời kỳ.
Nghiêm khắc để kiểm soát chính
mình không phải là điều dễ dàng, một phần do thói quen tùy tiện, do áp lực cuộc
sống, do tác động từ môi trường và quan trong hơn nữa, điều khiến người ta khó
kiểm soát được bản thân đó là những khó khăn, gian khổ trên con đường làm cách
mạng, là sức hấp dẫn của địa vị, tiền tài, danh vọng. Do đó, nghiêm khắc với
chính mình đòi
hỏi sự tự giác cao, bản lĩnh vững vàng, sự tự
chủ của bản thân trước mọi cám dỗ, biết tiết chế nhu cầu, lợi ích bằng cách đặt
nhu cầu, lợi ích của mình trong sự phù hợp với nhu cầu, lợi ích của người khác
và của tập thể.
Thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh, trong những
năm vừa qua, Đảng ta đã luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đội ngũ
cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên
khẳng định “xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ” với tư cách là một trong năm
nội dung của công tác xây dựng Đảng, bên cạnh các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo
đức, tổ chức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
đã có những chuyển biến tích cực. Nếu khẳng định “cán bộ là nhân tố
quyết định thành bại của cách mạng” thì những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử về kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm đổi mới trong điều kiện Đảng đã lãnh đạo
đất nước vượt qua khó khăn, thách thức thì không thể phủ nhận được “sự nỗ lực
phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh
quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Nhìn trên phạm vi toàn cục, trước những diễn biến
phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn, tiêu cực trong nước, đại bộ
phận cán bộ, đảng viên thể hiện quan điểm vững vàng, kiên định mục tiêu, lý
tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nghiêm túc thực hiện Cương
lĩnh, Điều lệ và nghị quyết của Đảng; nêu cao vai trò lãnh đạo quần chúng; giữ
gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, sống mẫu mực, đoàn kết, thống nhất trên
nguyên tắc chung, quan hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng nhân dân. Sự nhất
trí về chính trị, đồng thuận trong xã hội vẫn là cơ bản. Đó là kết quả của
nhiều yếu tố trong đó có việc thực hiện nghiêm khắc với chính mình, nêu cao ý
thức tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân.
Tuy nhiên, trong một số cơ quan,
đơn vị, vẫn còn trình trạng cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thủ
đoạn, bè cánh, thiếu liêm, chính, chí công, vô tư, lợi dụng vị trí, chức vụ để
tham ô, đục khoét, tham nhũng, ăn cắp của công; hạch sách, nhũng nhiễu cấp dưới
và nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ; hoặc một số thì đòi hỏi Đảng, Nhà nước
phải “trả ơn” (đòi
quyền lợi, chế độ, chính sách…). Những vụ án lớn vừa qua cho thấy,
những cán bộ, đảng viên sai phạm phần lớn đều được đào tạo cơ bản, có hiểu biết
pháp luật, đều nhận thức đầy đủ về quy định của Đảng, Nhà nước, về yêu cầu đối
với người đảng viên nhưng bản thân họ
thiếu tu dưỡng, rèn luyện, đặc biệt là thiếu bản lĩnh chính trị (tức là chưa
thực hiện yêu cầu nghiêm khắc với chính mình) do đó họ không vượt qua được
những cám dỗ của lợi ích vật chất và danh vọng.
Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng, một bộ phận
cán bộ, đảng viên thiếu ý thức thường xuyên tu dưỡng, rèn
luyện, sự giác ngộ về lợi ích; lập trường giai cấp công nhân
ngày càng phai nhạt, bị tư tưởng tiểu tư sản, bệnh gia trưởng, hẹp hòi ích kỷ,
chủ nghĩa cá nhân chi phối. Khi gặp những biến đổi của môi trường chính trị, xã
hội và những tác động tiêu cực, những người này dễ thay đổi bản chất
chính trị, ngả nghiêng, dao động, mất niềm tin, mất phương hướng chính trị, tha
hoá về đạo đức, lối sống.
Một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ngày
càng có xu hướng xa rời quần chúng; ít gắn bó với nhân dân; khoảng cách
giữa họ với nhân dân có những biểu hiện gia tăng. Lối sống cá nhân
hưởng thụ của một số cá nhân và gia đình cán bộ, đảng viên có chức, có quyền,
có tiền đang trở nên xa lạ với đa số nhân dân, khó có thể hòa đồng với
nhân dân. Sự xa cách về mức sống, lối sống làm cho cán bộ, đảng viên không hiểu
quần chúng, không được sự ủng hộ của quần chúng. Xa rời quần chúng, nằm
ngoài sự giám sát của quần chúng là môi trường thuận lợi để chủ nghĩa
cá nhân phát triển./.
TBQL
17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét