Những luận điệu xuyên tạc về vị trí, vai trò của Đảng
Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các
thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách phủ nhận, bác bỏ vai trò lãnh đạo, cầm
quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và coi đây là khâu đột phá, là con đường ngắn
nhất, hiệu quả nhất để xóa bỏ thành quả cách mạng, xóa bỏ con đường xây dựng
CNXH ở Việt Nam, hướng lái Việt Nam phát triển đi theo quỹ đạo TBCN. Các đối
tượng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng
ta phải thoái lui, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; cho rằng Đảng ta lấy chủ nghĩa
Mác - Lê nin làm nền tảng tư tưởng là sự lỗi thời, lạc hậu; từ đó gây tâm lý
hoài nghi, dao động, giảm sút niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là niềm tin vào
vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là những quan điểm, luận điểm hết sức sai
lầm, phi khoa học, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, chứa đựng nhiều
mâu thuẫn trong phân tích, đánh giá; nhiều nhận xét là chủ quan, vô căn cứ.
Trên nhiều kênh thông tin báo chí nước ngoài, các
trang mạng của tổ chức phản động lưu vong và trang mạng cá nhân của các đối
tượng chống đối còn cho rằng, việc Đảng kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc và
CNXH là siêu hình, trái quy luật và xu thế phát triển của thế giới. Lại có ý
kiến đưa ra lý lẽ lập lờ rằng, nội hàm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mà Đảng
Cộng sản Việt Nam xác định là mông lung, khó khả thi vì bảo vệ Tổ quốc chỉ là
bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia chứ không phải là bảo vệ
một đảng phái, một chế độ chính trị nào! Có ý kiến quy kết “chế độ độc đảng
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến Việt Nam hiện vẫn là một quốc gia
nghèo nàn, lạc hậu”! Các đối tượng tiếp tục dẫn chứng sự sụp đổ của Liên Xô và
các nước XHCN ở Đông Âu để biện minh cho quan điểm của mình…
Không dừng lại ở việc xuyên tạc, phủ nhận
nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo, vai trò cầm
quyền của Đảng, các thế lực thù địch, phản động còn ra sức lợi dụng những tiêu
cực nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng để gây nhiễu
dư luận, xuyên tạc bản chất của chế độ; coi những tiêu cực đó có nguyên nhân do
sự lãnh đạo của Đảng. Nguy hiểm hơn, các đối tượng đưa ra luận điệu “tham nhũng
là hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng”; “việc phòng, chống tham nhũng thực chất
là đấu đá trong nội bộ Đảng”... Từ đó, các thế lực này lớn tiếng hô hào đòi
thay đổi chế độ, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”!
Các đối tượng xuyên tạc, phủ nhận nền tảng
tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Ra sức tuyên truyền cho luận điệu “chủ nghĩa Mác -
Lênin đã lỗi thời”; “chủ nghĩa Mác - Lênin là lý thuyết suông về CNXH không
tưởng, không có thực”... Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình đánh
đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Mục đích của
chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối
với lịch sử của dân tộc, lấy cớ cổ suý cho ý đồ xây dựng, hình thành những đảng
phái chính trị đối lập, chống phá từ bên trong.
Lịch sử ghi nhận, trước khi có sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta bị áp bức dưới ách thống trị của thực
dân Pháp. Các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tuy dấy lên
mạnh mẽ và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau nhưng đều
không thành công do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một học thuyết
khoa học tiên tiến soi đường. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là
kết quả vận động, phát triển chín muồi của các điều kiện khách quan và sự chuẩn
bị chu đáo, hiệu quả của các nhân tố chủ quan. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ
chức, giáo dục và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành chính Đảng
Cộng sản duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được nhân dân thừa
nhận, tin tưởng, yêu mến, suy tôn, ủy thác và ra sức xây dựng, bảo vệ.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định trong dòng chảy của
lịch sử dân tộc
Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của
dân tộc từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước. Dựng nước luôn
luôn gắn chặt với giữ nước, trong đó dựng nước là yếu tố cơ bản. Phải xây dựng
được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng các
thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước.
Chính nhờ kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước trên cơ sở tiếp thu và vận
dụng sáng tạo những tinh hoa của triết học và văn hóa phương Đông và phương Tây
mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước (1911) và đã đến
với chủ nghĩa Mác - Lênin (1920). Con đường cứu nước đúng đắn đã được xác định,
đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp
của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào đấu tranh giải
phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã
sớm đứng ra nhận sứ mệnh lịch sử to lớn mà giai cấp và dân tộc giao phó: Lãnh
đạo các tầng lớp nhân dân Việt Nam đấu tranh chống thực dân, phong kiến, giành
độc lập dân tộc, dân chủ cho nhân dân. Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ là một đảng cách mạng chân chính nhất, có sức hội tụ
lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, sớm trở thành đội tiên phong
của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Có
thể nói, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là do thời đại, do giai cấp
và dân tộc quy định. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai
trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi
của cách mạng Việt Nam. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời
xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi
từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Qua 33 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991) và 38 năm thực
hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn
và có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng (tháng 2/2021) đã đánh giá: "Đất
nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện
nay”. Đất nước bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém
phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Sau gần 40 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam
đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành quốc gia đóng
vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á. Quy mô
GDP đã tăng hơn 100 lần, từ con số 4 tỷ USD lên 406 tỷ USD (năm 2022)".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng
5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt
10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt
101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Như vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc
100 triệu đồng/người/năm.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay,
nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác
chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Việt Nam là tâm điểm của nhiều mạng lưới liên kết kinh tế năng động với hơn 230
đối tác thương mại, 60 hiệp định thương mại tự do sâu rộng với nhiều phương
diện hợp tác. Qua đó sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày
càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc
tế được nâng cao.
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:
“Thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến
nay đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu
quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước
Việt Nam. Mặt khác, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi
luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách
mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.
Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt
Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có
đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt
qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác. Và cũng chính trong quá trình đó, Đảng ta đã tích
luỹ và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ
vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là
truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định
mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trên cơ sở chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Với những thành tựu nêu trên tiếp tục khẳng
định rằng, dù thời cuộc có nhiều biến động, thế giới có nhiều đổi thay nhưng
vai trò Đảng Cộng sản Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc đã, đang và
tiếp tục là lực lượng chính trị duy nhất có đủ vị thế, trí tuệ, năng lực, uy
tín để lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ
độc lập, chủ quyền và xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Mọi sự
xuyên tạc về vai trò, vị trí, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đều không có
giá trị và bị thực tiễn bác bỏ.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét