Những ngày đầu Xuân năm mới, có dịp về với bà con đồng bào Mường xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập hòa trong những tiếng cồng chiêng quen thuộc vang lên khắp các bản Mường, chúng tôi được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo - tục buộc chỉ cổ tay (hay còn gọi là dây vía), một nét văn hóa đẹp trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Mường luôn có nhiều nét văn hóa đặc sắc, những giá trị truyền thống phong phú, độc đáo mang đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số. Theo người dân nơi đây, tục buộc chỉ tay một phần xuất phát từ cuộc sống đời thường, sinh hoạt, lao động và sản xuất, con người luôn phải gồng mình chống chọi với quy luật sinh tồn của thiên nhiên, vì thế họ đã tạo ra cho mình một điểm tựa tinh thần như một niềm an ủi để lạc quan hơn trong cuộc sống.
Chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Đình Thưởng, cũng là thầy Mo của bản - người gắn bó quá nửa cuộc đời với tín ngưỡng văn hóa dân gian của đồng bào mình. Tiếp chúng tôi khi vừa mới trở về nhà sau một buổi sáng đi làm lễ mừng thọ cho người trong bản, bên ấm chè nóng, ông Thưởng nói: “Muốn hiểu về tục buộc chỉ cổ tay cần phải hiểu về quan niệm, lối sống, phong tục, tập quán và đặc biệt là thế giới tâm linh của người Mường. Người Mường có một quan niệm vô cùng đặc biệt về con người, đó là hồn vía, con trai thì bảy vía, con gái thì chín vía, buộc chỉ cổ tay là cách để giữ vía và gửi gắm, mong cầu những điều tốt đẹp”.
Tục buộc chỉ cổ tay của người Mường nơi đây được diễn ra thường xuyên trong năm, đặc biệt là vào các dịp như: Mừng thọ đầu Xuân, lễ đầy tháng trẻ nhỏ,... và mang những ý nghĩa tâm linh độc đáo khác nhau. Đối với người lớn tuổi, buộc chỉ cổ tay dịp đầu năm mới, nhất là những người từ 60 tuổi trở đi thì sợi chỉ thay cho lời chúc thọ, để cầu mong sức khỏe cho tuổi già. Buộc chỉ cổ tay cũng là cách để cầu chúc cho nhau một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc, may mắn, bình an, làm ăn được thuận buồm xuôi gió, con cháu, anh em trên dưới thuận hòa. Đối với những người mới ốm, buộc chỉ cổ tay với mong muốn sức khỏe sớm được hồi phục, mọi chuyện qua đi suôn sẻ theo cách người Mường vẫn gọi là “giữ vía”. Những trẻ nhỏ được buộc chỉ cổ tay là để chúc khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang. Người được buộc chỉ cổ tay như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, những điều tốt đẹp nên ai nấy đều rất vui vẻ, phấn khởi.
Chỉ buộc cổ tay được kết từ nhiều sợi dây với nhiều màu sắc khác nhau gồm: Màu đỏ, màu trắng, màu xanh, màu vàng... tượng trưng cho màu của trời, đất, cây cối, con người... Người làm lễ buộc chỉ là thầy Mo, những sợi chỉ dài khoảng một gang tay được để trong một chiếc đĩa có lá trầu và quả cau. Trước khi buộc chỉ vào cổ tay, thầy Mo sẽ làm lễ và đọc bài khấn, sau đó sẽ đeo chỉ vào cổ tay mỗi người, vừa đeo thầy Mo vừa niềm (cách gọi của đồng bào nơi đây), khi câu niềm kết thúc cũng là lúc sợi chỉ được đeo xong và người ta sẽ không bao giờ tháo hay cắt bỏ sợi chỉ cổ tay cho đến khi nào sợi chỉ tự đứt thì thôi. Chỉ sẽ được buộc cho gia chủ đầu tiên, sau đó tiếp đến là buộc cho những người ít tuổi hơn trong dòng họ và lần lượt con cháu trong gia đình. Để thay cho lời cảm ơn, gia chủ cũng đáp lại bằng cách dùng sợi chỉ và buộc vào cổ tay của thầy Mo.
Không cầu kỳ, không tốn kém, tục buộc chỉ cổ tay đơn thuần là một nghi thức cầu an từ thuở khai thiên lập địa của đồng bào nơi đây và được duy trì cho đến ngày nay, là điểm tựa tinh thần giúp bà con vững tin hơn trong cuộc sống, cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn đến cho bản làng. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người Mường, tạo sự gắn kết cộng đồng, đồng thời cũng là sợi dây gắn bó, thắt chặt hơn tình cảm anh em, tình làng nghĩa xóm.
Chúng tôi rời Ngọc Đồng khi những cánh đào rừng đang độ thắm sắc, con đường, ngõ xóm rực rỡ cờ hoa, nhà nhà đang rộn ràng, hân hoan chào đón năm mới, sợi chỉ trên tay cùng những nét tươi vui, rạng rỡ hiện hữu trên gương mặt bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây càng làm cho mùa Xuân thêm rực rỡ, tràn đầy sức sống. Cùng với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hy vọng rằng tục lệ độc đáo này sẽ được lưu giữ mãi trong đời sống, văn hóa tín ngưỡng của người Mường nơi đây để mỗi độ Tết đến Xuân về những khách “phương xa” như chúng tôi lại có dịp để được trải nghiệm những điều ý nghĩa này./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét