Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Cần, Kiệm, Liêm, Chính - Chuẩn mực đầu tiên của người công an nhân dân.

 Công an nhân dân (CAND) là công cụ chuyên chính trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có vai trò to lớn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam; tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn an toàn, trật tự xã hội và trực tiếp đấu tranh với các thế lực phản động, bọn tội phạm. Là lực lượng thể hiện sức mạnh, uy tín của Nhà nước, CAND phải hoạt động trong nền văn hóa chính trị nên phải có văn hóa xã hội và văn hóa công vụ.

Văn hóa chính trị của CAND là văn hóa thực thi, duy trì, bảo vệ và phát triển quyền lực nhà nước, được quy định trong một thể chế chính trị nhất định, nhằm quản lý, điều hành, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Văn hóa chính trị CAND được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, là một bộ phận quan trọng của văn hóa xã hội, văn hóa chính trị và văn hóa công vụ Việt Nam, là sản phẩm của sự tích hợp, kế thừa, phát triển văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam.

Ngày 11-3-1948, trong thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người công an nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ phẩm chất đạo đức đầu tiên của người công an là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Đó là giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị CAND, mang tính cách mạng, nhân văn sâu sắc, vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng và phát huy những giá trị của văn hóa chính trị là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho lực lượng CAND làm tròn nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bản chất của văn hóa chính trị là văn hóa người cán bộ, công chức, làm người thực thi và bảo vệ pháp luật. Những giá trị văn hóa chính trị được lực lượng CAND xây dựng và vun đắp, phát triển qua nhiều thế hệ, tạo dựng nên sức mạnh, hun đúc thành bản lĩnh và ý chí. Đó chính là cái căn bản để mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của mình trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước. “Cần” tức là “siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”(1). Nghĩa là “làm việc phải cần cù siêng năng, chớ lười biếng; chớ ăn thật làm dối”. Là “phải tìm mọi cách để ít người mà làm được nhiều việc”(2). Cần có nghĩa “làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai”(3). Cần tức là “tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công việc gì”(4).

Như vậy, với tự mình và với công việc để thực hiện “cần” đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND phải làm việc một cách thận trọng, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm và tỉnh táo, phải xây dựng một ý chí vững chắc, không ngại khó khăn gian khổ.

Công an là công cụ bạo lực trọng yếu của cách mạng phải đấu tranh với kẻ thù nguy hiểm có nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm, tinh vi và xảo quyệt. Do vậy, phải luôn đề cao cảnh giác trước mọi vấn đề có thể gây tác hại tới lợi ích của đất nước và nhân dân.

Công tác công an lại không có giới hạn phạm vi, không gian và thời gian cụ thể, hoạt động trong điều kiện thiếu thông tin hoặc thiếu cơ sở vững chắc. Hơn nữa, công tác công an liên quan đến đường lối, chính sách lớn của Đảng, các quy định, pháp luật của Nhà nước, liên quan đến an ninh quốc gia và sinh mạng chính trị của nhân dân. Do vậy, lực lượng CAND chỉ một phút xao lãng, lơ là mất cảnh giác có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, những thiệt hại to lớn khôn lường, làm tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Kiệm” là một phẩm chất của cán bộ, chiến sỹ CAND, đó “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(5). Đây là nguyên lý, phương châm đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ phải thấu hiểu và thực hành thường xuyên trong cuộc sống và công tác.

Để thực hành tiết kiệm, cán bộ, chiến sỹ CAND phải xây dựng chế độ, chương trình, lề lối làm việc khẩn trương, khoa học, chính xác, thiết thực và có hiệu quả, phải rèn luyện ý thức kỷ luật, đề cao tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, phải kiên quyết chống tệ quan liêu, hành chính, giấy tờ.

Liêm là “trong sạch, không tham lam”(6). Xưa kia, những người làm quan không đục khoét dân thì gọi là liêm. Ngày nay, đối với cán bộ, chiến sỹ CAND, chữ liêm có nghĩa rộng hơn, mọi người đều phải liêm. Liêm tức là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm tài sản của Nhà nước, của nhân dân, “Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(7).

Thanh liêm có nghĩa là trong sáng, trong sạch từ trong lòng, trong tâm hồn của người công an, không để cho lòng, tâm hồn của mỗi cán bộ, chiến sỹ bị những dục vọng nhỏ nhen, đen tối làm vẩn đục. Muốn giữ cho mình liêm khiết, người cán bộ, chiến sỹ công an phải có nghị lực làm chủ bản thân rất lớn, không bị cám dỗ, dao động bởi vật chất và những quyền lợi cá nhân khác. Công an liêm khiết phải nắm rõ pháp luật, tuân thủ pháp luật, cần phải nhận thức rõ lợi ích cá nhân của mình hài hoà trong lợi ích tập thể, không xâm phạm đến “cái kim, sợi chỉ” của dân, không làm những điều phi đạo lý, phi pháp, sống trong sạch, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với truyền thống của lực lượng CAND, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đơn vị và nhân dân.

Liêm khiết là một yêu cầu, đặc trưng của văn hóa chính trị, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ. Yêu cầu đó dựa trên lòng tự trọng và giữ gìn tư cách, đạo đức của người CAND. Liêm khiết của mỗi cán bộ, chiến sỹ còn được thể hiện ở việc “làm theo chức năng, nhiệm vụ, hưởng theo sự cống hiến”, sống bằng thu nhập chính đáng trên cơ sở lao động của mình bỏ ra. Lực lượng công an phải làm việc trung thực, không vì tiền tài, vật chất mà bóp méo sự thật, phải chống những biểu hiện không làm mà hưởng, làm ít mà đòi hưởng nhiều, kiên quyết từ chối những nguồn thu nhập bất chính, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện móc ngoặc, tham ô, hối lộ. Là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, để nhân dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và lực lượng chấp pháp, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải đấu tranh chống tham nhũng, và đấu tranh ở ngay chính trong nội bộ của mình.

Trong cơ chế thị trường, cán bộ, chiến sỹ công an là những người bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân, thường xuyên phải thâm nhập vào các môi trường xã hội phức tạp, luôn tiếp xúc với những mặt trái của xã hội, thường xuyên phải chịu những tác động tiêu cực, cám dỗ. Để giữ vững tư cách người chiến sỹ CAND, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải rèn luyện cho mình đức tính liêm. Đó chính là “kháng thể” của người công an mới có thể vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực, những cám dỗ vật chất, mới hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của nhân dân, xứng đáng với danh hiệu CAND Việt Nam.

Chính “Nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn tức là tà”(8). Chính là “việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh”(9).

Là cán bộ, chiến sỹ CAND phải tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải, đấu tranh cho lẽ phải. Lẽ phải là những điều hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là lẽ công bằng, là đạo lý làm người, là thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. CAND phải ra sức làm tất cả những gì có lợi cho nhân dân, cho cách mạng, không được thờ ơ, vô cảm, tránh việc khó. Phải hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân, của quốc gia, phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trước hết và lên trên hết. Công an phải luôn đấu tranh với các hành vi sai trái, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân, trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Người công an được coi là chính trực, ngay thẳng công bằng cũng là người luôn hành động đúng pháp luật, nắm vững pháp luật, không tùy tiện, không thiên vị, luôn bảo vệ chân lý, đấu tranh với mọi hành vi sai trái, vạch mặt kẻ xấu.

Đối tượng đấu tranh của CAND rất đa dạng, phức tạp, chúng dùng mọi thủ đoạn tinh vi, để tấn công nhằm vô hiệu hóa công an, dùng mọi áp lực từ nhiều phía để khống chế, buộc công an “phải đổi trắng thay đen” đảo ngược chính tà. Vì thế, bồi dưỡng, rèn luyện dũng khí đấu tranh bảo vệ chân lý, kỷ cương, phép nước, chính trực trong công việc phải được coi là thành tố quan trọng của phẩm chất văn hóa chính trị CAND trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Như vậy, “cần, kiệm, liêm, chính” là hạt nhân của văn hóa chính trị CAND, các yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời, nếu thiếu một trong những yếu tố đó thì không thể hình thành, tạo dựng và phát triển văn hóa chính trị CAND. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất bảo đảm giữ vững nền an ninh quốc gia, an toàn, trật tự xã hội, làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho lực lượng CAND.

___________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.29, 29.

(3), (6), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,  tr.104, 640, 252, 643, 392.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 , tr.392, 392.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét