Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

 

“Ngoại giao cây tre Việt Nam” là đúng đắn! Chiến lược đúng đắn

Vừa qua, trên trang “Voatiengviet”, Linh Đan đã đăng tải bài viết: “Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao ‘cây tre’” bày tỏ những bàn luận về chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Nội dung của bài viết đưa ra nhiều luận giải, đánh giá về lập trường, quan hệ quốc tế của Việt Nam trong chiến lược, đường lối đối ngoại, ngoại giao mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đang thực hiện. Bởi vậy, cần khẳng định một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, “ngoại giao cây tre” là triết lý biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa khí phách hiên ngang. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn hình ảnh cây tre – một biểu tượng văn hóa rất mộc mạc, dung dị mà thân thuộc của người Việt Nam để gửi gắm thông điệp mang tính triết lý hết sức sâu sắc nhưng lại vô cùng gần gũi, thiết thực, đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa của Việt Nam. “Ngoại giao cây tre” không phải là: “quá trừu tượng”! Vì, bản chất “ngoại giao cây tre” thấm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam đó là mềm mại khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt.

Sự khái quát biểu tượng cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, chính là phương pháp luận và phương châm chỉ đạo của ngoại giao Việt Nam, đúng như Giáo sư Carl Thayer và Linh Đan đã nhấn mạnh “Ngoại giao cây tre” không phải là một ý tưởng tuyệt vời đột nhiên xuất hiện để giải quyết các vấn đề của Việt Nam”, bởi “ngoại giao cây tre” được bắt nguồn từ nền tảng văn hóa, truyền thống hữu nghị, khoan dung nhưng kiên quyết của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là thông điệp của Việt Nam trong quan hệ quốc tế với chủ trương trọng đoàn kết, trọng nhân ái nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích dân tộc, đồng thời có đủ sự kiên định và tự tin khi đối mặt với khó khăn, thách thức.

Thứ hai, “ngoại giao cây tre” khẳng định đường lối đối ngoại, ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình của Việt Nam nhưng hợp tác với các quốc gia trên thế giới để cùng phát triển. “Ngoại giao cây tre” đại diện cho lập trường và thái độ cơ bản của Việt Nam là dựa trên lợi ích dân tộc, kiên trì luật pháp quốc tế và chính trực, chính nghĩa, đung đưa theo gió nhưng không nghiêng về một phía nào trong ngoại giao với các quốc gia. Chính điều này, đã được thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer: “mọi quốc gia đều có thể hợp tác với Việt Nam và các vấn đề khác, và biết rằng Việt Nam sẽ không tham gia chống đối lại họ và ảnh hưởng đến vấn đề cụ thể của họ” và “Ngoại giao “cây tre” thực sự là về việc Việt Nam duy trì quyền tự chủ, độc lập”.

Thực tiễn công tác đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị – xã hội và khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Không phải như Linh Đan đã viết: “ngoại giao cây tre chủ yếu hướng tới khán giả trong nước”; “không thực sự là một định hướng chắc chắn”; “không phải là văn bản tuyệt vời về quan hệ quốc tế”.

Tiếp tục phát huy chiến lược “ngoại giao cây tre”, mọi người dân Việt Nam cần tỉnh táo nhận diện, tích cực đấu tranh với những luận điệu không đúng với đường lối đối ngoại, chiến lược ngoại giao của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong quán triệt, hiện thực quan điểm và chiến lược ngoại giao của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, tăng cường sự tin cậy chính trị của các quốc gia trên thế giới với Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét