1. Bác Hồ được cả dân tộc và thế giới biết đến không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam mà còn là nhà văn hóa lỗi lạc, biểu tượng cao đẹp của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung.
Không chỉ là một thiên tài tư tưởng và tổ chức, Hồ Chí Minh còn là biểu tượng vĩ đại và cao thượng về đạo đức; là hiện thân sinh động và cảm động nhất về văn hóa “làm người” và “ở đời”, suốt đời thực hành triết lý “thân thân” và “chính tâm” của ông cha ta và nâng cao đến độ thăng hoa thành dân chủ và đạo đức cách mạng, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; thực hành dân chủ để trọng dân, tin dân và vì dân; “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, lấy hạnh phúc của nhân dân và dân tộc làm cơ sở, làm nền tảng xây dựng văn hóa và con người...
Những tư tưởng cao quý đó của Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho chúng ta đi tới đích vinh quang và thắng lợi. Người không chỉ là ngọn cờ chỉ đường dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà còn là nguồn cảm hứng vĩ đại, khát vọng chân-thiện-mỹ hiện hữu trong cuộc đời này, ở mỗi chúng ta. Người “yêu nước 100%”, người “cộng sản 100%” Hồ Chí Minh (lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng) là người truyền cảm hứng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người gieo niềm tin mãnh liệt và thúc đẩy hành động sáng tạo cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau.
2. Một trong những nét đặc sắc và điển hình trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh là thực hành, nhà biện chứng thực hành lớn nhất của cách mạng Việt Nam. Là nhà tư tưởng mác-xít sáng tạo đầy bản lĩnh, Người nêu luận đề, trải nghiệm trong cuộc sống và đúc kết thành chân lý: “Thực hành sinh ra hiểu biết/ Hiểu biết tiến lên lý luận/ Lý luận lãnh đạo thực hành”.
Trong muôn vạn thực hành, cuộc đời Hồ Chí Minh nổi bật 5 thực hành lớn: Thực hành lý luận trong thực tiễn, thực hành dân chủ, thực hành dân vận, thực hành đoàn kết, đại đoàn kết và thực hành đạo đức cách mạng.
Ở Hồ Chí Minh, thực hành đạo đức cách mạng thường xuyên là thực hành nổi bật, xuyên suốt, bao trùm mọi thực hành. Đó là thực hành lớn nhất, là thực hành của mọi thực hành.
Có thể nói, thực hành đạo đức cách mạng ở Hồ Chí Minh là triệt để và nhất quán. Người chỉ dẫn chúng ta thực hành đạo đức thì bản thân Người tự thực hành trước để nêu gương và thúc đẩy chúng ta toàn tâm toàn ý, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Nhờ sức mạnh của đạo đức trong sáng, mẫu mực mà Hồ Chí Minh đã có bản tính “không màng danh lợi”, “cả đời đứng ngoài vòng danh lợi”. Người là minh chứng điển hình nhất về thành công trong thực hành đạo đức và chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, từ nhận thức đến hành động, từ ý thức, tình cảm đến đời sống cá nhân, lối sống giản dị, thanh cao cho đến ứng xử tinh tế “nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người”, xa lạ với tính tham, lòng tham, với vụ lợi và vị kỷ; quên mình, hy sinh vì nước, vì dân. Người là biểu tượng cao quý của vị tha, nhân ái, khoan dung.
Thấm nhuần những lời dạy và noi theo gương sáng Hồ Chí Minh về thực hành đạo đức cách mạng vào lúc này là vô cùng cần thiết để gắn liền học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Có hiểu đúng thì mới có thực hành một cách tự giác, sáng tạo, thường xuyên và bền bỉ. Đảng ta đang ra sức xây dựng gắn với chỉnh đốn Đảng, đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức với 4 chuẩn mực: Cần, kiệm, liêm, chính. Đảng phải thật trong sạch để thật vững mạnh, xứng đáng là một đảng chân chính cách mạng; là người lãnh đạo, người đầy tớ thật tận tụy, thật trung thành của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tìm tòi những giải pháp đột phá để ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đó là nỗ lực chấn hưng đạo đức, chấn hưng văn hóa để chấn hưng dân tộc, tiến tới phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chính yêu cầu này đã làm nổi bật tính cấp bách và sâu xa của việc học tập và làm theo Bác về thực hành đạo đức cách mạng.
3. Chúng ta cố gắng lĩnh hội đầy đủ và hệ thống những chỉ dẫn của Người qua các tác phẩm, cả chính luận và báo chí, những bài viết, bài nói của Người tại các hội nghị, các chuyến đi công tác địa phương, những cuộc tiếp xúc của Người với các giới đồng bào, những căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên của Người vừa động viên vừa khích lệ người tốt-việc tốt, vừa có ý phê bình và yêu cầu sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm.
Người chỉ rõ tầm quan trọng của đạo đức trong nhân cách, lối sống của người cách mạng, Đảng cách mạng và sự thành-bại của sự nghiệp. Phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”, phải cần, kiệm, liêm, chính, phải đủ cả 4 đức mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Giống như sông có nguồn mới có nước, cây có rễ mới sống, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Cách mạng là một việc to tát, một sự nghiệp vĩ đại. Không có đạo đức làm gốc, sa vào chủ nghĩa cá nhân thì không thể làm được việc gì mà cách mạng đòi hỏi. Ở đời thì “nhân vô thập toàn”, ai cũng có cái tốt và cái xấu, cái hay và cái dở, ưu và khuyết. Vì vậy, muốn là người hoàn toàn thì phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời, phải đấu tranh với chính mình, đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, “giặc ở trong lòng” sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Phải có bản lĩnh, phải trung thực, dũng cảm mới chống được.
Thực hành đạo đức cách mạng không chỉ là rèn luyện các đức tính mà còn phải nêu cao sự giác ngộ lý tưởng, mục đích, động cơ sống, trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết, khi cần thì hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí cả tính mệnh cũng không nề hà. Với Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội không chỉ là lý luận, là chính trị và khoa học mà còn là đạo đức và văn hóa.
Thực hành đạo đức cách mạng-đạo đức hành động, đạo đức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân phải nêu cao đức tính trung thực, khiêm tốn, giản dị, chú trọng tự phê bình. Tự phê bình mình có ráo riết, có “cả quyết sửa lỗi mình”, có thành thật với chính mình thì phê bình người khác (đồng chí, bè bạn) mới thẳng thắn, chân thành được. Trong "Di chúc", Người còn căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Người nhắc nhở, tự phê bình và phê bình phải như rửa mặt hằng ngày, “phải đúng và khéo”. Phê bình không khéo, chạm vào tự ái của người ta thì dù có đúng họ cũng không nhận. Người rất coi trọng phương pháp. Động cơ, mục đích tốt nhưng phương pháp, cách làm sai hoặc dở cũng không đạt được kết quả. Đừng khen quá lời, dễ sinh ra chủ quan; đừng chê nghiệt ngã (thái độ, cử chỉ, lời nói) làm tổn thương người bị phê bình, dễ sinh ra chán nản, tiêu cực, tuyệt vọng. Cái cốt yếu là sự chân thành, là lòng thành thật. Đó là cách tốt nhất để cảm hóa, thuyết phục, thúc đẩy, nâng đỡ con người, làm cho họ tiến bộ.
4. Thực hành đạo đức cách mạng không chỉ trong phạm vi tu tâm, dưỡng tính cá nhân mà còn hành động theo lý tưởng cách mạng, lý tưởng đạo đức, góp phần thúc đẩy, lan tỏa những điều tốt đẹp, tích cực trong đời sống xã hội, trong Đảng, trong dân. Không chỉ cá nhân mỗi người mà cả tổ chức, đơn vị, tập thể cũng phải nêu gương thực hành đạo đức, nhất là đạo đức trong Đảng. Thực hành đạo đức cách mạng còn phải thường xuyên nâng cao nhận thức bằng việc học và tự học. Trí tuệ rất cần và rất quan trọng đối với đạo đức, gắn với tình cảm. Lại phải thực hành dân chủ để quan tâm và bảo vệ quyền làm chủ của dân, luôn gần dân, trọng dân, tin dân để vì dân. Đó cũng lại là dân vận và đoàn kết. Quả thật là, thực hành đạo đức là tổng hợp và kết tinh mọi thực hành mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu, mẫu mực.
Trong đời sống đạo đức, nhìn từ phương diện thực hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn chúng ta về phương châm, nguyên tắc ứng xử. Phải đạt tới sự trong sáng, ngay thẳng về đạo đức và sự tinh tế về văn hóa. Đề cao lòng tự trọng, tự tin, danh dự, liêm sỉ và tinh thần, thái độ, trách nhiệm. Người thường động viên: “Cố gắng tiến bộ, tiến bộ nữa, tiến bộ mãi”, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, “thắng không kiêu, bại không nản”, “ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Người nêu rõ tầm quan trọng của nêu gương người tốt-việc tốt: Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc là một rừng hoa đẹp. Văn hóa đạo đức sẽ được hình thành qua thực hành đạo đức cũng như thực hành văn hóa. Với Đảng, đó là con đường, cách thức làm cho Đảng là đạo đức, là văn minh.
Với Quân đội nhân dân Việt Nam-đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, phải coi nhân dân là cha mẹ, là nền tảng. “Trung với Đảng, hiếu với dân... nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” là nội dung mà cũng là kết quả của thực hành đạo đức cách mạng. Danh xưng cao quý mà nhân dân dành tặng: Bộ đội Cụ Hồ; các tướng lĩnh không chỉ là dũng tướng mà còn rèn luyện để trở thành nhân tướng, làm mẫu mực cho chiến sĩ noi theo. Trí-dũng-nhân-tín-liêm-trung, đó là thực hành đạo đức, trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong đổi mới, hội nhập hiện nay. “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” là một định hướng chiến lược thực hành đạo đức cách mạng của Quân đội ta để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét