Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

BÁC HỒ “TIẾT KIỆM” ĐI NGỰA

 BÁC HỒ “TIẾT KIỆM” ĐI NGỰA

Những năm kháng chiến chống Pháp từ 12/1946 – 10/1954, Bác Hồ hoạt động ở chiến khu Việt Bắc, chủ yếu là hai tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Trong những chuyến đi công tác xa, ngoài đi bộ, Bác thường đi ngựa. Những năm tháng ấy, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định được giao nhiệm vụ chụp ảnh Bác, nên thường hễ Bác đi công tác đâu là ông được đi theo. Với nhà nhiếp ảnh kiêm nhà báo Đinh Đăng Định, ông coi đó không những là một vinh dự lớn, mà còn là trách nhiệm nặng nề. Ống kính của nghệ sĩ Đinh Đăng Định đã ghi lại rất nhiều tấm ảnh Bác về mọi mặt cuộc sống. Trong đó có mấy chục tấm ảnh Bác đi ngựa, chăm sóc ngựa… Trong một bài hồi ký in trên Báo Lao động xã hội số Tết Ất Hợi năm 1995, ông Đinh Đăng Định cho biết ngay việc đi ngựa là phương tiện vận chuyển thô sơ mà Bác của chúng ta cũng đắn đo khi dùng. Bác chỉ đi ngựa khi đi xa, và thật cần thiết. Ông Đinh Đăng Định kể rằng: “Hồi đầu kháng chiến, ngoài Bác chỉ có đồng chí Tạ Quang Chiến làm bảo vệ và tôi được ưu tiên cưỡi ngựa để tập làm nhiệm vụ trên đường, còn các anh em khác đều đi bộ. Dừng chân ở chỗ cơ quan hậu cần quân đội, anh em mang thóc ra cho ngựa ăn. Bác trông thấy liền hỏi:
- Thóc ở đâu ra nhiều thế? Chúng ta phải để dành gửi ra tiền tuyến chứ.
Làm việc xong trở về nơi ở, Bác bảo đồng chí Chiến:
- Lần sau các chú chiều Bác thì dành cho Bác một con ngựa thôi, còn đi bộ hết. Chú nào mệt, Bác cho cưỡi một lúc, sau lại đến Bác. Bớt được 2 con ngựa là mỗi ngày ta tiết kiệm được hơn chục cân thóc cho tiền tuyến rồi.
Từ đó mỗi lần đi công tác xa, Bác chỉ cho mang theo một con ngựa. Trên đường Người luôn kìm cương cho ngựa đi chậm để anh em theo kịp và thỉnh thoảng Người xuống ngựa đi bộ, để cho những đồng chí mệt cưỡi.
Sau ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954, Bác trở về Hà Nội. Nhớ lại những ngày ở chiến khu, hình ảnh Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác đã được nhà thơ Tố Hữu viết:
“Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lưng đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét