"Cuốn sách đã đúc kết những tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao việt Nam; hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” - Đại sứ, TS. Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao - cho biết.
Chiều 28/2, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” và cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được truyền trực tiếp đến 416 điểm cầu, với hơn 18.000 đảng viên tham dự.
Tại hội nghị, Đại sứ, TS. Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao - cho biết, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dung lượng hơn 800 trang, với hơn 150 bài viết, 150 ảnh minh hoạ.
Đại sứ, TS Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao - tại hội nghị. |
Cuốn sách gồm 3 phần: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; dấu ấn đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Theo bà Dung, phần đầu của cuốn sách có bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư, Hội nghị Ngoại giao, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.
Nội dung của các bài phát biểu này đã tổng kết và hệ thống hoá sự phát triển về tư tưởng, lý luận của Đảng đối với công tác đối ngoại; cụ thể hoá bản sắc riêng của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam một cách sinh động bằng hình tượng “cây tre Việt Nam”.
Các bài phát biểu cũng tổng kết các thành tựu của công tác đối ngoại trong gần 80 năm qua, chỉ ra các tồn tại hạn chế và các bài học lớn; đánh giá nhận định của Đảng ta về thời đại ngày nay, những xu thế lớn của thế giới, các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; khẳng định quan điểm, lợi ích và tầm nhìn của Việt Nam trước những biến động của thế giới; chỉ rõ các nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao trong thời gian tới…
"Cuốn sách đã đúc kết những tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao việt Nam; hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, bà Dung khẳng định và cho rằng cuốn sách là tài liệu tham khảo rất có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Về cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo Bí thư T.Ư Đảng - Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cuốn sách thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc - vấn đề được xác định là đường lối chiến lược của Đảng ta, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ.
Cuốn sách gồm nhiều bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị T.Ư 8 khoá XIII, lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết ĐH XIII của Đảng; các bài nói, bài viết, bài phát biểu, thư, trả lời phỏng vấn, thư kêu gọi của Tổng Bí thư với các tầng lớp Nhân dân, trong các chuyến thăm ở địa phương, cơ sở... của Tổng Bí thư.
Cuốn sách cũng tuyển chọn 142 bức ảnh Tổng Bí thư thăm, làm việc với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các giới, tỉnh, thành phố trong cả nước.
"Tổng Bí thư luôn quan tâm đến các giới đồng bào, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài với tình cảm trân quý; kêu gọi các giai tầng xã hội luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống “con Lạc, cháu Hồng”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để đóng góp công sức xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc", ông Đỗ Văn Chiến nói.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, cuốn sách dày 747 trang, hàm chứa nhiều nội dung rất quan trọng cả về tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn, là “cẩm nang” cho cán bộ trong hệ thống Mặt trận, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư Nguyễn Văn Thể khẳng định, hai cuốn sách của Tổng Bí thư đã nêu rõ về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về công tác đối ngoại và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Các cấp uỷ Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư cần tiếp tục quán triệt nội dung hai cuốn sách ở cơ quan, đơn vị mình. Cần triển khai sâu rộng để toàn bộ cán bộ, đảng viên nắm được. Trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên phải học tập; cấp uỷ các cấp phải tổ chức các lớp quán triệt, triển khai sớm", ông Thể nói.
Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trường Phong. |
Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư cũng đề nghị cán bộ, đảng viên trong Khối, đặc biệt những người làm trong lĩnh vực ngoại giao, liên quan đến công tác mặt trận... cần nắm vững, nắm chắc các quan điểm thể hiện trong hai cuốn sách để xây dựng nền ngoại giao Việt Nam tốt hơn, tạo khối đoàn kết toàn dân tộc tốt hơn.
"Với các cán bộ, đảng viên, cần nghiên cứu, vận dụng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua hai cuốn sách qua công việc hằng ngày. Ví dụ như khi tiếp xúc với tổ chức quốc tế, người nước ngoài thì phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối đối ngoại của Việt Nam để họ hiểu về Việt Nam. Nội dung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì trước hết phải đoàn kết trong phòng, trong cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình. Từng cơ quan, đơn vị đều là một khối thống nhất thì triển khai sẽ hiệu quả tốt hơn", ông Thể nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét