Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Dân chủ - phương thức và động lực của đổi mới giáo dục và đào tạo.

 Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là công việc hệ trọng của quốc gia. Đổi mới không chỉ liên quan đến bản thân nền giáo dục mà còn liên quan đến tương lai và khả năng phát triển đất nước theo định hướng XHCN của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới giáo dục đã bước đầu tạo nên những niềm hy vọng mới cho toàn xã hội. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trước hết cần thấm nhuần sâu sắc nội dung và tinh thần dân chủ của Nghị quyết. Có thể xem đây là một trong những điểm quan trọng thể hiện rõ sự đổi mới tư duy của Đảng ta về giáo dục và đào tạo. Theo đó, dân chủ là một trong những mục tiêu, phương thức, động lực cơ bản của việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

 

1. Dân chủ trong giáo dục và đào tạo

Dân chủ là hiện tượng lịch sử xã hội phức tạp gắn liền với sự tồn tại và phát triển của đời sống con người. Nó có sức hấp dẫn lớn và trở nên phức tạp hơn nhiều trong điều kiện cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ở Việt Nam, quá trình đổi mới toàn diện đất nước và dân chủ hóa các lĩnh vực đời sống xã hội đã khiến dân chủ xã hội nói chung, dân chủ trong giáo dục và đào tạo nói riêng được xem là mục tiêu và động lực của đổi mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) chỉ rõ: “Dân chủ gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...”(1). Tuy nhiên, hiện nay việc nhận thức và thực hiện dân chủ trong nhà trường, dân chủ trong giáo dục và đào tạo chưa thực sự hiệu quả.

Dân chủ trong giáo dụcvà đào tạo bao hàm một số khía cạnh cơ bản sau đây:

- Dân chủ trong giáo dục là nền giáo dục của dân, do dân, vì dân. Công cuộc phát triển giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Đó là nền giáo dục đa dạng để mọi người có khả năng và điều kiện học tập suốt đời.

- Giáo dục và đào tạo có nội dung, mục tiêu trang bị giá trị, kinh nghiệm dân chủ, tri thức dân chủ, thái độ, kỹ năng, năng lực làm chủ (làm chủ tự nhiên, làm chủ tri thức, kỹ thuật, làm chủ kinh tế, làm chủ chính trị, văn hóa, xã hội...) cho người học để hướng đến xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội.

- Giáo dục và đào tạo có hình thức, phương pháp tổ chức, hoạt động, vận hành hiệu quả theo quy định của pháp luật, trong đó mỗi chủ thể (cá nhân, tổ chức) tham gia quá trình giáo dục và đào tạo được tự chủ, tự do phát huy năng lực sáng tạo đa dạng của mình (người dạy, người học, nhà quản lý, nhà giáo, Nhà nước, nhà trường, gia đình, người sử dụng dụng lao động...).

- Nền giáo dục hiện đại, tiên tiến với công nghệ, kỹ thuật đánh giá trung thực, khách quan; có cơ chế tuyển lựa bài bản, minh bạch, khuyến khích người tài đức;  ngăn ngừa và dễ dàng thải loại những cá nhân, tổ chức yếu kém. 

Dân chủ xã hội nói chung, dân chủ trong giáo dục và đào tạo nói riêng có quan hệ gắn bó mật thiết. Tính chất, trình độ dân chủ của xã hội và dân chủ trong giáo dục, đào tạo của mỗi nước lệ thuộc vào tính chất và trạng thái của thể chế chính trị; tính chất và trình độ phát triển kinh tế; triết lý giáo dục, trình độ dân trí, năng lực, phẩm chất của nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục, truyền thống văn hóa, truyền thống giáo dục của mỗi quốc gia, dân tộc và cả những nhân tố của thời đại...

Ở Việt Nam, khi công cuộc đổi mới đất nước bước vào thời điểm có tính chất bước ngoặt, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN và thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn dân chủ trong giáo dục và dân chủ trong các nhà trường. Không thể đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà nếu chúng ta không thực sự xem dân chủ là mục tiêu, phương thức, động lực của việc đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo.

2. Dân chủ là mục tiêu, phương thức, động lực của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là: Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học... Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo... Đây là sự trở lại và tiếp tục tư tưởng về giáo dục và đào tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo phải hướng đến phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của con người; “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”(2).

Như vậy, có thể xem phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội là triết lý đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo lần này. Đổi mới giáo dục và đào tạo phải hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nhất là năng lực làm chủ, phẩm chất làm chủ để đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chúng ta đã từng nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện nhưng thực tế mục tiêu này đã không được nhận thức và thực hiện đúng. Điều đó đã đưa đến cách làm giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc... Lần đổi mới này, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội phải được xem là mục tiêu cao nhất, là triết lý xuyên suốt, chi phối toàn bộ quá trình đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo.

Việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải bảo đảm mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”(3). Bằng giáo dục, qua giáo dục, nhờ giáo dục mà những năng lực sẵn có của người học được khơi dậy và phát huy. Người học phải không ngừng tiến bộ về mọi mặt, trong đó nhấn mạnh sự tiến bộ về kỹ năng thực hànhnăng lực làm chủ và phẩm chất làm chủ. Theo lứa tuổi và trình độ, người học từng bước vươn lên làm chủ các loại tri thức, làm chủ các loại kỹ năng; biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ với tự nhiên và các quan hệ xã hội trên các lĩnh vực đời sống. Những tri thức dân chủ, giá trị dân chủ, thái độ, kỹ năng làm chủ phải được dạy, được học, được thực hành trong nhà trường, trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Nhờ giáo dục, bằng giáo dục, qua giáo dục, người học tự tin và tự chủ, làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn, có thêm tri thức và kỹ năng sống để sống tốt hơn. Đó là những năng lực và phẩm chất công dân cần có của một xã hội hiện đại, văn minh, dân chủ. Đó là tri thức, năng lực, kỹ năng để mỗi người, mỗi công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Phát triển năng lực người học, năng lực làm chủ cho mọi người, mọi công dân để họ là chủ, làm chủ thực sự đã trở thành mục tiêu và sứ mệnh vẻ vang của nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện mới.

Tuân thủ triết lý, hướng theo mục tiêu nói trên đòi hỏi toàn bộ quá trình đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo phải thực sự dân chủ hóa. Nội dung, chương trình, hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá; quan hệ dạy - học, quan hệ tổ chức quản lý cũng phải hiện đại hóa, dân chủ hóa. Người dạy, người quản lý, nhà trường, Nhà nước, cá nhân, tổ chức, đơn vị sử dụng nhân lực, gia đình, cộng đồng, xã hội... được tự do, tự chủ phát huy năng lực sáng tạo theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm đóng góp hiệu quả nhất cho việc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Theo đó, các tầng lớp nhân dân, nhất là đông đảo nhân dân lao động, tùy theo điều kiện, nhu cầu, năng lực có thể học tập và học tập suốt đời. Học để làm người, để làm việc, để làm chủ, để chung sống. Đó là những biểu hiện cơ bản nhất, khái quát nhất của dân chủ trong nhà trường và dân chủ trong giáo dục, đào tạo. Đó là tính nhân dân, định hướng XHCN của nền giáo dục dân chủ hiện đại. Với ý nghĩa đó, dân chủ được xem là mục tiêu đổi mới giáo dục lần này. Xa rời mục tiêu ấy, không thực hiện được mục tiêu ấy có nghĩa là việc đổi mới giáo dục còn nửa vời, chưa đến nơi, chưa triệt để, chưa căn bản, chưa toàn diện.

Để có một nền giáo dục hiện đại, dân chủ, tiên tiến, làm tốt sứ mệnh phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN của đất nước thì con đường và phương thức cơ bản là phát huy dân chủ, thực hành dân chủ trong từng bước, từng khâu và trong toàn bộ quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo. Với ý nghĩa đó, dân chủ chính là phương thức, động lực to lớn để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Một số điểm cơ bản mang tính phương thứcđộng lực và giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà:

Thứ nhất, cần dân chủ hóa việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo. Những chủ trương, chính sách liên quan đến đại cục của nền giáo dục quốc dân nhất thiết phải lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân bằng những hình thức, phương pháp, quy trình và lộ trình thích hợp. Là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo không chỉ đòi hỏi phải được ưu tiên đầu tư tiền bạc, kinh phí, mà hệ trọng hơn, chính sách về giáo dục và đào tạo phải đi trước, đi đầu để mở đường cho việc phát triển toàn diện đất nước. Nhiệm vụ đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo lần này rất nặng nề. Nó liên quan đến lợi ích của nhân dân, lòng tin của nhân dân, liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Chính sách vĩ mô về giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải bài bản, khoa học và khả thi. Do đó, những chính sách ấy phải là sự kết tinh ý chí, trí tuệ toàn Đảng, toàn dân. Nó phải được toàn Đảng toàn dân bàn bạc, lo liệu. Những chính sách ấy phải bảo đảm nguyên tắc do toàn dân hoạch định, toàn dân thi hành và toàn dân thụ hưởng.

Đây là công việc hệ trọng của quốc gia liên quan đến hàng triệu con người nên phải được chuẩn bị rất công phu, khoa học. Tất nhiên, không phải mọi công việc lớn nhỏ của giáo dục và đào tạo đều đưa ra toàn dân để xin ý kiến. Tùy theo nội dung vấn đề mà có thể có đối tượng trưng cầu khác nhau, hình thức, phương pháp, quy trình và lộ trình lấy ý kiến một cách phù hợp. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, những chính sách được xây dựng trên cơ sở sáng kiến của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, bảo đảm lợi ích của nhân dân thì chính sách ấy dễ dàng đi vào cuộc sống và đem lại thành công cho cách mạng. 

Thứ haicần nhận thức và thực hiện đầy đủ, đúng đắn việc xã hội hóa giáo dục và đào tạo; cần thiết lập các điều kiện thuận lợi để mọi người có cơ hội, khả năng học tập và học tập suốt đời. Đến nay, nhận thức nhiều người, trong đó có không ít cán bộ chủ chốt các cấp và cả cán bộ quản lý giáo dục về xã hội hóa giáo dục một cách đơn giản, phiến diện. Rằng, xã hội hóa giáo dục là huy động sự đóng góp bằng tiền của vào sự nghiệp giáo dục, là tăng học phí, là đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo, là phát triển trường tư. Hay, xã hội hóa giáo dục là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; những gì Nhà nước, nhà trường gặp khó khăn thì giao cho nhân dân, giao cho xã hội... Những hạn chế, yếu kém của nền giáo dục nước ta lâu nay cũng có phần nguyên nhân từ những phiến diện và lệch lạc trong nhận thức và thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Xã hội hóa giáo dục là huy động mọi lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và của từng người dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi cho hoạt động giáo dục. Mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực, tài lực trong xã hội, phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển giáo dục - đào tạo. Đồng thời, tạo ra những điều kiện, tiền đề để mọi người dân có cơ hội, khả năng học tập, học tập suốt đời và được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.

Như vậy, xã hội hóa giáo dục là mọi người, mọi lực lượng chăm lo phát triển giáo dục; mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được thụ hưởng xứng đáng các thành quả do hoạt động giáo dục đào tạo đem lại. Xã hội hóa đúng đắn sẽ là nội dung, con đường cơ bản, hiệu quả để đi đến thực hiện đầy đủ và thực chất dân chủ XHCN trong các nhà trường và trong giáo dục, đào tạo nói chung.

Thứ ba, thực hiện đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng cường tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, coi trọng chất lượng; dân chủ hóa công tác quản lý, quản lý tốt là tiền đề cơ bản để dạy tốt và học tốt. Theo đó, cần nhấn mạnh việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương. Phân định rõ công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục  và đào tạo; có cơ chế, quy định pháp lý mạnh mẽ để phát huy vai trò hội đồng trường. Đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin; phát huy vai trò của công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại trong quản lý giáo dục và đào tạo. Đồng thời với việc cấp trên đánh giá cấp dưới, thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục và đào tạo; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý; cán bộ quản lý cấp dưới tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cơ sở giáo dục và đào tạo tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước...

Việc đổi mới giáo dục và đào tạo không thể gọi là căn bản, toàn diện nếu không tạo ra, xây dựng nên một cơ chế vận hành, cơ chế quản lý vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống vừa phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở, của nhà trường và thực sự phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên để thực hiện tốt triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục, đào tạo. Cơ chế ấy phải là môi trường dân chủ, công minh, vừa thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh nhân tố tích cực vừa ngăn ngừa tiêu cực và dễ dàng thải loại những giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, đào tạo, những nhà quản lý yếu kém, hư hỏng.

Thứ tư, quá trình đổi mới phải bao hàm việc bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả hơn quy chế dân chủ trong nhà trường, trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong giáo dục thực chất là dân chủ hóa quá trình giáo dục và dân chủ hóa quản lý nhà trường để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Phải thực sự coi người học là đối tượng chính của các hoạt động giáo dục và đào tạo; thiết lập mối quan hệ bình đẳng, hợp tác dân chủ giữa thầy và trò, giữa giáo viên và nhà quản lý; xác định rõ quyền và trách nhiệm của từng lực lượng trong và ngoài nhà trường tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo một cách phù hợp. Mọi quyết sách, chủ trương, kế hoạch của nhà trường phải hợp lòng dân, đúng luật pháp; mọi cá nhân, tổ chức theo vị trí, chức năng của mình, chủ động, tích cực phát huy tốt năng lực sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đó là con đường, cách thức đi đến xây dựng một nền giáo dục Việt Nam mang đậm bản chất nhân dân theo định hướng XHCN, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, trước hết, trong các nhà trường, trong các cơ sở giáo dục và đào tạo thầy phải làm chủ, trò phải làm chủ, dạy học, quản lý giáo dục và đào tạo phải dân chủ.

Thứ năm, đổi mới, dân chủ hóa, minh bạch hóa, hiện đại hóa, khách quan hóa việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo.

Lần đổi mới này hướng đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học nên việc kiểm tra, đánh giá chủ yếu phải là đánh giá năng lực và phẩm chất toàn diện chứ không chỉ đánh giá năng lực ghi nhớ kiến thức của người học. Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội. Định kỳ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo; công khai kết quả kiểm định. Chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở ngoài công lập, các cơ sở có yếu tố nước ngoài. Đổi mới cách tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế, không quá nặng về bằng cấp, trước hết là trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Thứ sáu, cần khẳng định một cách mạnh mẽ và sâu sắc vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với chất lượng giáo dục và đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đổi mới, phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Do đó, cần khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, xây dựng. Nhưng hơn ai hết, lực lượng cơ bản, trực tiếp quyết định hoạt động trong các nhà trường của hệ thống giáo dục là đội ngũ thầy cô giáo các cấp học, bậc học ở mọi miền đất nước. Họ hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của nền giáo dục, những hay, dở của cơ chế, chính sách đối với giáo dục và đào tạo; những điểm mạnh, yếu của học sinh, sinh viên, những bất cập, hạn chế của chương trình, nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá… Họ hiểu rõ cái gì cần thay đổi, cái gì cần loại bỏ, cái gì cần kế thừa, phát triển. Không ai hiểu rõ thực tiễn giáo dục và đào tạo Việt Nam bằng chính những nhà sư phạm, những thầy cô giáo. Đội ngũ nhà giáo là căn cứ quan trọng để hoạch định chủ trương, chính sách, chiến lược giáo dục và đào tạo. Đội ngũ nhà giáo cũng là một trong những chủ thể tham gia hoạch định chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược đổi mới và là những chủ thể cơ bản thực thi chiến lược, đề án, chính sách và chủ trương đổi mới ấy…

Vì lẽ đó, để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam cần có quy trình, cơ chế, phương pháp, cách thức để lắng nghe, tập hợp ý kiến, tiếp thu ý kiến của đội ngũ nhà giáo. Việc này phải được thực hiện từ đầu quá trình, trong suốt quá trình tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ nội dung tổng thể đến từng bộ phận cấu thành, từ xác định mục tiêu, nguyên tắc… đến thiết kế nội dung, chương trình của từng môn học, ngành học, cấp học, bậc học…

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.327.

(2) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.8, Nxb­ Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.138.

(3) Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, dangcongsan.vn

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét