Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI ĐÚNG VỚI HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Sáng 15-1, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội.

Như những kỳ trước, kỳ họp bất thường lần này sẽ quyết nghị những vấn đề mang tính cấp thiết để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về quốc kế dân sinh. Thế nhưng, cũng như các kỳ họp bất thường trước đó, trước và trong những ngày Quốc hội họp bất thường lần thứ 5, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị vẫn liên tục xuyên tạc về việc tổ chức kỳ họp.

Trên mạng xã hội, một số người đặt những câu hỏi: “Tại sao lại gọi là kỳ họp bất thường, trong khi việc tổ chức lại bình thường?”, “Tại sao không chuyển kỳ họp bất thường thành cuộc họp thường kỳ trong toàn khóa?”, “Tại sao không đưa những nội dung của kỳ họp bất thường này vào kỳ họp bình thường vào tháng 5 sắp tới?”… Từ đó, gây ra sự hoài nghi của nhân dân vào Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Cơ sở pháp lý để Quốc hội họp bất thường là theo Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc họp mỗi năm hai kỳ, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

Cơ sở thực tiễn để Quốc hội họp bất thường là những yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống cần phải có đáp án từ Quốc hội. Nếu không có giải pháp chính thức và chính danh từ Quốc hội, những bế tắc đã phát sinh sẽ không được giải quyết, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như việc bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.

Trước kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội đã tổ chức thành công bốn kỳ họp bất thường. Đầu năm 2022, kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội được tổ chức nhằm đề ra những quyết sách quan trọng khôi phục kinh tế, ổn định đất nước sau khi đại dịch COVID-19 vừa được đẩy lùi. Ba kỳ họp bất thường tiếp theo của Quốc hội đã diễn ra và để lại những dấu ấn khó phai khi Quốc hội đưa ra những quyết nghị quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.

Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội tập trung xem xét và thông qua bốn nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến sự phát triển của đất nước và cuộc sống của người dân.

Thực tiễn hiện nay, khi đời sống xã hội có những chuyển biến hết sức nhanh chóng thì việc tổ chức các kỳ họp bất thường là rất cần thiết để Quốc hội kịp thời giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đây cũng là việc cần làm để xây dựng một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng cao nhất yêu cầu phát triển của đất nước.

Việc Quốc hội họp bất thường là hoạt động hợp pháp, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội với những vấn đề cấp thiết của đất nước. Một Quốc hội với cách họp “xuân thu nhị kỳ” sẽ không thể giải quyết kịp thời, thấu đáo các đòi hỏi của cuộc sống. Do đó, kỳ họp bất thường của Quốc hội là để tìm kiếm dư địa hoạt động mới, thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, vì lợi ích của nhân dân.

Cái tên “kỳ họp bất thường” là dùng để chỉ yếu tố cấp thiết, chứ không có nghĩa là thảm họa hay bất trắc. Chính vì thế, mọi người hãy cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc và sự suy diễn của các thế lực thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét