Những năm qua, trong khi đại đa số Nhân
dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân
chủ, trí tuệ, tích cực tham gia phản biện xã hội với tinh thần xây dựng, giúp
cho Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn,
lãnh đạo và quản lý đất nước hiệu quả, thì vẫn có những đối tượng cố tình lợi dụng
phản biện xã hội để tung ra những quan điểm, luận điệu phản động, sai trái, gây
nhiễu loạn đời sống chính trị-xã hội của đất nước.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội
chính trị đang ra sức hậu thuẫn, kích động các đối tượng trong nước lợi dụng phản
biện xã hội để tập hợp lực lượng chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng
trong xã hội, tạo các lực lượng đối lập. Họ nhân danh phản biện để phản bác, chống
đối các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước
ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam. Họ thường lợi dụng các thời điểm nhạy cảm chính trị của đất nước như trước
và trong quá trình tổ chức đại hội Đảng, các kỳ bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân
dân các cấp hoặc khi diễn ra những sự kiện quốc tế quan trọng; khi Quốc hội,
Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, chương trình, đề án... để lấy
danh nghĩa phản biện xã hội tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Những hoạt động này của các thế lực thù
địch khá đa dạng, song tập trung ở một số thủ đoạn: (1) Lợi dụng internet, mạng
xã hội, lấy danh nghĩa phản biện xã hội để đưa ra những bài nói, bài viết, các
video clip nêu những ý kiến sai lệch về các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết sách cụ thể ở các bộ, ngành, địa
phương; (2) thông qua hình thức gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, các
ngành, các cơ quan, tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước với dụng ý
không lành mạnh; (3) lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các cơ quan báo chí nước
ngoài để nêu quan điểm bằng bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn với nội dung
xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen những hạn chế trong nước, nhất là tình trạng
tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước, hòng làm cho thế giới hiểu sai về
đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam; (4)
khi Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành, địa phương không tiếp nhận những ý
kiến “phản biện” (thực chất là các luận điệu, quan điểm, ý kiến phản động, phá
hoại) thì vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm, đàn áp dân chủ.
Cách đây hơn 11 năm, trong quá trình Đảng,
Nhà nước ta lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo
Hiến pháp năm 2013, một nhóm nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức có tư tưởng bất
mãn, cực đoan chính trị đã tập hợp nhau lại để đưa ra cái gọi là “kiến nghị”
đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Hiến
pháp, với lý lẽ vừa hết sức ngụy biện, vừa suy diễn một cách tùy tiện, vừa công
kích nói xấu Đảng ta.
Hay gần đây, lợi dụng chủ trương góp ý
dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số trang web, blogger đã tham gia “góp ý”
theo kiểu cố ý bẻ cong sự thật, làm cho người dân hiểu sai từ “đất đai thuộc sở
hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thành “đất đai là độc quyền sở hữu
của Nhà nước”, coi đó là cội nguồn của đầu cơ, tham nhũng đất đai. Thậm chí, họ
còn xuyên tạc rằng việc sửa luật như “đẽo cày giữa đường”, “càng sửa càng mù mờ”...
từ đó kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điểm qua một vài ví dụ trên để thấy rằng,
dưới chiêu bài “dân chủ”, lấy danh nghĩa phản biện xã hội, các thế lực thù địch,
chống đối, phản động không từ một thủ đoạn nào để phá hoại đất nước và chế độ
ta. Mục đích của chúng đương nhiên không phải để “góp ý”, giúp cho Đảng, Nhà nước
thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, mà là để phá hoại uy tín của Đảng, Nhà
nước, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ, bất đồng trong nội bộ
Đảng; chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, gây mất ổn định chính trị, phá hoại
khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đi tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ chế độ xã
hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Phản biện xã hội là việc phân tích,
đánh giá, lập luận, tranh luận có tính chất độc lập, khoa học của các lực lượng
xã hội (bao gồm cá nhân hoặc tổ chức) nhằm khẳng định hoặc bác bỏ, hay đề xuất
sửa đổi chủ trương, chính sách, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét,
điều chỉnh cho phù hợp hơn với lợi ích chung của cộng đồng. Xét về bản chất,
phản biện xã hội là một hình thức thể hiện quyền tự do được xây dựng trên cơ sở
quyền tự do ngôn luận. Theo đó, phản biện xã hội chính là quyền bày tỏ ý kiến một
cách có hệ thống và có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ của cá nhân
đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người.
Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Hiến
pháp và pháp luật, nước ta đã cụ thể hóa quyền tham gia phản biện xã hội của các
tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định một số quyền con người, quyền công dân
có nội dung liên quan mật thiết đến phản biện xã hội như quyền được thông tin,
quyền tự do ngôn luận, quyền trưng cầu ý dân, quyền tham gia quản lý nhà nước
và xã hội. Theo đó, Điều 28 quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý
nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các
vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân
tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận,
phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Hiến pháp năm 2013 cũng chính thức ghi
nhận phản biện xã hội với tính chất là một chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam. Quy định này lại tiếp tục được cụ thể hóa tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật năm 2020; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022...
Nhằm làm cho hoạt động phản biện xã hội
thực sự đi vào hiện thực cuộc sống, tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở
trong xã hội, Đảng, Nhà nước ta còn chú trọng quan tâm hoàn thiện các điều kiện
bảo đảm thực hiện phản biện xã hội. Các điều kiện đó là:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống thể chế
minh bạch, dân chủ, ghi nhận đầy đủ các quyền của chủ thể phản biện xã hội (bao
gồm quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia quản lý nhà
nước và xã hội, quyền thực hiện phản biện xã hội...); quy định rõ trách nhiệm
công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước nhằm bảo
đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.
Thứ hai, bảo đảm thực thi quyền tiếp cận
thông tin của người dân, xác định rõ trách nhiệm cung cấp và công khai thông
tin từ phía các cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính; quy định
rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cũng
như có chế tài rõ ràng, cụ thể và nghiêm minh đối với những hành vi che giấu hoặc
từ chối cung cấp thông tin của các cơ quan và công chức nhà nước.
Thứ ba, nâng cao ý thức tôn trọng tự do
ngôn luận, đối thoại, lắng nghe và phản hồi của chủ thể được phản biện, trực
tiếp là các cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước, kết hợp giữa giáo dục với cơ
chế ràng buộc để chủ thể được phản biện không chỉ lắng nghe ý kiến của xã hội
mà còn phải biết tiếp thu, hiện thực hóa nó trong những chính sách cụ thể; xây
dựng cơ chế thông tin hai chiều giữa Nhà nước và công dân.
Thứ tư, nâng cao trình độ dân trí
của cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân
nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm công dân; giúp nhân dân có nhận thức đầy
đủ về nguyên tắc, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành phản biện xã hội...
Những dẫn chứng trên đây đã cho thấy,
phản biện xã hội ở Việt Nam không chỉ kế thừa mà còn có sự bổ sung, phát triển
các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực về dân chủ, tự do ngôn luận nói
chung, về phản biện xã hội nói riêng. Việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các
tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia phản biện xã hội, qua
đó phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một chủ trương, chính sách nhất quán của
Đảng, Nhà nước Việt Nam, được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, trong hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
Phản biện xã hội ở Việt Nam là một
phương thức hữu hiệu để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, là bước phát triển
cao của hình thức dân chủ trực tiếp, thể hiện rõ vai trò chủ thể quyền lực của
nhân dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Người dân có thể sử dụng quyền lực của
mình một cách trực tiếp thông qua việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước,
hoặc kiến nghị, đóng góp ý kiến, phản biện, hoặc trực tiếp tham gia xây dựng
chính sách, pháp luật và biểu quyết khi được trưng cầu ý kiến.
Như vậy, phản biện xã hội ở Việt Nam
không chỉ là con đường, phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của
mình mà còn là để bảo vệ quyền làm chủ của mình; không chỉ là công cụ để nhân
dân kiểm soát quyền lực Nhà nước mà còn để bảo vệ Đảng, Nhà nước. Bản chất tiến
bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa quy định phản biện xã hội ở Việt Nam phải thể hiện
được tính xây dựng, không phải để tạo ra sự xa cách, chia rẽ, đối lập nhân dân
với Đảng, Nhà nước, mà là để nhân dân tiến gần hơn với hoạt động lãnh đạo của Đảng,
quản lý của Nhà nước, làm cho “ý Đảng hợp với lòng dân”, để nhân dân thực thi một
cách trực tiếp, thực chất hơn quyền lực của mình, đồng thời giúp cho Nhà nước
hoàn thành tốt hơn vai trò phục vụ nhân dân. Do đó, mọi âm mưu, hành vi lợi
dụng phản biện xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ phá hoại mối quan hệ
giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải kiên
quyết đấu tranh, bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét