Một số nước phương Tây tuyệt đối hóa tính phổ biến, phổ quát của
quyền con người, phủ định hoặc cố tình “lờ đi” tính đặc thù của quyền con
người, ra sức cổ vũ cho cái gọi là “quyền con người không có biên giới quốc
gia”, “nhân quyền phổ biến chỉ có một, bất kỳ quốc gia nào cũng đều cần phải
tuân thủ tiêu chuẩn thống nhất về quyền con người”. Không chỉ dừng lại ở việc
nêu lên quan điểm, một số nước phương Tây còn dựa trên “tiêu chuẩn” chủ quan
của mình để kêu gọi việc thiết lập cơ chế cần thiết nhằm đánh giá việc thực
hiện quyền con người của nước khác. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ đã ra nghị quyết yêu
cầu Chính phủ Mỹ hằng năm phải đệ trình báo cáo tình hình nhân quyền của các
nước trên thế giới. Trước tiên, cần khẳng định rằng, quyền con người là một
trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế hiện nay. Tuy
nhiên, dù vấn đề quyền con người có tính phổ biến, có điểm chung ở mức độ nhất
định, nhưng không thể coi nhẹ hoặc phủ nhận tính đặc thù của nó. Mặt khác, cơ
chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người cũng không được vượt qua chủ
quyền quốc gia. Quan điểm “quyền con người không có biên giới quốc gia” là phi
lý, cần phải đấu tranh, bác bỏ, sở dĩ như vậy là vì:
Một là, các nước phương Tây đưa ra tiêu chuẩn phổ biến về quyền con
người là không hiện thực, thậm chí là lừa bịp. Sự phát triển và cải thiện về
quyền con người luôn tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể ở từng quốc gia - dân
tộc. Do sự khác nhau về điều kiện của từng quốc gia nên không thể có tiêu chuẩn
thống nhất về quyền con người mà các quốc gia cần phải tuân thủ. Cho đến nay
vẫn chưa có tiêu chuẩn về quyền con người được quốc tế công nhận. Ngay kể cả
đối với khái niệm hoặc định nghĩa về quyền con người, giới nghiên cứu pháp luật
nói chung, pháp luật quốc tế nói riêng cũng chưa đưa ra được một định nghĩa
thống nhất.
Hai là, nguyên tắc tính phổ biến của quyền con người cần được quy chiếu
với điều kiện cụ thể và thực tiễn của từng nước nhằm bảo đảm kết hợp hài hòa
giữa tính phổ biến và tính đặc thù. Những quan điểm và nội dung cốt lõi về
quyền con người mà cộng đồng quốc tế thừa nhận và có sự đồng thuận là điều
chúng ta cần tôn trọng, nhất là khi điều này có ý nghĩa tích cực đối với việc
phát triển con người. Chúng ta không phủ nhận giá trị phổ biến về quyền con
người, nhưng điều kiện, tình hình của từng nước rất khác nhau, việc thực hiện
quyền con người không thể tránh khỏi sự chế ước của điều kiện kinh tế - xã hội.
Việc nhìn nhận thực trạng quyền con người của một quốc gia cần phải theo quan
điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển, không được coi nhẹ đặc điểm khác
nhau giữa các quốc gia, không lấy tiêu chuẩn và giá trị của nước mình áp đặt
cho nước khác. Trên thực tế, Việt Nam đã kết hợp tốt nguyên tắc tính phổ biến
và tính đặc thù về vấn đề quyền con người. Điều này thể hiện rõ nét ở việc Việt
Nam tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người.
Ba là, quyền con người bị giới hạn bởi chủ quyền quốc gia và pháp luật
quốc gia. Một số hành vi ảnh hưởng đến hòa bình của thế giới và không có lợi
cho việc bảo đảm quyền con người, như khủng bố quốc tế, xâm lược vũ trang, đe
dọa môi trường sinh thái,... cần phải bị lên án và đấu tranh, cộng đồng quốc tế
cần sử dụng biện pháp tích cực để ngăn chặn. Tuy nhiên về bản chất, quyền con
người là một vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, cần phải được bảo đảm bởi pháp
luật quốc gia. Do vậy, chỉ khi thông qua pháp luật và nghĩa vụ quốc gia thì các
điều ước quốc tế về quyền con người mới có thể thực hiện hiệu quả.
Bốn là, cơ chế bảo vệ của quốc tế về quyền con người được thực hiện với
điều kiện và phạm vi nhất định. Một số nước phương Tây nỗ lực đưa vấn đề quyền
con người vào các cơ chế của quan hệ quốc tế, hơn nữa đưa ra luận điệu “không
can thiệp vào nội bộ là không thích hợp với vấn đề quyền con người”,... chính
là biểu hiện điển hình của chính trị cường quyền. Hiến chương Liên hợp quốc chỉ
đưa ra những nguyên tắc thông thường nhằm thúc đẩy chính phủ các nước không
ngừng cải thiện quyền con người, mà không đưa ra nghĩa vụ mang tính chế ước đối
với các nước thành viên; đồng thời, quy định rõ nếu chưa được sự trao quyền của
Liên hợp quốc thì bất cứ quốc gia thành viên nào cũng không được nhân danh
quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Điều đó cho
thấy, việc một số nước phương Tây tự ý đưa ra tiêu chuẩn nhân quyền, rồi mưu
toan sử dụng sức ép quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác là
không thể chấp nhận được.
Năm là, hợp tác quốc tế về quyền con người chỉ được thực hiện dựa trên
nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các nước, không can thiệp vào công việc nội
bộ cũng như thông qua cơ chế đối thoại. Phát triển và thúc đẩy quyền con người
một cách đầy đủ là mong muốn của cộng đồng quốc tế hiện nay. Việc hợp tác và
đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu
cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn
trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì
mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.
Sáu là, chỉ khi kết hợp đồng thời giữa thúc đẩy quyền con người với duy
trì hòa bình trên thế giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội mới có thể đạt
được tiến bộ thực chất trên lĩnh vực quyền con người. Không có môi trường quốc
tế hòa bình, ổn định, không có một trật tự kinh tế quốc tế hợp lý, công bằng
thì không thể thực hiện được quyền con người phổ biến.
Bảy là, sự khác nhau giữa lời nói và việc làm trên lĩnh vực quyền con
người của Mỹ. Mỹ tự cho mình cái quyền đánh giá, chỉ trích mức độ bảo đảm quyền
con người của các nước khác, song chính nội bộ nước Mỹ lại tồn tại những vấn đề
nghiêm trọng về quyền con người. Đơn cử như, năm 2021, ở Mỹ đã xảy ra 693 vụ xả
súng (tăng 10,1% so với năm 2020), khiến hơn 44.000 người thiệt mạng. Cũng
trong năm 2021, 9 tiểu bang của Mỹ đã đề xuất hơn 420 dự luật nhằm hạn chế việc
bỏ phiếu của cử tri; chỉ 7% thanh niên Mỹ tin rằng hệ thống dân chủ Mỹ vẫn
“lành mạnh”. Tại biên giới phía Nam, Mỹ đã giam giữ hơn 1,7 triệu người nhập
cư, trong đó có 45.000 trẻ em(4). Một
mặt, Mỹ nhấn mạnh tính phổ biến của quyền con người; mặt khác,
Mỹ lại từ chối ký kết và tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người,
như Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước xóa bỏ
mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước của Liên hợp quốc về quyền
trẻ em, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật...
Tám là, việc các nước phương Tây nhấn mạnh cái gọi là “quyền con người
không có biên giới quốc gia” thực chất là nhằm phục vụ lợi ích kinh tế, chính
trị của các nước phương Tây. Quan điểm này không có giá trị gì cho việc thúc
đẩy quyền con người ở trên thế giới, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét