Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

"Gần dân, gắn bó với nhân dân là động lực để tôi vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ"

 Với ước mơ được khoác lên mình màu áo xanh của lính Biên phòng, nên khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, Thượng úy Hoàng Đình Ngọc đã đăng ký và thi đậu vào Học viện Biên phòng. Sau 4 năm miệt mài trên giảng đường, năm 2018, anh được điều động về công tác tại BĐBP Long An. Nhận nhiệm vụ mới, dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Thượng úy Hoàng Đình Ngọc luôn tâm niệm: "Phải hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Gần dân, gắn bó với nhân dân là động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Theo giới thiệu của cơ quan chính trị BĐBP Long An, chúng tôi về Đồn Biên phòng Bình Thạnh gặp Thượng úy Hoàng Đình Ngọc sau khi anh mới từ địa bàn trở về. Đã có hẹn nên khi gặp chúng tôi, chàng Thượng úy trẻ nhanh nhẹn đặt cặp tài liệu qua một bên và bắt đầu câu chuyện về cái duyên gắn bó với địa bàn biên giới Long An.

“Quê mình ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, từ nhỏ, mình đã yêu màu áo lính, vì vậy, mình đã quyết tâm học hành để biến ước mơ thành hiện thực. Ngày đầu vào vùng đất mới, có phần bỡ ngỡ về phong tục tập quán, văn hóa vùng miền, giọng nói... của người dân địa phương, nhưng mình luôn được các chú, các anh đi trước dìu dắt, chỉ bảo tận tình; được bà con nhân dân trên địa bàn yêu quý” - Thượng úy Hoàng Đình Ngọc chia sẻ.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng úy Hoàng Đình Ngọc luôn gần gũi với nhân dân, từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới; nhất là phải luôn phát huy được sức mạnh của nhân dân. Điển hình, thời gian qua, thực hiện chủ trương phân giới, cắm mốc đoạn biên giới qua địa bàn Đồn Biên phòng Bình Thạnh quản lý có nhiều trường hợp người dân phải bàn giao đất sản xuất cho Campuchia. Tuy nhiên, sau 2 năm dừng sản xuất, việc chi trả bồi thường, hỗ trợ người dân chưa được thực hiện khiến nhiều hộ dân bức xúc. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Thượng úy Ngọc đã cùng lãnh đạo chính quyền địa phương tranh thủ gặp gỡ từng người, nắm nguyện vọng để tuyên truyền. Đến nay, người dân có đất sản xuất phải bàn giao cho phía Campuchia đều đồng tình thực hiện.

Trên cương vị Đội trưởng vận động quần chúng, anh đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền xã Bình Thạnh duy trì hiệu quả phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư xã - xã hai bên biên giới”. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc; tổ chức đến từng hộ gia đình vận động ký cam kết đăng ký, quản lý, bảo vệ đường biên, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Đến nay, đã có 180 hộ/490 cá nhân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; 12 Tổ an ninh trật tự với 149 thành viên. Đồng thời, Thượng úy Ngọc luôn tranh thủ và phát huy vai trò của những người có uy tín tại khu vực biên giới. Nhờ vậy, công tác nắm tình hình, phát hiện vụ việc được nhanh chóng, các vi phạm pháp luật về biên giới được nhân dân phát hiện, thông tin sớm cho lực lượng chức năng và BĐBP kịp thời xử lý.

Không chỉ có vậy, thấy đời sống nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ dân không có đất sản xuất, phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ, Thượng úy Hoàng Đình Ngọc đã tham mưu cho chỉ huy đơn vị nhiều ý tưởng hay trong triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “BĐBP chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và những mô hình, chương trình giúp dân xóa đói giảm nghèo; xây dựng nhà, làm đường giao thông nông thôn, góp phần góp phần cùng với chính quyền địa phương nơi đóng quân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc.

Trong đó, đồng chí Hoàng Đình Ngọc đã cùng với đơn vị vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây cất 1 căn nhà Tình thương trị giá 80 triệu đồng cho hộ gia đình ông Thạch Sa Thi, ngụ tại ấp Sậy Giăng và 1 căn nhà Tình nghĩa trị giá 25 triệu đồng cho hộ anh Trần Văn Thới, ở ấp Chuối Tây, cùng thuộc xã Bình Thạnh; phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương và các trường học trên địa bàn tổ chức “Tiết học biên giới” được 12 buổi/275 lượt học sinh; trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp học tập 2 em học sinh ở địa bàn xã Bình Thạnh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Thực hiện Chương trình “Mùa hè xanh” năm 2024, Thượng úy Hoàng Đình Ngọc đã kêu gọi, vận động các nguồn lực trao tặng 300 phần quà là sách vở, bánh kẹo cho các em học sinh; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách; phối hợp với Đoàn Thanh niên hai địa phương tổ chức tổng dọn vệ sinh, dâng hương, dâng hoa nhân ngày lễ, tết....

4 năm gắn bó với địa bàn, với người dân biên giới đã cho Thượng úy Hoàng Đình Ngọc nhiều trải nghiệm quý giá, nuôi dưỡng cho anh thêm tình yêu với mảnh đất biên cương này. “Tôi luôn xác định, trong bất cứ nhiệm vụ nào đều phải xem người dân như người thân ruột thịt trong gia đình, gần gũi, hòa mình vào cuộc sống của họ; từ đó mới nhận được sự tin yêu, tín nhiệm từ nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Thượng úy Hoàng Đình Ngọc khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét