Sáng 27-5, khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Châu Chắc (đoàn An Giang) đề xuất nam quân nhân đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, nữ đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì được hưởng chế độ lương hưu 45%.
Đại biểu cho biết: Qua triển khai, tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, có nhiều ý kiến về chế độ hưu trí liên quan đến quân nhân. Đó là từ năm 2022 trở đi, lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội đủ 35 năm, nữ tham gia bảo hiểm xã hội đủ 30 năm mới được hưởng lương hưu mức tối đa là 75%.
Đại biểu Châu Chắc nêu rõ: Xuất phát từ tính chất đặc thù của hoạt động quân sự (thời gian sử dụng ngắn, tiện dụng khó, hoạt động khó, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt…), các đối tượng phục vụ trong Quân đội cần đáp ứng các yêu cầu cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như yêu cầu khắt khe về tuổi đời, sức khỏe; đặc biệt ở nhóm đối tượng thực hiện nhiệm vụ ở một số chuyên ngành, lĩnh vực đặc thù như: Đặc công, Phòng không - Không quân, Hải quân, Hóa học, Tăng thiết giáp, Radar, tàu ngầm…
"Có những lĩnh vực chỉ sử dụng đến không quá 40 tuổi; ví dụ chiến đấu viên đặc công hay thủy thủ tàu ngầm", đại biểu Châu Chắc nêu thực tế.
Mặt khác, đại biểu cũng dẫn chứng quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng cho thấy: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan cấp úy là 46 tuổi, cấp Thiếu tá là 49 tuổi, cấp Trung tá là 51 tuổi, cấp úy QNCN là 52 tuổi… Khi hết tuổi phục vụ, nếu nhóm đối tượng này không được bố trí thêm nhiệm vụ hoặc không được điều động vào vị trí có trần quân hàm cao hơn thì phải nghỉ chế độ hưu để tuyển chọn, bổ sung lực lượng mới thay thế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Theo quy định về cách thức, mức hưởng lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và quy định tại Điều 70 của dự thảo luật lần này, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì nam phải có đủ 35 năm công tác đóng bảo hiểm xã hội, nữ phải đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Do đó, đại biểu Châu Chắc cho rằng, nhóm đối tượng đã nêu ở trên khi nghỉ hưu sẽ có mức lương hưu thấp, không đạt mức tối đa 75% do thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ.
"Thực tiễn áp dụng, quy định, cách thức, mức hưởng lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thời gian vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu của các đối tượng, tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống của người hưởng lương và gia đình, hậu phương của họ, nhất là hậu phương trong Quân đội, làm giảm sức thu hút nguồn nhân lực công tác trong Quân đội, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng Quân đội theo nghị quyết của Đảng", đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết thêm, những nhóm đối tượng này thường sống xa gia đình, đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sinh hoạt khó khăn.
Từ những phân tích trên, đại biểu Châu Chắc đề nghị, để tiếp tục thể hiện sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội với Quân đội, phù hợp với đặc thù quân sự thì cần xem xét bổ sung một khoản vào Điều 70 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này.
Đó là: Đối với đặc thù của Quân đội, quy định nam 20 năm, nữ 15 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng chế độ lương hưu ở mức 45%. Từ năm thứ 21 trở đi đối với nam và năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3% đến tối đa là 75%.
Trường hợp không quy định như trên thì dự thảo luật cần quy định nội dung này tại Điều 70 và giao Chính phủ quy định chi tiết./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét