Quân
đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Nhà
nước và nhân dân, có chức năng, nhiệm vụ “sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ
Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất kết hợp quốc phòng
với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất
nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải đoàn kết
quân, chính, Đảng. Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ,
phải giúp đỡ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương”. Do đó, tham gia xây
dựng và củng cố hệ thống chính trị là bổn phận, là trách nhiệm của mọi cán bộ,
chiến sĩ trong toàn quân.
Những
năm qua, quán triệt và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước,
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp quân khu,
quân đoàn, quân chủng, binh chủng đến cơ sở tích cực tham gia xây dựng, củng cố
hệ thống chính trị ở cơ sở. Các lực lượng của quân đội như đoàn kinh tế - quốc
phòng, bộ đội địa phương ở các tỉnh, huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới đã phối
hợp cử cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, việc cán bộ bộ
đội biên phòng giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy, trực tiếp cùng cấp ủy lãnh đạo
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở các xã,
thị trấn biên giới đất liền trong tình hình mới là mô hình cần tổng kết, đúc
rút kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Quán
triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, quân đội tham gia thực hiện tốt công
tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tham
gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng ở cơ sở;
đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quân sự ở xã, phường, thị
trấn. Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất, trồng cây lương thực, chăn
nuôi,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây
dựng và củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Cán
bộ, chiến sĩ quân đội không quản ngại hy sinh, xung phong vào những nơi khó
khăn, gian khổ, vượt qua mưa lũ, sạt lở đất, dịch bệnh COVID-19 để bảo vệ tính
mạng, tài sản của nhân dân… Qua đó, làm sáng thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”,
khẳng định bản lĩnh, ý chí của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện nhiệm
vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất
trong thời bình… Bộ đội biên phòng ở cơ sở có nhiều biện pháp để phối hợp với
cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị. Giai đoạn 2015 -
2020, các đơn vị trong toàn quân tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất
lượng hoạt động của 12.515 tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị -
xã hội, trong đó có 62.480 lượt xã, phường, thôn, bản, chủ yếu ở các vùng có
đông đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo, vùng biên giới, vùng
trọng điểm… Giúp đỡ nhiều cơ sở yếu kém vươn lên khá và vững mạnh; tham gia kết
nạp hàng nghìn đảng viên, xóa hàng trăm bản chưa có đảng viên; đào tạo, bồi
dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng nghìn cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Các
đơn vị bộ đội địa phương bảo đảm chuẩn bị tốt mọi mặt để động viên trong các
trạng thái quốc phòng. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt nguyên
tắc, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp hoạt động và huy động, sử dụng lực
lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và xử lý tình
huống quốc phòng, an ninh. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp,
đặc biệt là ở cơ sở bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương, phối hợp chặt chẽ
với các lực lượng, thường xuyên có những chủ trương, biện pháp để phối hợp hiệu
quả trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nơi địa bàn đóng quân.
Ở
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ, đảng viên trong quân đội tham
gia giữ các chức vụ trong cấp ủy, chính quyền, tham gia sinh hoạt đảng ở chi bộ
các bản, ấp,… để “cùng nghĩ, cùng làm” với cấp ủy, chính quyền địa phương, cung
cấp thông tin kịp thời về tình hình mọi mặt, góp phần phát triển kinh tế - xã
hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. Trong đó, nhiều phong trào, hoạt
động điển hình, như “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói, giảm
nghèo”, “Trái tim cho em”, “Nâng bước em đến trường”, “Xuân đoàn kết, Tết thắm
tình quân dân”, “Thầy giáo quân hàm xanh”,… đạt kết quả tốt, được cấp ủy, chính
quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao.
Bên
cạnh những kết quả đạt được, quá trình quân đội tham gia xây dựng hệ thống
chính trị ở cơ sở còn có những hạn chế. Ở một số lực lượng, việc tham gia chưa
đi vào những nội dung căn cốt về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của hệ thống
chính trị ở cơ sở, phát huy dân chủ ở cơ sở. Một số cán bộ khi tham gia chính
quyền còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, do đó, chưa
thật sự có đóng góp trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét