Bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, đến nay, các địa phương trên địa bàn Quân khu 9 đã xây dựng được 1.286/1.417 trụ sở ban CHQS cấp xã; có nhiều trụ sở được xây dựng nằm riêng với khuôn viên UBND cấp xã, tạo nơi làm việc độc lập, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân thường trực.

Dẫn chúng tôi tham quan trụ sở được sửa chữa, bàn giao vào cuối năm 2023, đồng chí Nguyễn Ngọc Trước, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), cho biết: “Trụ sở Ban CHQS phường rộng hơn 160m2, gồm phòng làm việc của chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng; phòng trực và nhà ăn cho chiến sĩ dân quân. Khi chưa có trụ sở mới, nơi làm việc, sinh hoạt khá chật hẹp, tạm bợ; diện tích không đủ để cất chứa đồ dùng huấn luyện, bố trí giường ngủ, bàn ăn. Khu làm việc mới vừa rộng rãi, bố trí các phòng chức năng phù hợp, gần với UBND phường nên rất thuận lợi cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt”.

Cái Vồn là một trong 13 ban CHQS cấp xã được sửa chữa, xây mới và đưa vào sử dụng trong năm 2023; đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long đã có 107/107 ban CHQS cấp xã có nơi làm việc riêng.

“An cư” cho dân quân thường trực - cách làm từ Quân khu 9
 Dân quân thường trực Ban CHQS phường An Bình, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) luyện tập Điều lệnh đội ngũ.

Qua trao đổi với lãnh đạo Phòng Doanh trại, Cục Hậu cần Quân khu 9 chúng tôi được biết, từ năm 2011, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã. Để hoàn thành sớm, vượt chỉ tiêu giao, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động bố trí quỹ đất, huy động nguồn lực, khai thác nguồn vốn đầu tư để thực hiện, thiết kế sao cho phù hợp, bảo đảm được công năng và diện tích, nhu cầu sử dụng, sinh hoạt.

Căn cứ vào đặc điểm, tình hình, UBND một số tỉnh đã giao cho bộ CHQS tỉnh, hoặc ban CHQS cấp huyện làm chủ đầu tư, lựa chọn công ty tư vấn thiết kế, thực hiện đấu thầu... Quá trình thực hiện, cơ quan quân sự địa phương các cấp đã tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư; phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, bảo đảm mỹ thuật, kỹ thuật, tiến độ và chất lượng xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy đa số trụ sở ban CHQS cấp xã được bố trí ở khu vực riêng, hoặc nằm trong khuôn viên UBND xã để thuận tiện cho việc công tác. Tiếp chúng tôi tại cơ quan quân sự phường, đồng chí Nguyễn Văn Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Long Sơn, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) cho biết: “Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và HĐND, năm 2017, UBND phường đã đầu tư gần 800 triệu đồng để nâng cấp toàn bộ cơ quan quân sự, với diện tích hơn 300m2.

Với sự quan tâm, bảo đảm đầy đủ điều kiện, vật chất, tinh thần nên chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác quân sự, quốc phòng địa phương ngày càng được nâng lên. Lực lượng dân quân luôn duy trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tuần tra, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở..., từ đó tạo được lòng tin trong nhân dân, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân ở cơ sở”.

Đồng chí Nguyễn Bảo Quốc, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Long Sơn cho biết thêm: “Tận dụng khoảng đất trống, tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, chúng tôi còn làm thêm dịch vụ rửa xe gắn máy. Ngoài ra, được sự hỗ trợ kinh phí của UBND phường, cơ quan quân sự còn có hai máy photocopy làm dịch vụ in, sao văn bản. Số tiền kiếm được từ các dịch vụ, mỗi ngày, Ban CHQS phường đã hỗ trợ thêm cho mỗi chiến sĩ dân quân từ 25.000 đồng đến 28.000 đồng tiền ăn”.

“An cư” cho dân quân thường trực - cách làm từ Quân khu 9
Dân quân thường trực Ban CHQS phường Bình Khánh, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) triển khai thực hiện nhiệm vụ. 

Theo Thượng tá Bùi Sỹ Hùng, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh An Giang, thực hiện Đề án số 129/ĐA-UBND ngày 21-11-2016 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, với quan điểm “tự lực cánh sinh”, nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư ngắn hạn và trung hạn để xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc ban CHQS cấp xã.

Nhờ vào cuộc tích cực, đến cuối năm 2020, tỉnh An Giang đã có 156/156 trụ sở ban CHQS cấp xã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp khang trang, chính quy với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương còn quan tâm bổ sung, mua sắm trang bị, bàn ghế, máy vi tính, quạt điện, xe gắn máy, công cụ hỗ trợ cho lực lượng dân quân...

Qua trao đổi với lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, chúng tôi được biết, để đạt được số lượng, chất lượng theo lộ trình, những năm qua, tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương đầu tư xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã theo Đề án số 211/ĐA-UBND ngày 16-11-2015 và Đề án số 307/ĐA-UBND ngày 9-11-2020 của UBND tỉnh về tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ.

Tính đến nay, trong toàn tỉnh đã có 40 trụ sở ban CHQS cấp xã nằm riêng độc lập, 79 trụ sở nằm trong khuôn viên UBND xã và 35 ban CHQS cấp xã chưa có trụ sở riêng (phòng làm việc được bố trí cùng trụ sở UBND xã). Theo dự án đầu tư, năm 2024-2025, tỉnh sẽ hoàn thành các trụ sở còn lại. “Điều kiện làm việc hiện tại rất thuận lợi để lực lượng dân quân có nơi làm việc, sinh hoạt. Nhờ đó, những năm qua, chất lượng công tác quốc phòng, quân sự địa phương trong toàn tỉnh ngày càng được nâng lên”, Trung tá Huỳnh Phước Thiện, Trưởng ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang nói. 

Việc xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã tại TP Cần Thơ luôn nhận được sự đồng thuận và quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Đến nay, toàn thành phố đã có 83/83 ban CHQS cấp xã có trụ sở làm việc riêng, bảo đảm nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu; một số địa phương ở Cần Thơ còn xây dựng nhà ở riêng cho trung đội dân quân thường trực...

Thượng tá Châu Minh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ thông tin: “Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ CHQS thành phố, những năm qua, lực lượng dân quân tự vệ của thành phố không ngừng được xây dựng vững mạnh, rộng khắp; góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững mạnh”.

Việc thiết kế, xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã được một số địa phương ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang căn cứ vào địa hình, địa chất, điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn để vận dụng kiểu nhà cho phù hợp. Căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương, bộ CHQS các tỉnh đã thiết kế công trình ban CHQS cấp xã theo 3 mẫu: Mẫu 1, xây dựng theo dạng nhà sàn, cao gần 2m đề phòng khi nước biển dâng cao cho các xã ven biển; mẫu 2, dạng nhà trệt, áp dụng với những nơi có diện tích đất rộng; mẫu 3 là xây 2 tầng ở nơi có diện tích đất hẹp. Mỗi trụ sở có diện tích sử dụng từ 60 đến 180m2 trở lên, kinh phí xây dựng, sửa chữa bình quân hơn 1 tỷ đồng/trụ sở.

Tuy vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, song kết quả đạt được trong xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã trên địa bàn Quân khu 9 được xem là một chủ trương sát, đúng với tình hình thực tế hiện nay.

“Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu tiếp tục chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ, bố trí nguồn vốn, kinh phí đầu tư cho xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã; thực hiện đúng, đủ các quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về quản lý đầu tư xây dựng; phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong xây dựng công trình, bảo đảm thẩm mỹ, kỹ thuật, tiến độ và chất lượng xây dựng... Từ đó, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng dân quân tự vệ nói chung, lực lượng dân quân thường trực nói riêng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Thiếu tướng Quách Văn Nhỏ, Phó tư lệnh Quân khu 9 khẳng định.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC - HỮU ĐẶNG

Nguồn: Báo QĐND