Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

Ngư dân đón Tết Hoàng Sa, Trường Sa


Tết đến, Xuân về, ngư dân các tỉnh, thành ven biển hành nghề trên các ngư trường hối hả đưa tàu về bến sum họp cùng gia đình. Song giữa thời khắc này, hàng trăm ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi vội vã tích trữ tổn phí sẵn sàng cho chuyến hành trình ra biển. Họ hồ hởi nhổ neo, rẽ sóng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đón Tết giữa trùng khơi, vừa khai thác hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuyên tết trên biển

Trên con tàu còn vương mùi sơn mới, thuyền trưởng tàu cá QNg 94105 Ts Đặng Văn Tròn vội vã đưa tổn phí vào khoang. Anh Tròn bảo, chuyến đi biển này là chuyến đi đặc biệt nhất trong năm - chuyến đi xuyên Tết. Trước giờ xuất bến rời cảng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác cá ngừ đại dương tàu anh chuẩn bị lương thực, thực phẩm nhiều hơn để bữa ăn ngày tết của thuyền viên được tươm tất hơn so với ngày thường. Không những vậy, anh còn mang theo hoa tươi, các loại bánh mứt … để tạ ơn “Biển mẹ”. Chương trình đón giao thừa mừng năm mới cũng được anh lên “kế hoạch” ngay từ ở trong bờ.

Thuyền trưởng Đặng Văn Tròn bộc bạch: Đúng 12 giờ đêm 30 Tết là chúng tôi tạm dừng công việc đánh bắt. Lúc này anh em tập trung nghe Chủ tịch Nước chúc Tết, rồi cùng nhau gửi vào lòng đại dương những ước nguyện về một năm mới mưa thuận, gió hòa. Qua giao thừa anh em thả câu. Ai câu được con cá đầu tiên thì chủ tàu tặng phần thưởng.

Dạo quanh các cảng cá ở Quảng Ngãi ngày cuối năm Quý Mão, không khí mua bán khá nhộn nhịp, náo nức hơn ngày thường. Nhiều tàu cá hối hả quay về bờ bán mẻ cá cuối cùng để kịp về đoàn tụ gia đình. Cập cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), thuyền trưởng Trần Văn Trung (chủ tàu cá QNg 95693 TS) cho biết, bán cá xong, anh em ghé về nhà thăm vợ con một xíu rồi lo chuẩn bị tổn phí để tiếp tục ra ngư trường Trường Sa. “Cả tàu xác định, năm nay sẽ đón Tết trên biển, hy vọng chuyến biển này sẽ bội thu để động viên tinh thần anh em trước mùa biển mới”, ngư dân Trung bộc bạch.

Chia tay gia đình, ngư dân Nguyễn Leo (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cùng bạn thuyền mang theo tư trang lên tàu cá QNg 90055 Ts ra vùng biển Hoàng Sa khai thác hải sản xuyên Tết. Tiễn anh Leo ra khơi, chị Phạm Thị Nhanh (vợ anh Leo) mong cho trời yên biển lặng, đánh bắt gặp nhiều may mắn và sớm trở về đất liền. Gần 25 năm qua, năm nào chị Nhanh cũng ra bến tiễn chồng bám biển ngày cận Tết. Chị Nhanh thổ lộ: “Từ lúc vợ chồng cưới nhau miết tới bây giờ là hai mươi mấy năm rồi, nhưng năm nào ảnh cũng ăn Tết ngoài biển hết. Ảnh nói đi miết nên giờ không biết mình bao nhiêu tuổi. Khổ cực vậy, nên hy vọng năm nay chồng tôi và các bạn tàu có chuyến biển bội thu …”.

“Cột mốc sống” chủ quyền giữa biển khơi

Chung chuyến vươn khơi với anh Tròn, anh Trung và anh Leo ở các cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi còn có hơn 59 tàu cá khác. Các tàu này đều ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá ngừ đại dương, cá chuồn và các loại hải sản xa bờ... Nhiều ngư dân chia sẻ, năm qua nghề biển khó khăn nhưng cái ăn, cái mặc lúc này cũng chưa phải là nỗi lo. Lo nhất là biển vắng tàu và thiếu ngư dân.

Ngư dân Nguyễn Văn Tàu (chủ tàu cá QNg 94603 TS) cho biết lý do anh cùng các thuyền viên cho tàu ra biển xuyên Tết: Trên biển những ngày này rất ít tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Vì vậy, ra biển mà thấy được lá cờ Tổ quốc, rất xúc động và tự hào. Có tàu, có cờ đỏ sao vàng bay trên biển, mới thấy rõ chủ quyền của đất nước. Vì vậy, chuyến biển này chúng tôi thấy mình được đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ra khơi bám biển trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc cũng là nhiệm vụ thiêng liêng. Bởi sự hiện diện của ngư dân ở các vùng biển xa bờ không chỉ dừng lại ở công việc mưu sinh, mà còn thể hiện trách nhiệm công dân trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thấu hiểu và chia sẻ cùng ngư dân, cán bộ chiến sĩ các đồn, trạm Biên phòng thuộc BĐBP Quảng Ngãi tặng cờ Tổ quốc, chúc Tết và động viên bà con trước giờ xuất bến. Mọi phương án bảo vệ ngư dân cũng được các anh dự kiến từ sớm.

“Đồn Biên phòng Sa Huỳnh thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, giữ liên lạc với các chủ tàu, kịp thời thông báo cho các chủ tàu, thuyền viên biết để khai thác hải sản hiệu quả, đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền viên kịp thời thông báo cho BĐBP khi phát hiện các vấn đề liên quan đến chủ quyền vùng biển; các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự trên biển”, Đại uý Dương Phú Đức, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Huỳnh, BĐBP Quảng Ngãi cho biết.

Ngư dân Lê Văn Ánh (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Tết đến mà đi biển thì cũng buồn, nhưng mình phải bám biển để giữ biển của mình. Trước lúc đi, được các anh biên phòng xuống thăm, động viên chúng tôi rất phấn khởi. Các anh tặng cái gì không quý bằng lá cờ Tổ quốc. Đây là Tổ quốc của mình nên mình phải cố gắng giữ cờ, giữ biển”.

 

Tết đã về sớm hơn trên các con tàu xa khơi. Lá cờ Tổ quốc còn thơm mùi vải mới của người lính Biên phòng trao tặng sẽ cùng ngư dân xuôi ngược trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mùa xuân đất nước hẳn sẽ luôn thanh bình bởi sự đồng hành của bà con ngư dân Quảng Ngãi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét