Tuần qua, dư luận nhân dân bàn luận khá sôi nổi sau khi có một đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) rằng: Không nên cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán vì việc này không mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn đe dọa đến an toàn cháy, nổ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tuyệt đại đa số cử tri và người dân bày tỏ không đồng tình với đề xuất này.
Hiệu quả không chỉ là kinh tế...
Đây là khẳng định của hầu hết cử tri khi nói về việc sử dụng pháo hoa. Thậm chí, cả những học sinh chưa đến tuổi cử tri cũng chỉ ra được những lợi ích của việc sử dụng pháo hoa. Em Phan Minh Vũ, học sinh lớp 10, Trường THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) phân tích: “Việc sản xuất, kinh doanh (SXKD) pháo hoa chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cơ sở SXKD và những người làm việc ở đó, đồng thời, họ nộp thuế cho Nhà nước. Nếu nghĩ đơn giản việc bỏ tiền mua pháo hoa về đốt là lãng phí, không mang lại lợi ích gì thì thật sai lầm. Ngày Tết, tốn vài trăm nghìn đồng mua pháo hoa nhưng cả nhà phấn khởi, vui vẻ thì sẽ thêm hứng khởi làm việc, học tập, đoàn kết, phấn đấu để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là liều thuốc tinh thần quý giá, là niềm hạnh phúc, từ đó, chúng ta sẽ có động lực làm ra nhiều của cải vật chất cho gia đình và xã hội”.
“Tôi nói đơn giản, nếu bảo việc sản xuất, mua bán, sử dụng pháo hoa không đem lại lợi ích kinh tế gì thì còn rất nhiều mặt hàng khác tương tự như các loại hoa hay son phấn, tranh ảnh... Chẳng lẽ chúng ta không dùng những thứ này vì tốn tiền? Chưa kể, ít người biết pháo hoa của nước ta còn được bán ra nước ngoài, rồi việc đốt pháo hoa là một trong những nét đẹp văn hóa góp phần thu hút khách du lịch... Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng cho người dân sử dụng pháo hoa vì dù có tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tập trung thì người ở vùng xa cũng không xem được. Cho nên, khi xem xét bất kỳ vấn đề gì đều phải hết sức khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, nhìn dưới nhiều góc độ để không bị phiến diện, một chiều”, cựu chiến binh Lê Hoài Nhơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) lập luận.
Về hiệu quả kinh tế trong SXKD pháo hoa, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu ở Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), doanh nghiệp duy nhất được phép SXKD pháo hoa ở Việt Nam (liên quan đến việc bảo đảm an toàn vật liệu nổ). Theo số liệu của Nhà máy, trong năm 2023, riêng việc sản xuất pháo hoa bán cho người dân (loại pháo hoa không nổ), Nhà máy đã nộp thuế 120 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 5 tỷ đồng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động. Qua đây đã đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội. Thực tế cho thấy, nếu Nhà máy Z121 không SXKD pháo hoa thì người dân vẫn nhập pháo lậu về, Nhà nước bị thất thu thuế rất lớn, đồng thời không thể quản lý được sự an toàn, chất lượng sản phẩm...
Pháo hoa Nhà máy Z121 người dân sử dụng chưa gây cháy, nổ
Tất cả ý kiến của cử tri và người dân gửi về Báo Quân đội nhân dân, bình luận trên báo điện tử cũng như khi chúng tôi hỏi chuyện và lắng nghe đều cho rằng nên tiếp tục cho người dân sử dụng pháo hoa không nổ do Bộ Quốc phòng sản xuất như đã thực hiện trong 4 năm qua; đồng thời việc bắn pháo hoa nổ (tầm thấp, tầm cao) phải thực hiện đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (đã sửa đổi một số điều năm 2023) với tinh thần cơ bản là chỉ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới được tổ chức bắn pháo hoa nổ vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng, trong khoảng thời gian nhất định. Các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất cung cấp.
Việc người dân bắn pháo hoa có thể gây cháy, nổ như ý kiến của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, chúng tôi đã trao đổi với Thượng tá Lê Đức Hạnh, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Nhà máy Z121. Bày tỏ cảm ơn đại biểu Quốc hội đã có ý kiến thể hiện trách nhiệm cao với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, Thượng tá Lê Đức Hạnh chia sẻ: Vấn đề này ban đầu cũng có khá nhiều người lo lắng và các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để bàn bạc. Cuối cùng, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11-1-2021, trong đó có các quy định rất chặt chẽ để bảo đảm an toàn cao nhất trong quá trình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh và nhất là cho người sử dụng pháo hoa. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép SXKD pháo hoa... Nghiêm cấm sử dụng các loại pháo hoa, pháo nổ nhập lậu hoặc không do cơ sở được phép SXKD cung cấp. Thực tế từ khi được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp pháo hoa với hàng chục triệu sản phẩm đã được bán ra thị trường, Nhà máy Z121 chưa ghi nhận trường hợp nào người dân sử dụng pháo hoa gây ra cháy, nổ.
Người dân sử dụng pháo hoa của Nhà máy Z121 sản xuất thấy rõ trên các sản phẩm đều có hướng dẫn cách sử dụng để bảo đảm an toàn. Ví dụ, với loại pháo hoa “Giàn phun hoa” ghi rõ: Sản phẩm chỉ sử dụng ở ngoài trời, không có mái che. Mở túi PE, lấy sản phẩm ra ngoài và đặt thẳng đứng trên mặt phẳng cứng theo chiều mũi tên hướng lên trên. Phương pháp kích hoạt: Dùng ngọn lửa đốt dây mồi cháy, sau đó lùi ra xa với khoảng cách hơn 10m, đợi sản phẩm hoạt động. Giàn pháo hoa phát hỏa xong, để nguội đến nhiệt độ môi trường hoặc tưới nước cho ướt toàn bộ giàn ống phóng (không còn tàn lửa), sau đó bỏ vào thùng rác.
Thượng tá Lê Đức Hạnh khẳng định: “Nếu người dân tuân thủ đúng các quy định, hướng dẫn sử dụng pháo hoa của Nhà máy Z121 sản xuất thì chắc chắn sẽ bảo đảm an toàn bởi pháo hoa được Nhà máy làm theo quy trình, quy chuẩn rất nghiêm ngặt, kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Còn các cơ sở cung cấp pháo hoa lậu đặt lợi nhuận lên hàng đầu, bỏ qua các quy trình, quy chuẩn để tiết kiệm chi phí, thậm chí không có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng, hoặc có nhưng bằng chữ nước ngoài nên người dùng không đọc được”.
Theo Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an): Pháo hoa của Bộ Quốc phòng nếu được sử dụng theo đúng hướng dẫn về khoảng cách an toàn thì không phát sinh nguy hiểm. Thực tế cho thấy, pháo hoa lậu thường gây nguy hiểm, cháy, nổ. Do đó cần có biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng pháo hoa lậu.
Lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng khẳng định: Nhà máy Z121 sản xuất, cung ứng pháo hoa cho người dân theo quy trình quản lý an toàn nghiêm ngặt, đã được các cơ quan chức năng thống nhất theo quy chuẩn, làm từ chất không gây nổ, không có tiếng nổ, độ cao không lớn, âm thanh phát ra thấp và trong thời gian ngắn nên không gây nhiều tiếng ồn, an toàn cho người dùng và ít gây ô nhiễm môi trường. Việc Chính phủ giao Bộ Quốc phòng sản xuất, cung cấp pháo hoa là rất đúng với chức năng, nhiệm vụ cũng như thực tế cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm, đặc biệt là tính kỷ luật rất cao. Nếu pháo hoa được SXKD tự do thì vô cùng nguy hiểm, vì các doanh nghiệp sẽ tiết giảm tối đa chi phí để cạnh tranh, dẫn đến xem nhẹ, thậm chí là bỏ qua các quy định về bảo đảm an toàn... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét