Giáo điều là những nguyên lý, những quan điểm, nguyên tắc mà con người tiếp thu mù quáng, không cần chứng minh, không có phê phán, không chú ý điều kiện ứng dụng nó. Giáo điều cũng để chỉ tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa lý luận, coi thường, hạ thấp thực tiễn, hoặc áp dụng lý luận mà không tính tới thực tiễn. Có thể phân thành hai dạng: Giáo điều lý luận: Vận dụng lý luận không căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể, vận dụng mà không hiểu bản chất. Giáo điều kinh nghiệm: Vận dụng kinh nghiệm của ngành khác, người khác, địa phương khác, nước khác vào thực tiễn một cách máy móc, không tính tới điều kiện thực tiễn cụ thể. Bệnh giáo điều có thể hiểu là tình trạng nhận thức, hành động giáo điều cả về lý luận và thực tiễn kéo dài trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, cần có các giải pháp để mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng khắc phục hiệu quả những biểu hiện của căn bệnh này. Theo đó cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung,
phát triển lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện
mới của cách mạng Việt Nam. Đến nay, điều kiện lịch sử, bối cảnh, thế và lực
của đất nước ta đã có sự thay đổi, phát triển hơn nhiều. Chính vì vậy, trên cơ
sở lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ
nam cho mọi hành động, Đảng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn
để làm sáng tỏ, bổ sung phát triển lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh trong bối cảnh mới. Kết quả tổng kết và những bài học kinh nghiệm sẽ là
luận cứ để định hướng hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng sát
với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời làm cơ sở để tổ chức đảng, đảng
viên các cấp nghiên cứu quán triệt, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hoạt động
của bộ, ngành, tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị mình.
Hai là, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy tinh thần "7
dám" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc thúc đẩy tinh thần "7
dám", nhất là tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của người cán bộ chủ
trì, đứng đầu rất cần có cơ chế để quản lý, định hướng, bảo vệ cán bộ. Cơ chế
ấy phải được thể chế hóa thành pháp luật, để vừa thông thoáng, mở ra hành lang
đủ rộng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy cao nhất tinh thần "7
dám", nhưng vẫn đúng pháp luật để cán bộ, đảng viên tránh được những vướng
mắc, sai phạm.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Hồ
Chí Minh về tính thực tiễn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phong cách
thực tiễn của Người thể hiện sâu sắc nhất ở chỗ không áp dụng máy móc, giáo
điều mà luôn đứng trên mảnh đất hiện thực cách mạng Việt Nam, văn hóa, con
người Việt Nam để nghiên cứu, bảo vệ, phát triển, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm chắc, hiểu sâu chức trách nhiệm vụ, đi sâu đi sát
thực tiễn, rèn luyện phương pháp tác phong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể,
bảo đảm tính khoa học, hiệu quả.
Bốn là, tạo đột phá trong đào tạo bồi dưỡng gắn với rèn
luyện thử thách đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng. Đây được xác định là khâu đột
phá bởi người cán bộ bên cạnh được đào tạo cơ bản về kiến thức, bồi dưỡng kỹ
năng lãnh đạo, chỉ đạo còn cần được trải qua thử thách, rèn luyện trong thực
tiễn. Thực tiễn công tác càng nhiều, càng dày thì càng giúp cho kinh nghiệm
lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ, đảng viên hiệu quả, sát thực tế, tránh được duy ý
chí, giáo điều, máy móc.
Năm là, phát huy dân chủ trong phản biện chính sách, nhất là đối
với người đứng đầu ở tất cả các cấp. Cần phát huy dân chủ rộng rãi trong
phản biện chính sách, dân chủ phải được thực hiện ngay trong nội bộ tổ chức
đảng, nội bộ cơ quan, đơn vị. Đối với người đứng đầu địa phương còn phải làm
tốt công tác vận hành hệ thống phản biện xã hội để phản hồi thông tin từ thực
tiễn thực thi các quyết sách, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa
phương các cấp, thông qua đó giúp cấp ủy, bí thư, người đứng đầu có cái nhìn
toàn diện về hiệu quả thực thi chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập để
điều chỉnh.
Bệnh giáo điều mới trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn đề
cần được nhận diện và có định hướng khắc phục. Trong đó trọng tâm là tiếp tục
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, đồng thời hoàn thiện cơ chế thúc đẩy tinh thần "7 dám" trong
đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đó là cách thiết thực để bảo
vệ, bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình
hình mới, bảo đảm được vai trò, sứ mệnh của Đảng và từng cán bộ, đảng viên
trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét