Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

BÌNH ĐẲNG GIỚI - HIỆU QUẢ TÍCH CỰC TRONG XÂY DỰNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VỮNG MẠNH (tiếp theo và hết)

Bài 3: Lan tỏa nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo: Những năm qua, công tác hội và phong trào phụ nữ trong LLVT Quân khu 3 luôn được triển khai toàn diện, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm và ghi được nhiều dấu ấn quan trọng. Điều này được khẳng định thông qua các phong trào, mô hình hoạt động hiệu quả liên tục trong thời gian dài của phụ nữ, không chỉ cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, làm tròn thiên chức người “giữ lửa” gia đình mà còn nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về BĐG và VSTBCPN trong LLVT Quân khu. Tìm hiểu thực tiễn tại Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh Hà Nam, chúng tôi ấn tượng với Chương trình “Nồi cháo tình thương”. Để thực hiện chương trình, các chị em sẽ tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để cùng nhau đi chợ mua thực phẩm, nấu cháo, sau đó mang đến phát cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Theo như chia sẻ của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Hà Nam thì, chương trình được chị em trong hội triển khai từ nhiều năm nay. Toàn bộ chi phí mua thực phẩm nấu cháo do chị em trong hội tình nguyện đóng góp. Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh Hà Nam có số lượng hội viên ít, cộng thêm công việc bận rộn nên mỗi tháng, hội chỉ có thể tổ chức được khoảng 3 đến 4 đợt phát cháo thiện nguyện với số lượng mỗi lần phát từ 200 đến 300 suất cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chị Hương chia sẻ: “Mong muốn của chị em trong hội là thông qua chương trình này giúp các bệnh nhân nhân có hoàn cảnh khó khăn giảm được một phần chi phí điều trị tại bệnh viện; động viên, tiếp thêm nghị lực để người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật, sớm khỏe mạnh về với gia đình”. Còn tại Sư đoàn 395 (Quân khu 3), mô hình “Tổ Phụ nữ tiết kiệm” cũng đang được Hội Phụ nữ Cơ quan Sư đoàn duy trì triển khai hiệu quả trong nhiều năm nay. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá QNCN Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Cơ quan Sư đoàn 395 cho biết: Thực hiện mô hình, sau mỗi buổi sinh hoạt Hội, các chị em sẽ tình nguyện bỏ tiền vào “Hòm tiết kiệm”. Người có nhiều góp nhiều, người có ít đóng góp ít. Số tiền đóng góp được sẽ công khai để tất cả mọi người cùng nắm, sau đó cho các chị em vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên những đồng chí hoàn cảnh khó khăn, mới lập gia đình. Ngoài ra, những hội viên cần tiền giải quyết công việc như chữa bệnh cho người thân hoặc xây nhà đều được Hội cho vay với những mức khác nhau. Số tiền cho vay tuy chưa nhiều nhưng đã giúp các chị em giải quyết được công việc cần thiết trước mắt, có thêm điều kiện, động lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, hoạt động trên còn thể hiện tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách”, qua đó xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các hội viên. Là đơn vị có số lượng hội viên phụ nữ đông nên năm 2013, Hội Phụ nữ Lữ đoàn 603 được Quân khu 3 lựa chọn để triển khai mô hình “Gia đình quân nhân kiểu mẫu” nhằm thực hiện tốt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” do trên phát động. Sau hơn 10 năm triển khai, mô hình “Gia đình quân nhân kiểu mẫu” đã góp phần quan trọng giúp các chị em trong đơn vị thực hiện tốt thiên chức người vợ, người mẹ, qua đó “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Thiếu tá QNCN Trịnh Thị Phương Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Lữ đoàn 603 chia sẻ: “Thực hiện mô hình, chúng tôi chọn một số gia đình có nhiều thế hệ là cán bộ, đảng viên để xây dựng mô hình “gia đình truyền thống” và một số gia đình có cả vợ và chồng đều là quân nhân để xây dựng mô hình “gia đình tiêu biểu”. Từ kết quả thực hiện hai mô hình hình trên, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm cho chị em cách “giữ lửa” hạnh phúc, chăm sóc con cái… Nhờ đó mà nhiều năm qua, các thành viên trong gia đình nữ quân nhân của đơn vị không mắc tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3, không có hộ nghèo; hiện tượng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng không còn; 100% gia đình đạt gia đình văn hóa”. Mặc dù chỉ chiếm hơn 6% quân số, phân tán nhỏ lẻ ở các cơ quan, đơn vị và làm nhiều công việc khác nhau, nhưng thời gian qua công tác hội và phong trào phụ nữ trong LLVT Quân khu 3 luôn được các cấp hội triển khai nền nếp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong hoạt động phụ nữ được triển khai ở các cấp hội, trong đó tập trung hướng đến giúp cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm như: Hội phụ nữ thuộc đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ có các mô hình “Ca trực kiểu mẫu, kíp trực an toàn”, “Trạm thông tin 4 tốt”, “Bát nước thao trường”; ở cơ quan, đơn vị làm công tác phục vụ có mô hình “Quản lý tốt, cấp phát nhanh”, “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt”, “Bếp ăn phụ nữ tự quản”; tại các kho, trạm, xưởng có mô hình “Kho gọn gàng ngăn nắp”, “Kho phụ nữ tự quản”; hay các mô hình “Buồng bệnh kiểu mẫu”, “Buồng bệnh Đặng Thùy Trâm” của phụ nữ công tác ở bệnh viện, bệnh xá. Đại tá Hà Quốc Trịnh, Trưởng phòng Công tác Quần chúng (Cục Chính trị Quân khu 3) cho biết thêm: Chị em phụ nữ chủ yếu làm chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong số đó có những chị em công tác ở đơn vị chủ lực, làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ công việc luôn bận rộn, một số làm việc trong môi trường độc hại như kho, xưởng sửa chữa, bảo quản... Tuy nhiên, ở cương vị nào, làm nhiệm vụ gì, các chị em cũng luôn nỗ lực hết mình để không thua kém các nam quân nhân. Thậm chí, nhiều hoạt động phong trào của chị em còn được triển khai sôi nổi như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dân vận, kết nghĩa, làm thiện nguyện… Điều này đã góp phần giúp vào các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thông qua đây giúp chị em tự khẳng định mình, đồng thời hoàn thành tốt 6 mục tiêu BĐG và VSTBCPN mà Ban VSTBPN Quân khu đã xác định. Cùng với triển khai nhiều phong trào, mô hình nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, phụ nữ LLVT Quân khu 3 còn quan tâm chăm lo xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Các tổ chức hội đã triển khai nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc cho các hội viên, đặc biệt là những hội viên trẻ tuổi. Qua đó giúp chị em biết điều chỉnh phương pháp, đổi mới cách giáo dục con cái, nâng cao chất lượng cuộc sống hôn nhân. Nhiều mô hình đang được duy trì, nhân rộng như: Câu lạc bộ “Gia đình quân nhân kiểu mẫu”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Tổng kết hằng năm có 98,5% trở lên gia đình nữ quân nhân trong LLVT Quân khu đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch” và danh hiệu “Gia đình Văn hóa”. Trước thực tế một số chị em phụ nữ trong LLVT Quân khu 3 có hoàn cảnh khó khăn, nhằm chia sẻ, giúp đỡ các chị em ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, các hội phụ nữ cơ sở đã triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Heo vàng ấm áp”. Theo Thiếu tá Vũ Thị Phương Lan, Trợ lý Phụ nữ Phòng Công tác Quần Chúng (Cục Chính trị Quân khu 3) thì, chỉ tính trong 5 năm gần đây, các hội phụ nữ đã giúp gần 200 lượt gia đình hội viên được vay vốn với tổng số tiền hơn 1tỷ đồng; tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị vận động hỗ trợ xây dựng được hơn 10 nhà “mái ấm đồng đội”. Hằng năm, các cấp hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà hội viên hiếm muộn, mắc bệnh hiểm nghèo...; góp phần giảm tỷ lệ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong LLVT Quân khu còn dưới 1%. Để công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ Quân khu 3 tiếp tục đi vào chiều sâu, các hội phụ nữ cơ sở đã chủ động phối hợp với các tổ chức quần chúng trong đơn vị và địa phương nơi đóng quân đẩy mạnh hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thu hút đông đảo hội viên tham gia, hướng hoạt động vào thực hiện hiệu quả công tác dân vận, chính sách, nhân đạo, từ thiện, bảo vệ môi trường, tham gia các phong trào, cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Hội LHPN Việt Nam và đơn vị, địa phương tổ chức, như phong trào: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương và trẻ em nghèo vùng cao”, “Nói không với rác thải nhựa”. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, hằng năm, phụ nữ LLVT Quân khu 3 đã tích cực phối hợp tham gia hỗ trợ ngày công lao động, quyên góp tiền để cải tạo đường giao thông nông thôn, khu phố và thực hiện các hoạt động chính sách xã hội trên địa bàn; phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, gia đình thuộc diện chính sách. Các hoạt động trên được cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá rất cao, góp phần lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Có thể khẳng định, các phong trào, mô hình hoạt động của phụ nữ LLVT Quân khu 3 đã để lại dấu ấn đậm nét, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; giúp chị em ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình và xã hội; góp phần tỏa sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ LLVT Quân khu 3 thời kỳ mới./. Minh Thiện-Mạnh Dũng-Nguyễn Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét