Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

SUY NGẪM VỀ LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ VỚI NGƯỜI THẦY THUỐC

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc chăm lo sức khỏe cho người dân. Người nhấn mạnh: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ”[i]. Vì vậy, muốn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết phải đảm bảo sức khỏe cho toàn dân. Y tế là một ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mạng con người nên được Người rất chú trọng.

Ngày 27-2-1955, báo Nhân Dân số 362 đăng bài Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư ngắn gọn, súc tích chứa đựng nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đối với ngành Y tế nước ta. Với ý nghĩa đó, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT ngày 6-2-1985, lấy ngày 27-2 hàng năm là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Ngày 27-2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở ngành Y nói chung và thầy thuốc nói riêng phải nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình. Trong bức thư ngày 27-2-1955, Người nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”[ii]. Muốn chữa bệnh tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bên ngoài, mà cần phải quan tâm cả những vấn đề tình cảm, tinh thần để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cho nên, Người nhắc nhở: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”[iii]. Trước sự tàn khốc của chiến tranh, với điều kiện sinh hoạt khắc khổ hoặc vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ mà một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối xử với thầy thuốc không được nhã nhặn. Khi gặp những người như vậy, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ”[iv]. Để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đã đưa ra một số chỉ dẫn cho người thầy thuốc, cụ thể:
Một là, đối với bệnh nhân - phải thương yêu người bệnh. Đây là điểm cốt lõi mà Người muốn nhắc nhở thầy thuốc. Người yêu cầu: người thầy thuốc cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Cán bộ ngành y tế, từ bác sĩ đến nhân viên cần có thái độ nhã nhặn và có tinh thần phục vụ tốt nhân dân.
Người nhấn mạnh: “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là các thầy thuốc phải có lương tâm, hết lòng hết sức tận tụy phục vụ người bệnh giống như một “người mẹ nhân từ”. Có thể nói, lương tâm nghề nghiệp là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc, là động lực thôi thúc người thầy thuốc tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Hai là, đối với đồng nghiệp - phải thật thà đoàn kết, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”[v]. Trong cuộc chạy đua với bệnh tật, nhiều khi tính mạng con người chỉ được tính bằng phút, bằng giây đòi hỏi mỗi người thầy thuốc, cán bộ y tế phải biết cách phối hợp trí tuệ và hành động một cách nhanh chóng, chính xác để cứu chữa người bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì, công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”[vi]. Đoàn kết trong ngành Y là đòi hỏi vô cùng cấp thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ vì sức khỏe con người.
Ba là, đối với bản thân - không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân để trở thành người thầy thuốc vừa hồng, vừa chuyên. Người luôn căn dặn những thầy thuốc cần phải trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác. Bên cạnh đó, Người cũng luôn nhắc nhở người thầy thuốc phải tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay, kế thừa quan điểm xem con người là vốn quý nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta coi sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Vì vậy, ngành Y tế phải phấn đấu nỗ lực hết sức mình, động viên cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Y tế đã ban hành những quy định cụ thể như: Năm 1979, Bộ Y tế đưa ra 5 tiêu chuẩn của người cán bộ y tế nhân dân; Năm 1982, Bộ Y tế nêu những yêu cầu cụ thể về “Thương yêu người bệnh” cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; Ngày 6-11-1996, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định số: 2088/BYT-QĐ về việc ban hành “Quy định về y đức” nêu lên 12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế; Ngày 25-2-2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 07/2014/TT-BYT về “Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế”, quy định những việc cán bộ y tế phải làm và những việc không được làm; Năm 2015, Bộ Y tế ra Quyết định số 2151/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Ngày 26-12-2019, Bộ Y tế ban hành kế hoạch số 1510/KH-BYT về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp”, giảm thiểu chất thải nhựa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, người dân”… Có thể nói, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người thầy thuốc qua từng giai đoạn, từng thời kỳ đã được cụ thể hóa thành những việc làm rõ ràng trong công tác phục vụ người bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển, từ một nền y tế còn thiếu thốn về nhiều mặt, đến nay Việt Nam tự hào góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu và tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, tạo nên những thành công có tầm lan tỏa quốc tế.
Nghề Y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh là “thiên thần áo trắng”. Trong giai đoạn hiện nay, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới có thể thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lời dạy đó mãi mãi là “Pháp bảo” của ngành Y tế, soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét