Báo cáo mặc dù đã phản ánh một số thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.
Ngày 29.5 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã công
bố báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023. Trong
bản báo cáo này, EU đã đưa ra một số nhận định, đánh giá không đúng về việc bảo
đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam. Như EU cho rằng, không gian xã hội dân
sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Đồng thời, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho
tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra vào
ngày 6.6 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:
Báo cáo mặc dù đã phản ánh một số thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong
việc bảo vệ quyền con người nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận
định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng
tình hình thực tế ở Việt Nam.
Trong bản báo cáo này, Liên minh Châu Âu đưa ra
những nhận định thiếu khách quan và thiếu thiện chí khi cho rằng: Các nhóm dân
tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo tiếp tục là nạn nhân của sự sách nhiễu của
chính quyền. Báo cáo còn bày tỏ quan ngại về tình hình của những người bảo vệ
nhân quyền, sự siết chặt không gian và môi trường làm việc đối với các tổ chức
xã hội dân sự. Theo PGS.TS Hoàng Hùng Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền Con
người, ở Việt Nam không hình thành mạng lưới những người hoạt động nhân quyền.
Song những người đấu tranh cho nhân quyền, bảo vệ cho nhân quyền nếu đúng thực
sự, thực chất thì luôn được hoan nghênh và ủng hộ. Nhưng lợi dụng vấn đề nhân
quyền để phá hoại sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, cũng như phá hoại việc
bảo đảm thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay thì phải kiên quyết đấu
tranh.
"Ở Việt Nam không hình thành đội ngũ những nhà
hoạt động nhân quyền, mà mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ tích cực thúc
đẩy và bảo đảm quyền con người. Cũng như bao quốc gia khác trên thế giới, Việt
Nam xây dựng hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, chống lại những
hành vi xâm hại quyền con người. Theo đó, mọi hành vi xâm hại quyền con người
phải được xử lý theo đúng pháp luật. Việt Nam ủng hộ các hành vi tôn trọng, bảo
vệ quyền con người. Do vậy, ai đó nói rằng, ở Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động
nhân quyền là bịa đặt, không đúng thực tế, không phù hợp với quá trình bảo đảm
quyền con người ở Việt Nam hiện nay" - PGS.TS Hoàng Hùng Hải nêu quan
điểm.
Nhân quyền là vấn đề mang tính phổ quát của toàn
cầu. Tuy nhiên, với mỗi quốc gia, dân tộc, tùy theo đặc điểm văn hóa, lịch sử
đều có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Việc áp đặt tiêu chí của nước này,
nước kia vào nước khác là không phù hợp và đó cũng là hành vi can thiệp vào
công việc nội bộ của nước khác, không đúng với quy định của Liên hợp quốc.
Chẳng hạn, quyền tự do ngôn luận thì các quốc gia trên thế giới đều có những
quy định rất chặt chẽ. Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí cho mọi công dân. Nhưng các quyền này đều phải nằm trong khuôn
khổ của pháp luật. Không thể dùng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm đến danh
dự, nhân phẩm và uy tín của người khác, không thể có cái gọi là tự do ngôn
luận, tự do báo chí một cách tuyệt đối hay vô hạn độ.
TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng
sản cho rằng: "Không có một nền báo chí nào, dù là của phương Đông hay là
của phương Tây cổ vũ cho cái gọi là tự do vô hạn độ. Không một quốc gia nào
không quản lý báo chí, điều đó tất cả chúng ta đều thấy. Nước Mỹ mệnh danh tự
do như thế, nhưng báo chí thử cổ vũ lật đổ chế độ Mỹ xem, báo chí sẽ không còn
tồn tại. Tôi nói như thế để thấy được rằng, tất cả sự tự do hay dân chủ phải
tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của quốc gia đó quy định".
Còn Đại tá Hoàng Văn Thanh, Viện Khoa học xã hội
nhân văn quân sự phân tích: "Theo luật chung của Anh, tuyên bố nào mà gây
ra thù hận hoặc khinh thường Nữ Hoàng hoặc nếu xúi giục mọi người cố gắng thay
đổi bất kỳ vấn đề nào đó của Nhà thờ, Nhà nước, có thể bị trừng phạt lên đến tù
chung thân hoặc phạt tiền không giới hạn. Tại Pháp, việc phỉ báng Tổng thống
qua các hình thức như diễn thuyết, la hét, đe dọa ở nơi công cộng hoặc tại các
buổi mít tinh công cộng, trên các văn bản, bản in, bản vẽ, huy hiệu quảng cáo,
các phương tiện truyền thông điện tử… thì bị phạt đến là 45 nghìn Euro".
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã thể hiện bằng những
hành động cụ thể thực thi quyền con người theo những công ước mà Việt Nam đã ký
kết. Cụ thể như: Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh;
không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ
đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội. Tính
đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc
về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc
tế. So với nhiều nước, Việt Nam không thua kém về số lượng các công ước đã ký
kết. Ngay cả nước Mỹ hiện nay vẫn là nước duy nhất trên thế giới chưa phê chuẩn
Công ước quốc tế về trẻ em năm 1989. Quốc gia này cũng chưa phê chuẩn Công ước
quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.
Việt Nam đã hai lần trúng cử trở thành thành viên
của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Do vậy, PGS.TS Đặng Dũng Chí, nguyên
Viện trưởng Viện Quyền Con người cho rằng, báo cáo của các quốc gia, tổ chức
liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam một là do thiếu thông tin, hai là do tiếp
cận nguồn thông tin không chính xác. Hoặc cũng có thể do động cơ chính trị nên
cố tình phản ảnh, đánh giá sai lệch về việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
"Kể từ khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô
và Đông Âu sụp đổ, các nước phương Tây giành được thế thượng phong trong tất cả
các vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề dân chủ nhân quyền. Chính vì thế họ
khuyến khích, thúc đẩy luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Họ luôn tố cáo
rằng là Việt Nam không đảm bảo đầy đủ về nhân quyền. Thì đây là một động cơ
chính trị rất rõ. Đó là nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam và
nhằm làm giảm uy tín của Việt Nam trong dư luận quốc tế"- PGS.TS Đặng Dũng
Chí cho hay.
Tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt
Nam theo Cơ chế rà sát định kỳ phổ quát chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên
hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ trong tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại
giao Đỗ Hùng Việt cũng đã khẳng định: Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất
thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng
trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989-2023, GDP bình quân đầu người của
Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ, kể từ năm 1993, hơn 40 triệu
người đã thoát cảnh đói nghèo. Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đại
chúng, Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã giúp tăng cường tự do báo chí, tự
do ngôn luận, và quyền tiếp cận thông tin. Hiện nay, số lượng người sử dụng
Internet ở Việt Nam đã đạt hơn 78 triệu người, mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8%
dân số Việt Nam. Và trên thực tế những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng
quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong
chuyến thăm Việt Nam năm 2022, đã nhấn mạnh rằng, những kết quả mà Việt Nam đạt
được là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam
và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”. Đó cũng là
những hiện thực sinh động phản bác những cáo buộc không đúng của Liên minh Châu
Âu trong bản báo cáo nhân quyền và dân chủ năm 2023 liên quan đến Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét