Đọc 8 bài của Tổng Bí thư viết từ năm 1973 đến năm 1990, chúng ta có nhiều cảm nhận: Trước hết là tầm nhìn, 50 năm trước người thanh niên làm việc tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận chính trị của Đảng đã sớm nhận ra “căn bệnh” nặng, tham ô, lãnh phí, tiêu cực, bản chất của nó, nguồn gốc phát sinh và các “bài thuốc” chữa trị để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hai là, vẫn còn nguyên sức hấp dẫn của các bài viết về nội dung và phương pháp thể hiện. Nội dung đúng như thực tiễn, thẳng thắn, rõ ràng (có tên tuổi, có địa chỉ và thời điểm xảy ra khuyết điểm); phương pháp phê bình tinh tế. Ba là, tệ “tham nhũng vặt” và “bệnh sợ trách nhiệm” xuất hiện khá sớm và còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ, nghĩa là các vấn đề còn nguyên tính thời sự.
Về “tham nhũng vặt”: Như một thứ “ghẻ ruồi” rất khó chịu đã và đang xảy ra ở nhiều cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn suốt một thời gian dài, lâu dần bị coi như một “thông lệ” bất thành văn. “Tham nhũng vặt” làm giảm lòng tin, sự tín nhiệm của nhân dân đối với những người cán bộ tại các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu tham nhũng lớn đã và đang phá hoại từ thượng tầng kiến trúc, thì “tham nhũng vặt” đang đào bới, công phá từ nền móng. Nếu ví bộ máy nhà nước như tòa nhà, mà tòa nhà bị đào phá, sụt lún từ nền móng, thì hỏi còn đứng vững được không? Bởi vậy, đã là tham nhũng thì phải chống triệt để. Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư là vô cùng chính xác, đúng đắn và kịp thời: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng”(7).
Về “bệnh sợ trách nhiệm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm, như làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn; rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không có chính kiến, không dám quyết đoán với những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”(8);... Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Nguy hại hơn, “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”(9). Vì vậy, “khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng,...”(10).
Có thể thấy, Tổng Bí thư đã “bắt mạch” rất đúng “căn bệnh” và đề ra giải pháp hoàn toàn đúng đắn, chính xác cho thời gian ấy, nhưng cũng hoàn toàn khả thi cho ngay bây giờ. Vì thế, có thể nói, đó thực sự là một giải pháp mang tầm chiến lược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét