Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

 

 NHỮNG LUẬN ĐIỆUCHỐNG PHÁ CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CẦN ĐƯỢC LÊN ÁN PHẢN BÁC 

Trong lịch sử nhân loại, hiếm có học thuyết, tư tưởng nào mà trong suốt quá trình hình thành và phát triển lại chịu nhiều sự đả kích, xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch như chủ nghĩa Mác – Lênin. Hành trình gần hai thế kỷ kể từ khi C.Mác, Ph.Ăngghen đặt nền móng đầu tiên tại Đức, V.I.Lênin kế tục và phát triển tại Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, cho đến nay, chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn là nền tảng tư tưởng vững chắc của các Đảng Cộng sản cầm quyền, trong đó có Việt Nam.

Vừa qua, trên trang “thongluan-rdp” có đăng tải nội dung “Văn hóa Marx – Lenin độc tài và lừa đảo còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa” của đối tượng Âu Dương Thệ với những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, cho rằng “văn hóa Mác – Lênin rủ ngủ, làm ngu dân”; đồng thời tôn vinh cái gọi là “văn hóa chính trị dân chủ đa nguyên”. Mục đích của chúng nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, đòi “đa nguyên, đa đảng”. Thực chất đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn về chủ nghĩa Mác – Lênin. Do đó, cần có nhận thức đúng đắn về những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, là cơ sở để vạch trần những luận điệu sai trái của những kẻ thù địch như Âu Dương Thệ.

Lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới đương đại ghi nhận rằng: Không có sự lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn theo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 của Nguyễn Ái Quốc; không có việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam những năm thập niên 1920 thì tất yếu cũng không có một Đảng cách mạng để tập hợp, quy tụ, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đấu tranh và giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Và nếu không có thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam vào mùa Thu năm 1945 thì cũng không có một cuộc đổi đời lịch sử của những người nô lệ trở thành chủ nhân một nước Việt Nam độc lập, tự do trong thế kỷ XX. Bởi rằng, thắng lợi có ý nghĩa thời đại đó đã đưa đất nước Việt Nam trở lại bản đồ chính trị thế giới; đồng thời đưa nhân dân Việt Nam trở thành những người có quyền tự quyết định con đường phát triển của dân tộc mình và thụ hưởng những giá trị đích thực của độc lập, tự do, quyền con người mà trước đó họ chưa bao giờ có được…

Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những thành tựu đạt được của đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được nhân dân ghi nhận, tin tưởng và kỳ vọng chính là minh chứng sinh động nhất khẳng định ý nghĩa, giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cộng đồng quốc tế bày tỏ ấn tượng trước tốc độ phát triển ngoạn mục của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận, kể từ năm 1986 tới nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gấp 50 lần, đạt 434 tỷ USD. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam phát triển kinh tế luôn gắn liền với cải thiện đời sống người dân. Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) chỉ ra, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đã đạt 14.569 USD vào năm 2022, vượt xa mốc 1.595 USD hồi năm 2000. Cũng theo truyền thông quốc tế, Việt Nam đang chi khoảng 6% GDP hằng năm cho cải thiện hạ tầng, cao hơn nhiều so với trung bình 2,3% trong khu vực. Trong khi đó, báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số, với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%. Đây là mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Cùng với những điểm sáng về kinh tế, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào đời sống chính trị và quan hệ quốc tế. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm cương vị thành viên một số cơ quan của tổ chức quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021); thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (hai nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025); thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Y tế thế giới – WHO (nhiệm kỳ 2016-2019).

Thực tế, những luận điệu của Âu Dương Thệ và các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ hệ tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Do đó, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét