Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

Đừng phán quyết vội vàng khi toà chưa kết thúc

 

Ngày 3/1/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 38 bị cáo liên quan đến vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) trong đó có cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài khoảng 20 ngày do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ toạ. Ông Chu Ngọc Anh bị truy tố ở khung hình phạt 10-20 năm tù nhưng cùng bị viện kiểm sát đề nghị 3-4 năm tù. Nhiều bị cáo trong vụ Việt Á cũng được đề nghị mức án dưới khung truy tố. Do vậy một số trang mạng chống đối, tiêu biểu trên trang Facebook Việt Tân đã cho rằng đây là sự “nhạo báng công lý”, “càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều”…mặc dù phiên toà chưa kết thúc nhưng những kẻ phản động đã có những hành động, động thái bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc chế độ. Vậy thực chất vấn đề này ra sao?

          Vụ án Việt Á là một trong những đại án trọng điểm được đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và quần chúng Nhân dân trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy quan điểm đặt ra cần tiến hành công khai, đúng người, đúng tội. Trong phần luận tội, viện kiểm sát đánh giá vụ án Việt Á là "điển hình lợi ích nhóm" và "tham nhũng có hệ thống". Một bộ phận cán bộ công chức đã bị thoái hóa biến chất, câu kết với doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây thiệt hại tài sản nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.

          Khi đề nghị mức án với từng bị cáo, cơ quan công tố đã đưa ra các phân tích về tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội đưa và nhận hối lộ được thực hiện nhiều lần. Đồng thời, viện kiểm sát cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, nhận "cảm ơn" từ Việt Á và sự ăn năn hối lỗi thành khẩn khai báo cùng thành tích trong công tác của các bị cáo.

          Cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc bị đưa ra xét xử về tội "vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Hai ông bị truy tố tội này ở khoản 3, điều 219 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 10-20 năm tù (gây thất thoát lãng phí từ 1 tỉ đồng trở lên). Trong phần luận tội, viện kiểm sát nhận định ông Chu Ngọc Anh với cương vị bộ trưởng, là đại diện chủ sở hữu nhà nước kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp quốc gia. Ông Tạc được phân công trực tiếp theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm.

          Tuy nhiên khi cấp dưới tham mưu, ông Chu Ngọc Anh vẫn ký quyết định giao Việt Á phối hợp nghiên cứu đề tài. Cựu thứ trưởng Tạc thì ký quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài trái quy định pháp luật. Hành vi của ông Chu Ngọc Anh và cấp phó của mình bị cáo buộc gây thất thoát tài sản số tiền 18,98 tỉ đồng ngân sách nhà nước. Thậm chí hai cựu lãnh đạo bộ này còn thực hiện chuỗi hành vi khen thưởng, hỗ trợ truyền thông "giúp đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho Công ty Việt Á". Ông Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD, còn ông Tạc được tổng giám đốc Việt Á cảm ơn 50.000 USD.

          Hành vi sai phạm trên của ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc với vai trò đồng phạm đã "xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước" và "gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ", viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội. Tuy nhiên, theo cơ quan công tố, quá trình điều tra và tại phiên tòa, cả hai ông đã "thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải". Cả hai được đánh giá tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Ông Chu Ngọc Anh và gia đình nộp 4 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Gia đình ông có công với cách mạng, bị cáo được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Hà Nội đã có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho cựu bộ trưởng. Từ các lẽ trên, viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình và đề nghị tòa tuyên cả hai ông mức án 3-4 năm tù.

          Phiên toà dự kiến kết thúc vào cuối tháng 1/2024 và đây cũng là dự kiến đề nghị của viện kiểm sát với hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử vụ án Kit test Việt Á tại TAND TP Hà Nội gồm 5 thành viên, trong đó có 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân và do Thẩm phán Trần Nam Hà (Chánh Tòa Gia đình, TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa. Ngoài ra, còn có 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân dự khuyết. Thư ký phiên tòa là 2 cán bộ tòa án và các thư ký dự khuyết. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử là 9 người, bao gồm cả các kiểm sát viên dự khuyết. Hiện, có tổng số hơn 70 luật sư tham gia phiên tòa để bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho những cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

          Do vậy chúng ta cần tin tưởng vào công lý, tin tưởng vào sự minh bạch của luật pháp nước ta, đồng thời có cái nhìn khách quan, toàn diện về tội và những tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo để không vướng vào những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch./.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét