Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

BÌNH ĐẲNG GIỚI - HIỆU QUẢ THIẾT THỰC TRONG XÂY DỰNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VỮNG MẠNH

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) và bình đẳng giới (BĐG). Phụ nữ nói chung, phụ nữ Quân đội nói riêng đã, đang thụ hưởng nhiều hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống gia đình. Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên, nhiệm vụ CTĐ, CTCT của LLVT Quân khu 3, hằng năm, Ban VSTBCPN Quân khu đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch Hành động VSTBCPN và BĐG trong LLVT Quân khu giai đoạn 2021 - 2025, tạo hiệu ứng tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Bài 1: Chủ trương sát đúng, triển khai quyết liệt. Quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác VSTBCPN và BĐG, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, yêu cầu cơ quan, đơn vị, nhất là ban VSTBCPN, hội phụ nữ các cấp quán triệt, triển khai, phối hợp thực hiện hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt. Vì thế, quyền, lợi ích, vị thế phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị trong Quân khu ngày càng được nâng cao. Quán triệt sâu sắc, chỉ đạo sát địa bàn: LLVT Quân khu 3 đóng quân trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố; địa bàn có gần 13 triệu người, 43 dân tộc sinh sống. Phong tục, tập quán ở một số địa phương, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số còn nặng thành kiến, định kiến với vai trò, vị trí của phụ nữ và cho rằng phụ nữ là “công dân loại hai”. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn trong một bộ phận người dân. Trong cơ quan, đơn vị, tư tưởng phụ nữ là “phái yếu”, “chân yếu, tay mềm” không làm được việc lớn, nặng nhọc, nguy hiểm hay lãnh đạo, quản lý vẫn còn ở một số quân nhân. Hiện nay, LLVT Quân khu có gần 15 nghìn quân nhân nam, 2 nghìn quân nhân nữ đã lập gia đình, công tác ở hầu hết các đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thực hiện nhiệm vụ đa dạng, trong điều kiện khó khăn về kinh tế, môi trường, giao thông, y tế, tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, một số phần tử cơ hội chính trị cấu kết với các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề BĐG công kích, nói xấu chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước. Vì thế, nhận thức về BĐG, VSTBCPN của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức quốc phòng, công nhân và người lao động ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, bởi lẽ, hầu hết họ là con em của nhân dân địa phương trên địa bàn Quân khu. Khắc phục tình trạng này, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu thống nhất triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện BĐG. Theo Thiếu tướng Bùi Công Chức, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó chính ủy, Trưởng Ban VSTBCPN Quân khu 3 thì Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu xác định BĐG, VSTBCPN cần tập trung thực hiện 6 mục tiêu, ở các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế, sức khỏe; giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; thông tin truyền thông. Theo đó, Ban VSTBCPN Quân khu tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cán bộ ban VSTBCPN, hội phụ nữ các cấp về BĐG. Đội ngũ này trực tiếp nghiên cứu đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành chủ trương lãnh đạo; giải pháp, biện pháp và kế hoạch hành động ở từng cơ quan, đơn vị. Để phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ này trong thực hiện BĐG, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về công tác phụ nữ và BĐG, tập trung vào Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 24/7/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết của Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030”… gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về giới, VSTBCPN và BĐG... Qua đó, đội ngũ này đã nhận thức đúng hơn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm thực hiện BĐG. Khi xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác và chương trình hành động VSTBCPN và BĐG năm, quý và hằng tháng, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, ban VSTBCPN, hội phụ nữ cơ quan, đơn vị không những xác định rõ mục tiêu, mà còn cụ thể hóa thành các giải pháp, biện pháp thực hiện có tính khả thi cao. Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, Ban VSTBCPN, hội phụ nữ các cấp chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với đặc điểm, điều kiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn. Để công tác này hoạt động ngày càng hiệu quả, các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn tổ chức, hội phụ nữ cấp mình, đặc biệt là Ban VSTBCPN Quân khu[1]. Hằng năm, nhất là trước kỳ đại hội, thực hiện tốt công tác nhân sự, lựa chọn những đồng chí có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; nuôi, dạy con ngoan, học giỏi; gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa… bổ sung vào ban chấp hành phụ nữ các cấp. Sự vào cuộc quyết liệt: Quán triệt sự chỉ đạo của thủ trưởng Tổng Cục Chính trị, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, thường trực 9 tỉnh, thành ủy về chương trình phối hợp hoạt động với hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) địa phương. Để nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động, Bộ tư lệnh Quân khu xác định tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, chỉ huy các cấp tích cực chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu với Hội LHPN các tỉnh, thành phố trên địa bàn bảo đảm sát thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là hoạt động phối hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, phối hợp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy quyền làm chủ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thông qua hoạt động phối hợp tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, trực tiếp nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao[2]. Đồng chí Trần Thị Thoan, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Bình Liêu là huyện miền núi, với 96% người dân là dân tộc thiểu số. Hằng năm, ngay từ đầu năm, Hội LHPN và Ban CHQS huyện tổ chức ký kết thực hiện các nội dung như: Phối hợp tuyên truyền, vận động giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, hội viên, phụ nữ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; thực hiện chính sách an sinh xã hội và hậu phương quân đội… Năm 2023, Hội LHPN, Ban CHQS huyện Bình Liêu và Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đã phối hợp mở 02 lớp tập huấn tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới gắn với thực hiện xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; tặng 181 suất quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu về công tác phụ nữ, VSTBCPN và BĐG, nhận thức về giới của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu, nhất là lực lượng trẻ chuyển biến tích cực. Tư tưởng ở hầu hết quân nhân nam là tôn trọng, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quân nhân nữ; tin tưởng vào vị trí, vai trò của quân nhân nữ trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, kể cả nhiệm vụ khó khăn, vất vả trước đây đương nhiên thuộc về nam giới. Những kết quả đó cần được tuyên truyền, phổ biến lan tỏa đến các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn đóng quân, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./. Minh Thiện-Mạnh Dũng-Nguyễn Trường [1]- Tính đến tháng 4/2024, Quân khu có 26 Ban VSTBCPN; trong đó, cấp cơ sở có 04 ban; tổng quân số nữ hơn 1.700 đ/c, trong đó: sĩ quan gần 70 đ/c; quân nhân chuyên nghiệp hơn 1.300 đ/c; công nhân, viên chức quốc phòng khoảng 60 đ/c. [2]- Từ năm 2018 đến 2022, phối hợp viết, đăng tải 1.375 tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên báo, đài Trung ương, địa phương và Cổng thông tin điện tử; treo, dán hơn 1.000 băng rôn, khẩu hiệu, hơn 4.000 tờ rơi, pa nô, áp phích các loại tuyên truyền về nhiệm vụ QP, QSĐP; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không sinh con dưới 18 tuổi… tới người dân và cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét