Năm 2023, có hơn 770.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, cao gấp 1,5 lần năm 2022 và cao hơn tổng số 3 năm (2020, 2021, 2022) cộng lại. Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 40.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nhiều người trăn trở trước nghịch lý rằng, quy định, chế tài, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đi vào cuộc sống với mức xử phạt tăng cao, thế nhưng số trường hợp vi phạm lại chưa hề giảm. 

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Ảnh minh họa: VGP 

Người Việt ta vốn có bản tính hiếu khách, nhất là mỗi dịp cá nhân, gia đình, dòng họ, làng quê có các sự kiện, công việc, dịp Tết lại càng có nhiều thời gian, điều kiện để tổ chức đón, tiếp nhau. Gặp gỡ đoàn viên, mời nhau chút rượu nồng, chúc một năm mới hạnh phúc tròn đầy đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Sẽ chẳng có gì đáng lo ngại nếu nét văn hóa ấy không bị biến tướng thành những cuộc nhậu “chén chú chén anh” quá đà, hay hành động thách thức, ép nhau uống rượu và để lại nhiều hệ quả đáng buồn trong ngày vui.

Đã có những gia đình ngày Tết hóa ngày tang, đau thương tột cùng khi mất đi người thân vì hậu quả của rượu, bia. Rồi nhiều cuộc vui bỗng chốc thành ẩu đả, chửi bới cũng bởi “ma men” dẫn lối đưa đường. Không ít người vướng vào vòng lao lý sau khi gây tai nạn giao thông chỉ vì “một phút quá chén đánh rơi mất mình”.

Chắc hẳn, những ai quan tâm tới tác hại của rượu, bia, không khỏi ám ảnh với thông tin được cơ quan chức năng công bố: Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Thống kê, điều tra xã hội học đối với hơn 45.600 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, cũng đưa ra một con số nhức nhối: Hơn 51% người trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia.

Có ý kiến cho rằng, uống rượu, bia là quyền, niềm vui, thậm chí là sở thích của nhiều người. Điều đó không có gì đáng lên án nếu rượu, bia được sử dụng đúng mực, văn minh, an toàn và “văn hóa rượu, bia” tồn tại chừng mực như một nét đẹp trong mỗi dịp sum vầy.

Nhằm góp phần răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, việc các cơ quan hữu trách mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm là hành động hết sức cần thiết. Thế nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn ở ý thức tự thân, trách nhiệm, lương tâm của mỗi người trong bài trừ “ma men” trên đường phố, góp phần để mỗi cung đường chúng ta đi đều an toàn, hanh thông trọn vẹn.

HỒNG THẠNH

nguồn báo quân đội nhân dân