“Con hơn cha là nhà có phúc” là mong muốn chính
đáng, là khát vọng tốt đẹp của mỗi gia đình, mỗi ông bố bà mẹ. Một khi “con hơn
cha”, thế hệ sau tiến bộ hơn thế hệ trước không chỉ là hồng phúc của mọi gia
đình mà còn là đại phúc của cả dân tộc và toàn xã hội.
Thế nhưng mấy ngày gần đây, dư luận xã hội lại thêm
một lần bức xúc vì có trường hợp thăng tiến “siêu nhanh”, bổ nhiệm “thần tốc”
không phải vì tài năng, phẩm hạnh và mức độ đóng góp, cống hiến cho tổ chức, mà
cái chính do là “hậu duệ” của một người nguyên là cán bộ lãnh đạo cao
nhất tỉnh.
Vẫn cố tình “giẫm chân vào vết xe đổ”
Thông tin ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm
tra Tỉnh ủy Bắc Ninh sử dụng bằng giả, có nhiều bằng cấp (cử nhân,
thạc sĩ, tiến sĩ) và trong khoảng chục năm được thăng tiến “thần tốc” khiến dư
luận thêm một lần nhức nhối về "lỗ hổng" trong quy trình công tác cán
bộ. Nhức nhối bởi lẽ, người đứng đầu cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy có chức năng,
nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chính bản thân họ lại
có hành vi mờ ám trong việc “làm đẹp” hồ sơ, trình độ học vấn của mình để “chui
sâu, leo cao”.
Trong khi đó, bản thân người mắc vi phạm này là con
trai của một người nguyên là cán bộ lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bắc Ninh. Dư
luận càng hoài nghi không hiểu vì sao một chức vụ quan trọng như vậy lại được
trao “nhầm người” và đòi hỏi phải truy trách nhiệm đến cùng đối với các tổ
chức, cá nhân liên quan trong việc tham mưu, nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm
trường hợp này. Không thể có chuyện dùng tấm bình phong “đúng quy trình” nhưng
lại để “con voi lọt qua lỗ kim” như vậy!
Đáng buồn thay, đây không phải là trường hợp đầu tiên
con em quan chức bị phanh phui vì có hành trình thăng tiến mờ ám và “lên nhanh
như diều gặp gió”. Trước đó, hàng loạt “cậu ấm, cô chiêu” ở nhiều địa phương,
bộ, ngành đã phải trả giá đắt bởi họ đi lên không phải bằng đôi chân của chính
mình, mà được bố mẹ “cõng trên lưng” suốt chặng đường quan lộ như
người dân ví von một cách chua chát.
Khoảng mấy năm trở lại đây, nhiều con quan chức đầu
tỉnh, đầu ngành đã được “muôn dân biết mặt, cả nước biết tên” không phải bởi họ
có tài năng xuất chúng, phẩm hạnh hơn người, mà bởi họ được “chở che, ưu ái”
trong quá trình học tập, công tác và phát triển “thần tốc” khiến dư luận hết
sức ngạc nhiên.
Đó là ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai ông Lê Phước
Thanh, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư khi mới 30 tuổi; ông Đinh Văn Vũ, 34 tuổi (con trai ông Đinh
Văn Thu, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam) được bổ
nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh
Quảng Nam. Ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi (con trai ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng
Bộ Công Thương) đã được “bầu” làm Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản
trị Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Ông Nguyễn
Nhân Chinh, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, 36 tuổi (con trai ông Nguyễn Nhân
Chiến, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) được chỉ định làm Bí thư Thành
ủy Bắc Ninh...
Tất cả trường hợp được bổ nhiệm “thần tốc” nêu trên,
người thì bị cách chức, người bị thu hồi quyết định, người bị hạ chức, người bị
thuyên chuyển công tác. Hầu hết con em của các vị quan chức này đều có “quy
trình” thăng tiến tương đối giống nhau, đó là thời gian đi học, đi đào tạo (kể
cả ở nước ngoài) thì dài, trong khi thời gian công tác, tích lũy kinh nghiệm,
mức độ đóng góp, cống hiến cho tổ chức chưa đáng là bao và nhất là tuổi đời,
tuổi nghề còn non trẻ, nhưng lại liên tục được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan
trọng trong thời gian ngắn mà nhiều cán bộ, công chức cả đời mơ ước, phấn đấu
“trầy vi tróc vảy” cũng khó đạt được!
Kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu
cực trong công tác cán bộ
Trước hết, chúng ta phải công tâm khẳng định rằng, con
em bất cứ ai cũng được quyền phấn đấu, thăng quan tiến chức. Thực tế cho thấy,
phần lớn con em cán bộ lãnh đạo thường hơn con em người dân bình thường vì từ
trong “mã gene” của họ đã ít nhiều có tố chất của các bậc phụ huynh; hơn thế,
họ cũng được cha mẹ giáo dục, rèn luyện từ nhỏ và được tạo điều kiện học tập,
đào tạo đến nơi đến chốn.
“Hổ phụ sinh hổ tử” với hàm ý cha mẹ tài năng cũng
thường sinh ra con tài năng. Vì thế, không có lý do gì để chúng ta không khuyến
khích, tạo điều kiện thuận lợi cho con em lãnh đạo chân tài thực đức có cơ hội phấn
đấu, cống hiến và trưởng thành. Khi con em cán bộ lãnh đạo được thừa hưởng,
phát huy những phẩm chất tốt đẹp, giá trị tích cực của cha anh mình không chỉ
là sự nối tiếp thế hệ một cách lành mạnh, chính đáng mà còn góp phần vun đắp
truyền thống một cách bền vững và xây dựng nền tảng chắc chắn cho tổ chức, cơ
quan, đơn vị; rộng hơn là mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội và đất
nước.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn, nhân dân bức
xúc vì nhiều trường hợp con em cán bộ lãnh đạo được thăng tiến, bổ nhiệm “thần
tốc”, tuy được “lót” bằng cái vỏ bọc “đúng quy trình” nhưng thực chất là tham
nhũng quyền lực chính trị, cố tình tìm mọi cách để cho người nhà, người thân
của mình được xếp đặt vào những vị trí dễ sinh lời, dễ “hái ra tiền”, dễ “vinh
thân phì gia”. Danh đi liền với lợi. Vị trí càng quan trọng, càng “nhạy cảm”
thì càng có điều kiện, cơ hội để vơ vét lợi ích, bổng lộc.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bổ nhiệm người nhà,
người thân tràn lan không chỉ xuất phát từ tư tưởng phong kiến “con vua thì lại
làm vua”, “cha truyền con nối” đã ăn sâu vào “đường gân thớ thịt” của một bộ
phận cán bộ, đảng viên mà nó còn là hệ quả tất yếu của tư duy “lợi ích nhóm”,
“gia đình trị”, “dòng họ trị” của một bộ phận quan chức háo danh, vụ lợi, vì
lợi ích hẹp hòi nên sẵn sàng chà đạp lên mọi nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy
định về quy trình nhân sự và công tác cán bộ.
Hậu quả ghê gớm hơn là khi đưa nhiều người nhà, người
thân vào ê kíp lãnh đạo của mình sẽ tạo ra những cánh hẩu để cùng che chắn, bao
bọc, dung túng vi phạm, khuyết điểm của nhau, từ đó làm mọt ruỗng văn hóa chính
trị, đạo đức công vụ và hủy hoại nền tảng liêm chính, minh bạch của bộ máy công
quyền, tác động rất tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước
và chế độ.
Điều rất đáng suy ngẫm là trong thời kỳ kháng chiến
giải phóng dân tộc trước đây, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng
tuyệt đại đa số lãnh đạo cao cấp của chúng ta rất gương mẫu, mực thước, động cơ
trong sáng, hết lòng vì dân, vì nước; đồng thời luôn coi trọng trách nhiệm giáo
dục, rèn luyện rất nghiêm khắc đối với con em mình.
Vì thế, nhiều con em lãnh đạo cao cấp vẫn tình nguyện
nhập ngũ, hành quân vào chiến trường chiến đấu hay hăng say tham gia lao động ở
các nhà máy, xí nghiệp, công trường, nông trường như bao thanh niên, người dân
cùng thế hệ. Không có thái độ đòi hỏi, không có tư tưởng “một người làm quan cả
họ được nhờ”, không có động cơ “cha truyền con nối” là một giá trị văn hóa
chính trị cao đẹp, một giá trị đạo đức cách mạng sáng ngời của các bậc lãnh đạo
tiền bối và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta.
Cách đây hơn 11 năm, sau khi lắng nghe từ dư luận xã
hội, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 4, khóa XI (tháng 2/2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
đặt câu hỏi đầy trăn trở: “Trong công tác cán bộ thì “Thứ nhất là quan hệ, thứ
nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”. Nó là cái
gì?”. Hơn hai năm sau, trong một bài viết đăng trên Báo Nhân Dân nhân dịp
kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-2014, Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang đã thẳng thắn nêu ra: “Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi
nghe câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba
quan hệ, bốn trí tuệ” trong công tác cán bộ”.
Không ngẫu nhiên mà các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng
và Nhà nước ta lại rất băn khoăn, trăn trở trước thực trạng “hậu duệ” như vậy.
Bởi “chủ nghĩa hậu duệ” không những có thể làm tha hóa nhân cách của cả người
được “trao quyền” và “nhận quyền” do động cơ không trong sáng, mục đích không
lành mạnh mà nguy hại hơn, nó có thể biến quyền lực chính trị, quyền lực nhà
nước thành quyền lực của một gia đình, quyền lực một dòng họ. Đó chính là mầm
mống khiến lòng dân ta thán và cũng là nguy cơ làm rạn nứt, thậm chí đổ vỡ niềm
tin của nhân dân vào thể chế chính trị.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong vòng 4 năm qua,
Đảng ta đã ban hành hai quy định nhằm ngăn chặn tận gốc vấn nạn tham nhũng,
tiêu cực trong công tác cán bộ. Đó là Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của
Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy
chức, chạy quyền” và Quy định số 114-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
ngày 11-7-2023 “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
trong công tác cán bộ”.
Việc nâng cấp chủ thể ban hành quy định cũng như xác
định chính xác nội hàm của vấn đề cấp bách này cũng không ngoài mục đích nhận
diện rõ hơn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ mà còn làm
cơ sở để xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp sai phạm.
Nhiều quy định của Đảng đã được ban hành; nhiều bài
học xương máu trong công tác cán bộ ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã được mổ
xẻ, rút ra; vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn lấy
đó làm tấm gương để tự soi, tự sửa, tự răn mình không bao giờ được phép cho
“chủ nghĩa hậu duệ” lên ngôi, lộng hành. Bởi nếu quan chức nào còn sa chân vào
vũng lầy này thì trước sau cũng sẽ bị kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước và sức
mạnh dư luận xã hội trừng trị họ một cách thích đáng!
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét