Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

THÔNG BÁO CHÍNH TRỊ - THỜI SỰ

 Thưa toàn thể các đồng chí! Trong tuần qua, từ ngày 05/02 đến ngày 11/02/2024 tình hình trên thế giới, trong nước, quân đội và đơn vị diễn ra nhiều sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI
1. Căng thẳng leo thang ở Trung Đông, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn: Chiều 5/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập một phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông theo đề nghị của Nga, giữa lúc chiến sự ở Gaza đang lan rộng, có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực. Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách chính trị và kiến tạo hòa bình Rosemary DiCarlo kêu gọi cơ quan quyền lực Liên hợp quốc hành động để giảm bớt căng thẳng trên toàn khu vực. Bà DiCarlo cảnh báo các vụ tấn công gia tăng tại nhiều nơi ở Trung Đông đang khiến nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm càng trở nên hiện hữu. Quan chức Liên hợp quốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mọi người trong giới ngoại giao đều nhận thức quá rõ một thực tế rằng, “những căng thẳng vốn đã nhấn chìm nhiều quốc gia ở Trung Đông vẫn đang tiếp tục gia tăng”. Bà DiCarlo cho biết Tổng thư ký António Guterres đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ leo thang quân sự “và những tính toán sai lầm” kể từ khi phong trào Hamas thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 khiến tình hình bị kéo căng trong khu vực. “Chúng tôi đã chứng kiến những sự cố xảy ra hàng ngày trong khu vực. Chúng bao gồm khoảng 165 cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Syria và Iraq, châm ngòi cho chiến dịch không kích đáp trả của Mỹ nhằm vào hai nước này” - bà DiCarlo nói. Cụ thể, theo bà DiCarlo, ngày 28/1, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã khiến 3 quân nhân Mỹ thiệt mạng và làm bị thương 40 người khác tại một căn cứ của nước này ở phía đông bắc Jordan. Tiếp đến, ngày 2/2, Mỹ đã thực hiện 85 cuộc không kích ở Iraq và Syria nhằm vào lực lượng Quds của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm liên kết. Trong lời phát biểu cùng ngày, bà DiCarlo cũng đề cập đến tình hình căng thẳng ở những nơi khác trong khu vực, bao gồm cả giữa Lực lượng Phòng vệ Israel và Hezbollah dọc theo Đường Xanh - ngăn cách các lực lượng vũ trang của Israel và Li-băng. Ngoài ra, các vụ bắn tên lửa liên tục cũng diễn ra trên vùng Golan bị chiếm đóng giữa Israel và lực lượng dân quân được cho là có liên hệ với Iran, cũng như các cuộc không kích do Israel tiến hành bởi Damascus vào nhiều địa điểm ở Syria. Bên cạnh đó, quan chức Liên hợp quốc cũng lưu ý đến các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ cũng như các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ và Anh. Qua đó, bà DiCarlo nhắc lại lời của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm kêu gọi “tất cả các bên hãy lùi lại khỏi bờ vực và xem xét cái giá phải trả về kinh tế và nhân lực của một cuộc xung đột khu vực tiềm ẩn”. “Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục phối hợp tích cực với tất cả các bên liên quan để ngăn chặn kịch bản leo thang cũng như tình trạng căng thẳng ngày càng tồi tệ làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực” – bà DiCarlo nói. Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cáo buộc Mỹ có động thái làm leo thang xung đột ở Trung Đông thông qua việc thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào lực lượng dân quân liên kết với Iran ở Iraq và Syria, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập phiên họp về vấn đề này. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, các cuộc tấn công trên cho thấy Mỹ không tìm kiếm giải pháp mà đang khiến tình hình thêm căng thẳng và lôi kéo các quốc gia lớn nhất trong khu vực vào xung đột ở Trung Đông. Từ thực tế trên, bà Zakharova cho biết Moscow yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "xem xét khẩn cấp tình huống này" và nhấn mạnh rằng "không có lời biện minh nào" cho các cuộc tấn công của Mỹ.
2. Triều Tiên hủy toàn bộ hợp tác kinh tế với Hàn Quốc: Hãng thông tấn KCNA hôm nay 8.2 cho hay Hội đồng Nhân dân Tối cao CHDCND Triều Tiên (SPA) đã bỏ phiếu hủy bỏ tất cả thỏa thuận đã ký với Hàn Quốc về thúc đẩy hợp tác kinh tế. Ngoài ra, hội đồng cũng biểu quyết về việc bãi bỏ luật điều chỉnh quan hệ kinh tế với Seoul, bao gồm luật đặc biệt về vận hành dự án du lịch Núi Kumgang. SPA là cơ quan quyền lực cao nhất theo hiến pháp của Triều Tiên. Ông Choe Ryong-hae, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ SPA, chủ trì cuộc họp tuần này. Các chuyến tham quan đến Núi Kumgang ở biên giới liên Triều từ lâu là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa 2 bên. Dự án bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc đi lạc vào khu vực cấm bị lính Triều Tiên bắn chết. Cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 7.2, trong bối cảnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul liên tục chuyển biến xấu, và sau khi Triều Tiên tuyên bố "không có ích gì" trong nỗ lực thống nhất với Hàn Quốc. Trong cuộc họp đảng cuối năm 2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xác định mối quan hệ liên Triều là mối quan hệ giữa "2 quốc gia thù địch với nhau". Đến tháng 1, Triều Tiên quyết định giải tán các cơ quan xử lý vấn đề liên Triều, trong đó có cơ quan phụ trách hợp tác kinh tế. Triều Tiên năm ngoái cũng hủy bỏ hiệp ước quân sự được ký vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng leo thang gần biên giới quân sự, vốn được ký kết theo thỏa thuận ngừng bắn trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Trong bài phỏng vấn được đài truyền hình nhà nước KBS phát sóng vào cuối ngày 7.2, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi sự thay đổi trong chính sách liên Triều của Triều Tiên là "một sự thay đổi lạ thường". Ông cho biết "thật khó" để hiểu được suy nghĩ đằng sau động thái này. Ông Yoon, người có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng, cho biết ông vẫn sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên, thậm chí bằng cách tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim và cung cấp viện trợ nếu điều đó giúp ích cho nền kinh tế của nước này. KCNA đưa tin riêng rằng ông Kim hôm 7.2 đã đi thăm các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm quốc gia, đồng thời đưa ra hướng dẫn về việc hiện đại hóa cơ sở vật chất như một phần của việc thực hiện chính sách phát triển khu vực mới.
3. Thượng viện Mỹ công bố dự luật an ninh trị giá 118 tỷ USD: Thượng viện Mỹ hôm 4/2 đã công bố Văn bản dự luật an ninh trị giá 118 tỷ USD, bao gồm việc tăng cường bảo vệ biên giới, viện trợ cho Ukraine và Israel. Dự luật an ninh trị giá 118 tỷ USD được công bố sau nhiều tháng đàm phán. Tuy nhiên, triển vọng được ban hành thành luật là chưa chắc chắn trong bối cảnh các nhân vật theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa, trong đó có ứng cử viên Tổng thống Donald Trump, phản đối. Dự luật bao gồm các khoản chi 20,23 tỷ USD cho an ninh biên giới; 60,06 tỷ USD hỗ trợ Ukraine; 14,1 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Israel; 2,44 tỷ USD cho Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) và cuộc xung đột ở Biển Đỏ; 4,83 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, dự luật cũng bao gồm 10 tỷ USD cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho dân thường tại Dải Gaza, khu vực Bờ Tây và Ukraine. Cuộc bỏ phiếu đầu tiên về dự luật tại Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ diễn ra muộn nhất vào ngày 7/2. Tuy nhiên, hiện chưa rõ dự luật có được 60 phiếu ủng hộ cần thiết để được thông qua trong cuộc bỏ phiếu này hay không. Hồi tháng 10/2023, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua việc bổ sung tài trợ cho Ukraine và Israel. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ yêu cầu tăng cường an ninh biên giới đối phó với làn sóng người nhập cư bất hợp pháp - vấn đề ưu tiên hàng đầu của phe Cộng hòa - để đối lấy việc chấp thuận đề nghị trên của Tổng thống Biden. Các Thượng nghị sĩ Mỹ đã đàm phán trong nhiều tháng qua để đi đến thỏa thuận. Theo Thượng nghị sĩ độc lập Mỹ Kyrsten Sinema, dự luật nói trên sẽ giúp bảo vệ biên giới phía Nam nước Mỹ, trong đó có việc yêu cầu Bộ An ninh Nội địa đóng cửa biên giới nếu có trung bình hơn 5.000 lượt người tìm cách vượt biên nhập cư bất hợp pháp mỗi ngày trong vòng 7 ngày. Trong khi đó, Tổng thống Biden tuyên bố "ủng hộ mạnh mẽ" thỏa thuận trên, nêu rõ: "Giờ đây chúng ta đã đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng về an ninh quốc gia bao gồm những cải cách biên giới cứng rắn nhất và công bằng nhất trong nhiều thập kỳ qua". Ông Biden cũng kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ gói biện pháp này.
4. Nông dân Tây Ban Nha biểu tình và phong tỏa đường sá: Nông dân Tây Ban Nha đã chặn một số tuyến cao tốc chính trên toàn quốc hôm 6/2 nhằm phản đối thuế phí tăng cao và bộ máy quan liêu của EU. Cuộc biểu tình của nông dân Tây Ban Nha diễn ra ngay trong bối cảnh nông dân trên khắp châu Âu tổ chức các cuộc biểu tình phong tỏa đường phố nhằm phản đối các quy định của Liên minh châu Âu (EU) mà họ cho rằng sẽ làm tổn hại đến sinh kế của của họ trong một thị trường cạnh tranh "không lành mạnh". "Với nhiều diễn biến khác nhau trên toàn bộ EU, chúng tôi có chung một vấn đề", Donaciano Dujo, phó chủ tịch Hiệp hội Nông dân Trẻ Tây Ban Nha ASAJA, nói với đài truyền hình TVE. Trước các cuộc biểu tình do công đoàn lãnh đạo được lên kế hoạch vào 8/2, nhiều nông dân hôm 6/2 đã huy động máy kéo trên khắp đất nước để tổ chức hàng loạt cuộc phong tỏa làm tắc nghẽn nhiều tuyến đường giao thông trên khắp Tây Ban Nha. Các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm Seville và Granada ở phía nam đến tận Girona ở phía bắc Tây Ban Nha, gần biên giới Pháp, giới chức giao thông địa phương hôm 6/2 cho biết. Ưu tiên hàng đầu của nông dân Tây Ban Nha là điều chỉnh các chính sách bảo vệ môi trường của EU đang làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ trước các nhà sản xuất nông nghiệp từ Mỹ Latinh hay từ các nước bên ngoài EU. "Chúng tôi dành nhiều thời gian giải quyết các thủ tục giấy tờ hơn là trên đồng ruộng", nông dân Eva Garcia nói với hãng tin Reuters. Bà Garcia nói thêm rằng Chính sách Nông nghiệp chung của EU đang "bóp nghẹt chúng tôi". Cũng trong cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có động thái nhượng bộ khi thông báo rằng khối dự định loại bỏ một đạo luật gây tranh cãi về việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Bà cũng cho rằng đạo luật này là "biểu tượng của sự chia rẽ". Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha cho biết họ sẽ phân bổ thêm 269 triệu euro (289 triệu USD) viện trợ cho khoảng 140.000 nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài, cũng như suy thoái kinh tế do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hồi tuần trước, Catalonia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán kéo dài ba năm qua đã ảnh hưởng lớn đến một số hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại Italy, nông dân cũng đã tụ tập chuẩn bị cho một cuộc biểu tình ở Rome vào cuối tuần này. Thủ tướng Giorgia Meloni đã lên tiếng tuyên bố ủng hộ người nông dân, song những lo ngại của người biểu tình về kế hoạch chấm dứt trợ cấp thuế cho ngành nông nghiệp hiện chưa được giải quyết.
5. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống LB Nga V.Putin: Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng hai nước nên theo đuổi sự phối hợp chiến lược chặt chẽ, bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích của mỗi quốc gia. Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov ngày 8/2 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc trò chuyện "thân thiện" qua điện thoại. "Cuộc điện đàm diễn ra trong bầu không khí ấm áp, thân thiện, và kéo dài đúng một giờ đồng hồ", ông Ushakov nói. "Các lãnh đạo ghi nhận một cách hài lòng rằng quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga - Trung Quốc trong năm 2023 tiếp tục phát triển, hiện ở mức cao chưa từng thấy. Điều quan trọng cơ bản là Mátxcơva và Bắc Kinh phải hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề chính ảnh hưởng đến lợi ích của hai quốc gia." Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đặc biệt chú ý đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. "Ông Putin và ông Tập đã thảo luận về tiến trình thực hiện các dự án năng lượng lớn Nga - Trung. Hai lãnh đạo khẳng định sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy các dự án này, bất chấp nỗ lực của các nước phương Tây nhằm gây áp lực bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp”. Theo đài truyền hình CCTV, Chủ tịch Tập nhấn mạnh Nga và Trung Quốc cần kiên quyết phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của các thế lực bên ngoài. Ông cho biết hai nước cũng nên thúc đẩy động lực hợp tác mới, duy trì sự ổn định của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng. "Trung Quốc tích cực ủng hộ công việc của Nga với vai trò là chủ tịch nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS vào năm 2024, và sẵn sàng tăng cường hợp tác đa phương quốc tế với Nga”, CCTV dẫn lời ông Tập. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh quyết tâm hợp tác với Mátxcơva để đảm bảo tính đa cực thực sự và góp phần tạo nên sự bình đẳng. Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa Nga và Trung Quốc. Hai lãnh đạo trước đó đã tuyên bố tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ Năm Văn hóa Trung - Nga 2024 - 2025. Trợ lý Tổng thống Nga Ushakov cho biết Tổng thống Nga Putin "đã chúc mừng Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Tết Nguyên đán, chúc ông sức khỏe và thành công, hạnh phúc và thịnh vượng cho toàn thể người dân Trung Quốc".
6. Ukraine kêu gọi EU tăng viện trợ quân sự: Yahoo News ngày 8-2 đưa tin, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) gia tăng nỗ lực cung cấp đạn pháo cho Kiev trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell tại thủ đô Kiev, Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh: "Chúng ta đang nói về việc bảo vệ châu Âu và điều này cần những biện pháp đặc biệt. EU cần điều chỉnh hoặc ngừng các hợp đồng cung cấp hiện nay với các nước thứ 3. Chúng ta đừng quên rằng trên thế giới vẫn còn nhiều đạn pháo. EU cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo các loại đạn pháo này đến được châu Âu và do đó đến được Ukraine". Về phần mình, ông Borrell khẳng định, EU thời gian qua đã đẩy nhanh việc cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Theo ông Borrell, EU xem đây là "ưu tiên hàng đầu", thậm chí EU "còn đang trì hoãn việc gia tăng kho vũ khí của chính mình". Trước đó, trang mạng Euronews cho biết, ông Borrell đã kêu gọi các nước thành viên EU tạm ngừng xuất khẩu vũ khí nhằm tăng cường nguồn cung cho Ukraine. Ông Borrell cho rằng trong khi năng lực sản xuất vũ khí không còn là trở ngại của EU, các doanh nghiệp châu Âu lại đang bán một tỷ lệ lớn vũ khí cho các khách hàng "vốn không trong tình trạng chiến sự". Trong khi đó, theo TASS, hôm 7-2, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã ra tuyên bố chính thức phản đối, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh xung đột hiện nay.
II. TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Trong không khí cả nước chào đón năm Giáp Thìn 2024, mừng Đảng Cộng sản Việt Nam 94 tuổi (3/2/1930 - 3/2/2024), sáng 7/2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt, chúc Tết các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các nguyên Chủ tịch nước: Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các nguyên Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và các đồng chí nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể Trung ương và TP. Hà Nội. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Phát biểu chúc Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đất nước ta vừa đi qua năm Quý Mão - 2023 với rất nhiều sự kiện quan trọng, sôi động và phong phú. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức vượt xa so với dự báo; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại ở nhiều địa phương, tác động ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực, nhiều vấn đề phức tạp mới phát sinh. Nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, ý chí, bản lĩnh, kiên cường, sáng tạo, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; các chỉ số đổi mới sáng tạo, thương hiệu quốc gia đều tăng,... các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Việc triển khai, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh. Văn hóa, xã hội có bước phát triển đột phá, tiến bộ mới. An sinh xã hội được bảo đảm. Phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Công tác giảm nghèo, chính sách ưu đãi đối với người có công, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả nổi bật. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại diễn ra dồn dập, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, góp phần củng cố, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, là điểm sáng nổi bật của năm 2023.
2. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ: Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sáng 7-2, đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Cùng tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương... Tham gia đoàn, về phía Quân đội nhân dân Việt Nam có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, phát triển. Tiếp đó, đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Các đồng chí lãnh đạo bày tỏ lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ". Sáng cùng ngày, đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Tiếp đó, đoàn đại biểu Bộ Công an và TP Hà Nội... đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Cũng trong sáng 7-2, các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến đặt vòng hoa, dâng hương kính viếng các vị tiền bối cách mạng và các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.
3. Thông điệp chúc Tết Giáp Thìn 2024 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Nhân dịp Xuân Giáp Thìn - 2024, đúng thời khắc Giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. "Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước! Mùa Xuân đã đến với mọi người, mọi nhà! Trong thời khắc chuyển giao đẹp đẽ và linh thiêng của trời đất, chúng ta thành kính tri ân công đức tổ tiên, các thế hệ cha anh đã bao đời dựng xây, dệt nên gấm vóc non sông, cho mùa Xuân độc lập, cho Nhân dân được sống tự do, ấm no, hạnh phúc, cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước hôm nay. Trong không khí ấm cúng, thiêng liêng đón Tết cổ truyền dân tộc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân tình và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Xin gửi tới bạn bè năm châu, nhân dân các nước trên thế giới lời chúc hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển bền vững! Năm qua, với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã khẳng định vị thế mới, tầm vóc mới của một Việt Nam kiên cường trong gian khó, luôn kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp, vì lợi ích của Nhân dân, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực với những dấu ấn nổi bật; luôn là người bạn chân thành, đối tác tin cậy của các nước, được cộng đồng quốc tế trân trọng, đánh giá cao. Giao thừa là thời điểm sâu lắng để chúng ta suy ngẫm về những điều đã qua, nghĩ về tương lai tươi sáng của mỗi người, mỗi gia đình và của dân tộc. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, đề cao phẩm giá, trí tuệ và khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa. Mùa Xuân mở ra bao ước mơ, khát vọng và những khởi đầu tốt đẹp nhất, ấm áp nhất, giàu sức sống nhất. Trong không khí Xuân của đất trời và Xuân của lòng người hội tụ, giao hòa, chúng ta hãy cùng nhau đón nhận những nguồn năng lượng mới, dành cho nhau những mong ước chân thành, tốt đẹp, cùng chúc cho dân tộc trường tồn, cho đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, cho đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc! Chúc đồng bào, đồng chí, mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam sức khỏe, bình an, thành công và hạnh phúc! Năm mới, khí thế mới, quyết tâm mới, thắng lợi mới!
4. Thông qua nghị quyết về kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam": Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15 ngày 5/2/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”. Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tên gọi là Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” (Kỷ niệm chương), được tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam. Nghị quyết nêu rõ: Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương là chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được. Mỗi cá nhân chỉ được tặng Kỷ niệm chương 1 lần. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương là: Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, đối tượng được xét tặng là: Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và nguyên Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định trên; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cũng là đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương. Đối tượng chưa xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm: Cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực đang được xác minh làm rõ; Cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian thi hành kỷ luật. Đối tượng không xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm: Đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm; công chức, viên chức bị buộc thôi việc; người lao động (Công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) bị xử lý kỷ luật sa thải; Cá nhân đã bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/2/2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội Việt Nam (ngày 6 tháng 1), trao tặng đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu vào kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội. Trường hợp trao tặng Kỷ niệm chương vào thời gian khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
5. Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với 19 tập đoàn, tổng công ty về đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh: Sáng 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cùng tham dự cuộc làm việc có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hội nghị nhằm đánh giá tình hình hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc trong năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Khái quát lại những thành tựu, kết quả quan trọng, tích cực của năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh hai điểm rất quan trọng: Một là niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường; hai là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Trong những thành tựu, kết quả của cả nước năm 2023 có đóng góp của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Mặc dù 19 tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong hơn 820 doanh nghiệp Nhà nước của nước ta, nhưng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, nắm giữ phần lớn tổng vốn chủ sở hữu cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ năm 2024 lớn hơn năm 2023, phải hoàn thành tốt hơn năm 2023. Chính phủ muốn hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn năm 2023 thì từng bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt hơn. Với mong muốn trong năm 2024, các tập đoàn, tổng công ty phải đầu tư nhiều hơn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, xác định các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, đặc biệt là nhiệm vụ đầu tư phát triển. Theo chương trình, sau báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình hoạt động năm 2023, triển khai sản xuất kinh doanh 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế xã hội, hội nghị sẽ nghe các doanh nghiệp, bộ, ngành, làm rõ thêm, bổ sung về các vấn đề trọng tâm, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới và nêu các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn gắn với trách nhiệm thực hiện của cơ quan, đơn vị cụ thể và thời hạn hoàn thành; đồng thời, xác định lộ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế chính sách và pháp luật liên quan. Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề đặt ra, nhất là kiến nghị sửa đổi thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
III. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA TOÀN QUÂN, PTTĐ QUYẾT THẮNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ
1. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ - Cứu nạn: Chiều 06/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu) nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn 2024. Dự lễ đón có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Báo cáo với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho biết, năm 2023, đơn vị đã tham mưu, xây dựng hoàn thành Luật Phòng thủ dân sự và đang triển khai xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; ban hành 150 công điện, thành lập 26 đoàn chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Kịp thời tham mưu, đề xuất để các cấp điều động hơn 200.000 lượt người với 23.000 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 4.336 vụ, cứu được gần 4.000 người; hướng dẫn, hỗ trợ di dời gần một triệu người từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn. Riêng Bộ Quốc phòng điều động gần 110.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ứng phó, xử lý hiệu quả gần 3.000 vụ, cứu được 2.216 người, sửa chữa 3.856 căn nhà, 125 km đường giao thông; giúp nhân dân thu hoạch 15.920 héc-ta lúa, hoa màu; chữa cháy 1.190 héc-ta rừng. Thời gian tới, Cục Cứu hộ - Cứu nạn xác định tiếp tục tham mưu với cấp trên, chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách, kiêm nhiệm từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tinh, gọn, hoạt động hiệu quả. Nghiên cứu, nắm vững, dự báo đúng tình hình, tham mưu, hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự của các cấp, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thiên tai, thảm họa; tổ chức ứng trực, sẵn sàng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống. Về thực hiện nhiệm vụ trực, đón Tết Nguyên đán 2024, Cục Cứu hộ - Cứu nạn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị của trên; tổ chức Tết với phương châm “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và SSCĐ cao”. Động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị làm nhiệm vụ ứng trực trên biển qua hệ thống truyền hình trực tuyến và lãnh đạo, chỉ huy Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, là lực lượng làm nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ - Cứu nạn nói riêng và toàn quân nói chung đã luôn khắc phục khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu cao cả là bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Để góp phần giúp nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán 2024 đầm ấm, yên bình, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị đơn vị làm tốt công tác chính trị, tư tưởng trong SSCĐ, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tham mưu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, địa phương duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ; kiểm tra, rà soát các phương án, kế hoạch và khu vực trọng điểm, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị bạn làm tốt công tác chính sách, dân vận trên địa bàn và bảo vệ cơ quan an toàn về mọi mặt. Bảo đảm đúng, đủ, kịp thời chế độ, tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ trong dịp Tết. Nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ - Cứu nạn đón năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao ban thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Ngày 5/2, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ năm 2023. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, cùng đại biểu lãnh đạo các cơ quan của hai Bộ. Năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của nhân dân, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ; phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước kịp thời xử lý các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Công an, Quân đội các đơn vị, địa phương đã phối hợp làm tốt công tác dân vận và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ gắn với phòng thủ quân khu ngày càng vững chắc. Phối hợp tham mưu huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm quốc phòng và an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của trên 15.200 tổ tự quản về an ninh trật tự, trên 3.150 tổ tàu, thuyền an toàn; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho trên 380.000 người, trong đó có 4.731 chức sắc, chức việc trong tôn giáo và trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên. Công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa hai lực lượng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người. Thực hiện có hiệu quả trong phối hợp triển khai đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, triệt phá nhiều đường dây tội phạm xuyên quốc gia, nhất là các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, mua bán người; phối hợp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới, vùng biển. Hai lực lượng đã chủ động phối hợp nắm tình hình, phát hiện từ sớm, từ xa, đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và số cực đoan chống đối trong nội địa, đặc biệt là âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp nhằm tác động chuyển hóa nội bộ; hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự, bạo loạn, khủng bố; bảo vệ tuyệt đối an toàn 2.595 cuộc, lượt hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, 154 sự kiện chính trị quan trọng, 80 đoàn khách quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
3. Cảnh sát biển chúc Tết đêm Giao thừa các tàu trực sẵn sàng chiến đấu trên biển: Vào thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới, tối 9-2 (tức tối 30 Tết Quý Mão 2023), các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã chúc Tết cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết tại Cơ quan Bộ tư lệnh và cán bộ, chiến sĩ các tàu đang thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển đảo qua hệ thống thông tin truyền hình vệ tinh. Thay mặt Thường vụ Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ghi nhận và biểu dương thành tích của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đã đạt được trong năm qua. Năm Quý Mão 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự quan tâm của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ban, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, lực lượng Cảnh sát biển đã thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời, đúng pháp luật các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Chất lượng tổng hợp, khả năng chiến đấu của toàn lực lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế được triển khai tích cực, ghi dấu ấn mới; tiếp tục xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”... góp phần giữ vững môi trường ổn định, hòa bình và phát triển trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tại Trung tâm Chỉ huy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, qua hệ thống truyền hình vệ tinh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã giao nhiệm vụ và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên các tàu của lực lượng và các tàu phối thuộc của lực lượng Kiểm ngư, Hải đội Dân quân thường trực đang làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát, chống khai thác IUU trên các vùng biển. Thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chúc các cán bộ, chiến sĩ một năm mới dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không để Tổ quốc bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Thiếu tướng Lê Quang Đạo khẳng định, sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp là nguồn động lực ý nghĩa để cán bộ, chiến sĩ thêm phấn khởi đón năm mới, chắc tay súng, giữ yên vùng biển Tổ quốc trong thời khắc Giao thừa thiêng liêng, góp phần quan trọng vào mùa Xuân thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
4. Nhiều đơn vị tổ chức thi gói bánh chưng, trang trí Tết: Ngày 7-2, nhiều đơn vị tổ chức hội thi gói bánh chưng, trang trí Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Lữ đoàn 972 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) tổ chức thi “Gói bánh chưng xanh”, “Mâm cơm ngày Tết” và “Trang trí bàn thờ Tổ quốc” với chủ đề “Tết sum vầy, đoàn viên, bình dị”. Đây là một nội dung quan trọng trong thực hiện Đợt thi đua cao điểm “Mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân Quyết thắng”. Phát biểu khai mạc thi, Thượng tá Nguyễn Văn Thái, Phó chính ủy Lữ đoàn yêu cầu: Hội thi nhằm đánh giá các mặt công tác bảo đảm hậu cần, chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội, năng lực quản lý, chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đón Tết cổ truyền của dân tộc; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu; tăng cường công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024; tổ chức đón Tết vui tươi, lành mạnh, theo truyền thống của dân tộc, phong tục tập quán ở địa phương và bảo đảm an toàn mọi mặt. Trong thời gian quy định, các đội đã phối hợp nhịp nhàng, thực hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu hội thi, có sự tham gia của các đơn vị kết nghĩa làm cho cuộc thi thêm vui tươi, sinh động. Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải tặng các đơn vị đạt thành tích cao trong thời gian nhanh nhất. Trước đó, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tổ chức hội thi “Gói bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Tham gia hội thi có 4 đội đến từ các cơ quan, đơn vị thuộc Vùng, gồm: Phòng Hậu cần-kỹ thuật, phòng Tham mưu, Hải đội 301, Hải đoàn 32. Trong thời gian 60 phút, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thi gói bánh chưng với đầy đủ các nguyên vật liệu như: Lá dong, lạt, gạo, thịt, đậu xanh…Theo đánh giá của ban tổ chức, các đội đã tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia hội thi nghiêm túc. Bánh chưng của các đội có hình thức đẹp, bảo đảm chất lượng và định lượng theo đúng tiêu chuẩn. Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội thi đến từ Đoàn cơ sở phòng Tham mưu; giải Nhì thuộc về đội thi Hải đoàn 32; giải Ba được trao cho đội thi Đoàn cơ sở Phòng Hậu cần-Kỹ thuật. Sau hội thi, số bánh chưng được Ban tổ chức trao tặng các hộ gia đình chính sách, bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn và các em nhỏ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ trẻ em để vui Xuân, đón Tết.
5. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024: Tối 9-2, tại cảng Tân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Tổng công ty (TCT) Tân cảng Sài Gòn tổ chức Chương trình chào xuân mới và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024. Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh; Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7; Chuẩn đô đốc Phạm Mạnh Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân. Năm qua, TCT Tân cảng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch với các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng hơn năm 2022. Sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng trong hệ thống Tân cảng Sài Gòn đạt 9,75 triệu Teus, tương đương gần 140 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng gần 1% (chiếm 56,8% cả nước, 89,5% thị phần khu vực TP Hồ Chí Minh). Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, TCT Tân cảng Sài Gòn luôn thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Các hoạt động này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2023, TCT Tân cảng Sài Gòn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2 và lần thứ 5 liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”. Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, tại Cảng Tân Cảng-Cát Lái mỗi ca sản xuất có hơn 1.100 người lao động trực tiếp quản lý, điều hành, phục vụ và làm việc. Trong tuần đầu Tết Nguyên đán, cảng đón 75 chuyến tàu làm hàng với sản lượng thông qua là 72.000 Teus, tương đương hơn 1 triệu tấn hàng hóa (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trong đêm phát lệnh làm hàng, cảng đón 7 chuyến tàu container, lô hàng được xếp trên Tàu Uni Perfect của hãng tàu Ever Green, tải trọng 19.308 tấn, sức chở gần 1.618 teus. Đây là lô hàng sản phẩm linh kiện điện tử, mặt hàng chủ lực góp phần đưa xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh đạt kim ngạch hơn 42 tỷ USD. Tàu hành trình từ cảng Cát Lái (Việt Nam) - Kaohsiung (Đài Loan) - Osaka, Kobe, Hakata (Nhật Bản) - Shang Hai (Trung Quốc) - Hong Kong - Cát Lái. Tổng sản lượng xếp dỡ trong đêm phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn tại cảng Tân Cảng-Cát Lái đạt khoảng 7.500 Teus (tương đương 105.000 tấn hàng). Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc TCT Tân cảng Sài Gòn cho biết: “Năm 2024, TCT Tân cảng Sài Gòn lập kế hoạch phấn đấu các chỉ tiêu kinh tế cơ bản tăng trưởng từ 5% trở lên. Để đạt mục tiêu này, TCT thực hiện quyết liệt phương châm kinh doanh “3 tăng” (tăng công suất các cảng, tăng kết nối hệ thống, tăng quản trị hiệu quả), “3 đẩy” (đẩy hợp tác đầu tư, đẩy cải cách hành chính và đẩy số hóa, xanh hóa), tiếp tục đưa thương hiệu Tân cảng Sài Gòn lan tỏa mạnh mẽ hơn trong nước, vươn tầm thế giới, kết nối toàn cầu”.
IV. ĐỊNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG, HƯỚNG DẪN HÀNH ĐỘNG
(tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi đơn vị các đồng chí chọn lọc, phân tích các tin tức nổi bật trên thế giới, trong nước, toàn quân; từ đó xây dựng kế hoạch nắm bắt, định hướng tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị)./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét