Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra rả “thuyết âm mưu”, coi đây là “át chủ bài” trong hoạt động chống phá: Tham nhũng bắt nguồn từ chế độ “tập quyền”, “một đảng” (!?). Chúng quy chụp đây là “quốc nạn, không có thuốc chữa”; “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng suy thoái, tham nhũng”. Đây là luận điệu bịa đặt, mang tính tuyệt đối hóa, cực đoan, hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vì:
Tiếp cận từ góc độ đạo đức, lòng tham chính là “hạt giống”, tồn tại với tư cách là một thuộc tính cố hữu của con người, trong điều kiện thích hợp có thể “sinh sôi nảy nở”, phát triển thành các biểu hiện cụ thể của hành vi tham nhũng. Bởi lẽ, chính mâu thuẫn giữa “cái hiện có” với “cái muốn có” trong bản thân sự vật, hiện tượng chính là nguồn gốc để sự vật, hiện tượng vận động, phát triển. Hay nói cách khác, chính những mong muốn tạo ra của cải vật chất, tinh thần, nhằm thỏa mãn nhu cầu mỗi lúc một nhiều của con người chính là động lực để xã hội vận động, phát triển. Chính Mác Vê-bơ, nhà kinh tế chính trị và xã hội học nổi tiếng người Đức, trong tác phẩm Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản, đã chỉ rõ, ham muốn chiếm hữu, ham muốn chạy theo danh lợi, tiền bạc, càng nhiều càng tốt... đã từng tồn tại và đang tồn tại ở hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội(5). Như vậy, nếu đồng ý rằng tham nhũng bắt nguồn từ chính lòng tham của con người, thì đó là nguyên nhân sâu xa, cố hữu, thuộc về “tính người”, rất khó có thể, thậm chí là không thể bị loại bỏ.
Bàn về tật xấu của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khái niệm tham ô để nói về các hành vi, như “lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư”(6); “gian lận tham lam... không tôn trọng của công... không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra”(7)... Về nguyên nhân của các hành vi này, Người cho rằng, “vì thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm”(8), “họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại”(9). Đặc biệt, Người nhấn mạnh, nguyên nhân sâu xa, gốc rễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực chính là chủ nghĩa cá nhân, bởi vì “cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu”(10). Theo Người đây là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, “trong xã hội đế quốc, tư bản, phong kiến, người không ăn cắp, tham ô rất ít. Không nhiều thì ít đều có cả”(11). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tham nhũng là “giặc ở trong lòng”, nếu tự thân không tu dưỡng đạo đức cá nhân thật tốt thì bất kỳ ai cũng có thể phạm vào tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp cận dưới góc độ quyền lực, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tham nhũng gắn liền với sự tha hóa quyền lực của nhà nước. Lúc này, nhà nước trở thành công cụ để bóc lột nhân dân lao động, là phương tiện bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của giai cấp thống trị; nhân dân mất dần khả năng kiểm soát quyền lực, trở thành nạn nhân của sự quan liêu, lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán. Có thể thấy, tham nhũng được xem là “bóng tối vươn theo quyền lực”, gây suy giảm quyền lực nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến uy thế, thanh danh của Đảng và nhà nước, biến bộ máy chính quyền và các tổ chức đảng trở thành bộ máy quan liêu, xa rời lợi ích của đảng, nhân dân. V.I. Lê-nin cho rằng, “tệ quan liêu, tham nhũng khiến nhiều cán bộ, đảng viên bị tha hóa, trở thành những kẻ chuyên quyền, độc đoán, thậm chí nó có thể phá hủy một chính đảng, làm tiêu vong một chế độ”(12). Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tham ô lãng phí một phần lớn là do bệnh quan liêu mà ra”(13); “Có những người... đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu”(14). Tham ô là sâu mọt từng ngày, từng giờ đục khoét, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng; làm lung lay, vơi dần niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: Tham ô, tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm vì “nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(15), nó làm “chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”(16).
Kế thừa và phát triển quan điểm của V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa bỏ tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”(17). Cũng theo Tổng Bí thư, “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(18). Như vậy, dù tiếp cận dưới góc độ khác nhau, song có thể thấy, chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc không có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chính là nguyên nhân căn cơ để tình trạng tham nhũng, tiêu cực phát sinh, phát triển. Trong đó, “Tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực”(19).
Ở bất kỳ quốc gia nào, người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của chính quyền nhà nước đều là người của đảng cầm quyền và đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền tất nhiên sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc gia. Như vậy, chế độ một đảng hay đa đảng không tác động đến nguồn gốc làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, nghĩa là ở bất kỳ quốc gia nào dù lựa chọn chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì vấn nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra. Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2023, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, có đến hơn 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng dưới mức trung bình toàn cầu là 43(20).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét