Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Đạo làm người theo tư tưởng của Bác

 ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH 

 

Theo Hán Việt từ điển xuất bản năm 1932 của nhà sử học Đào Duy Anh, “đạo” được hiểu “là đường đi, là đạo lý, là cái nghĩa lý đương nhiên, ai cũng nhận”; nghĩa đen theo chữ Hán là con đường, nghĩa bóng mang nghĩa là phương hướng, đường lối dẫn dắt con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. “Đạo đức” được hiểu là “nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức; cái lý pháp người ta nên noi theo”(1). Có rất nhiều lý tưởng và nguyên tắc khác nhau về “đạo”, nhưng tất cả đều có chung một nền tảng cơ bản là dựa trên cái thiện, trong sáng, lành mạnh, chân chính để mưu cầu hạnh phúc và an bình cho con người.


Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, các trường phái triết học cũng như nhiều tôn giáo đã nghiên cứu và khẳng định vai trò của đạo làm người với đời sống xã hội. Dù có những quan điểm, tư tưởng và đức tin khác nhau, song khi bàn về vấn đề này, các tôn giáo, các trường phái triết học đều có điểm chung là khuyên con người dù tồn tại ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào cũng phải thực hiện đạo làm người để trở thành những công dân tốt, có ích cho cộng đồng, cho xã hội, thực hiện tốt vai trò, bổn phận đối với quốc gia. Đó cũng là mục tiêu mà các xã hội trong lịch sử đều hướng đến. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, trong đó có quan điểm về đạo làm người, coi đó là một phần không thể thiếu của đạo đức và rèn luyện đạo đức, vì đạo đức là gốc, là nền tảng cần có để mỗi người sống và làm việc đúng đạo lý. Người khái quát: “Nghĩ cho cùng… cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”(2). Vì vậy, hướng tới mục tiêu cao cả ấy đòi hỏi mỗi người, nhất là người cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và luôn tu dưỡng đạo đức để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Xa đồng đạo, đạo đồng đồ”, nghĩa là: Tất cả các cỗ xe đi cùng một con đường thì đạo ấy ắt sẽ dẫn đến và cùng có một tiền đồ tươi sáng. Có thể khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người về đạo làm người như sau:


Một là, mỗi người luôn phải học tập, rèn luyện hoàn thiện đạo đức, nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội. Đây là nội dung mang tính nguyên tắc đối với mỗi con người, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách để góp phần xây dựng cuộc sống độc lập, hạnh phúc, ấm no. Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tinh thần tự tu thân với mỗi người, nhất là người cán bộ cách mạng. Vì vậy tu dưỡng đạo đức phải gắn liền với hoạt động thực tiễn, trên tinh thần tự giác, tự nguyện và phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời.


Hai là, luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, phải nêu gương về đạo đức. Trong gia đình, Người yêu cầu cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương cho con cháu; trong đơn vị, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên; ở nơi cư trú thì đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Muốn hướng dẫn nhân dân làm theo, người cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi trước, làm trước. Phải hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó cũng là một nguyên tắc trong đạo lý làm người và là điều kiện không thể thiếu của mỗi con người, đặc biệt là cán bộ đảng viên. Bác khẳng định, một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.


Ba là, thực hiện tốt vai trò, bổn phận với gia đình, với tập thể và với xã hội. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sống trong xã hội, mỗi người đều có vị trí, vai trò, trách nhiệm được quy định bởi luật pháp hoặc bởi những nguyên tắc, hương ước do con người xây dựng nên. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Do vậy, mỗi người phải ý thức tự giác tuân theo pháp luật, kỷ luật lao động, hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ Tổ quốc, cần, kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng gia đình hạnh phúc. Người nhấn mạnh, nước là nước của dân và dân là chủ của nước. Do vậy, vai trò, trách nhiệm công dân bao trùm trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, với gia đình.


Theo Hồ Chí Minh, để thực hiện đạo làm người, mỗi người phải tự học tập, rèn luyện những phẩm chất đạo đức là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tuân thủ pháp luật, có tinh thần quốc tế trong sáng… Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh lòng yêu nước, coi đó là phẩm chất quan trọng, bao trùm và chi phối các phẩm chất khác, con người phải biết lấy dân làm gốc, luôn gắn bó, kính trọng và hết lòng vì dân. Với Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng, người cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Tình yêu thương con người thể hiện trước hết là tình thương yêu nhân dân, những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột; yêu thương con người phải biết và dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh quan niệm bốn đức tính đó của con người giống như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Với bạn bè quốc tế, Người nhấn mạnh, mỗi con người phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đoàn kết với nhân dân các dân tộc bị áp bức vì mục tiêu đấu tranh giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bóc lột. Trong mối quan hệ giữa đức và tài Hồ Chí Minh cho rằng, đối với người cán bộ cách mạng không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào và khẳng định:“Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3). Đức là kết hợp truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa của đạo đức nhân loại, tạo nên nền tảng tinh thần của người cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, mỗi con người, nhất là người cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, phải thống nhất giữa nói và làm, vì đó là sức mạnh để quy tụ và lãnh đạo quần chúng. Với Hồ Chí Minh, đạo làm người còn là sự giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, không trái với tự nhiên và tuân thủ quy luật khách quan. Với Hồ Chí Minh, đạo làm người là suốt đời tu dưỡng đạo đức, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc ta trong thời đại mới, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn giành thắng lợi.


Thực tế những năm gần đây cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp chạy theo lợi ích cá nhân, quan liêu, tham nhũng, hối lộ; lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ đã và đang làm băng hoại  đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc. Đây là thách thức đối với công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe doạ sự sống còn của chế độ. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, cũng vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã nêu.


Để khắc phục thực trạng trên và để góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự  là đạo đức, là văn minh, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thực hiện tốt nội dung về đạo làm người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, theo chúng tôi, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:


1. Phát huy vai trò chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao sức tự đề kháng để mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng vững vàng, nhãn quan chính trị đúng đắn, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cần đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, coi đó là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài nhằm hình thành nhân cách, đạo đức cho chủ nhân tương lai của đất nước. Đây là nhiệm vụ trước hết là cấp ủy và người đứng đầu, góp phần tạo điều kiện tối đa cho thế hệ trẻ được học tập, lao động, cống hiến, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.


2. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, gắn với công việc, sự rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nâng cao chất lượng, triển khai theo chiều sâu và lồng ghép các nội dung của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị, tổ dân, khu phố; duy trì thường xuyên trong sinh hoạt đảng và hoạt động của đơn vị, tổ dân, khu phố tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức của Người sâu rộng trong toàn xã hội nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.


3. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị, xã hội đối với hoạt động của cán bộ, đảng viên và của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực, vị trí công việc dễ phát sinh tham ô, tham nhũng, vi phạm đạo đức lối sống; quản lý chặt chẽ, thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên cả ở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, các tổ chức, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời phát hiện sai lầm, khuyết điểm và có biện pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời phải làm tốt nêu gương người tốt, việc tốt nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên tự giác học tập, rèn luyện, gương mẫu trong đạo đức và lối sống để nhân dân noi theo. Việc phát huy dân chủ phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống phải gắn với việc cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, làm cho họ yên tâm, gắn bó với công việc của mình; được thể hiện quyền và trách nhiệm của mình đối với công việc.


Có thể nói, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo làm người là nền tảng để xây dựng, hình thành nên con người có nhân cách, đạo đức hoàn thiện; là thành tố quan trọng  tạo nên sự đoàn kết, gắn bó “lòng dân, ý Đảng, phép nước làm một”. Đó cũng là sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước ta dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, hay bất kỳ thách thức nào./. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét