Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng
Bằng tấm gương hoạt động báo chí phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng, Bác Hồ - nhà báo cách mạng vĩ đại đã có những lời dạy quý báu và yêu cầu rất cao đối với những người làm báo. Có thể tóm tắt bằng 4 phương diện sau đây:
Trước hết, người làm báo cách mạng phải có lập trường chính trị vững vàng. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16-4-1959, Người căn dặn: “... Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(1). Theo Người, đó chính là tính giai cấp, tính định hướng chính trị, ý thức hệ của người làm báo. Bất cứ viết một bài báo, một chuyên đề nào, một tác phẩm nào về một đề tài nào đều luôn xác định rõ mục đích chính trị là gì, có phục vụ cho lợi ích của Đảng, của nhân dân không, có đáp ứng nhu cầu của đối tượng nghe, nhìn là quần chúng nhân dân lao động không, có góp phần đấu tranh chống mọi việc làm gây tổn hại, tiêu cực cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân không? Lập trường và bản lĩnh chính trị của người làm báo quy định phẩm chất, đạo đức và trình độ nghề nghiệp của người làm báo; quy định chất lượng và giá trị hoạt động của các nhà báo.
Hai là, cần có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, có vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Trách nhiệm chính trị đòi hỏi nhà báo phải là người có trí thức rộng và sâu về nhiều phương diện cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có như vậy thì công việc, sản phẩm của mình mới có hiệu quả thực tiễn. Nhưng có kiến thức chưa đủ, người làm báo cần có vốn sống, vốn thực tiễn, sát thực tiễn luôn vận động của cuộc sống; đồng thời, phải có trình độ nghiệp vụ cao. Kiến thức và vốn sống của người làm báo quy định tính chân thực và chính xác, tính đúng đắn và thuyết phục của các sản phẩm báo chí. Người dạy rằng: “Nhà báo viết phải chân thực-chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin”.
Ba là, về cách viết cụ thể một tác phẩm báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người làm báo phải có trình độ kỹ thuật, kỹ năng tốt: Bố cục ngắn gọn, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; tin ngắn, bài sâu. Đối với công việc viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng để những người làm báo noi theo, Người đã có nhiều bài viết, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp hoặc cán bộ cấp dưới rất mộc mạc nhưng rất cụ thể.
Về cách viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thứ nhất, phải “ngắn gọn”. Thứ hai, ngôn ngữ phải “trong sáng - giản dị - dễ hiểu”. Muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, trước hết nhà báo phải học cách nói của quần chúng. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.
Bốn là, phải luôn quan tâm đến chất lượng báo chí cả về hình thức và nội dung. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và yêu cầu những người làm báo phải quan tâm hàng đầu và không ngừng nâng cao chất lượng báo chí cả về hình thức và nội dung, phù hợp với yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn khác nhau, không chạy theo số lượng, không chạy theo thị hiếu rẻ tiền của một bộ phận công chúng, không thương mại hóa báo chí; báo chí phải hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem chính bằng chất lượng của các loại hình cụ thể.
Đồng hành cùng tiến trình cách mạng Việt Nam, nền báo chí nước ta đã không ngừng lớn mạnh và thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, hoạt động báo chí ở nước ta còn những tồn tại, hạn chế lớn. Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập”. Trên thực tế, vẫn còn hiện tượng người làm báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, đưa tin xấu, độc, sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những hạn chế này đã và đang làm tổn hại đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính, cản trở sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện thống nhất nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về công tác tư tưởng, báo chí và hoạt động báo chí, bảo đảm tính thống nhất giữa tư tưởng pháp quyền xã hội chủ nghĩa với thực hiện quyền công dân, quyền con người về tư tưởng, báo chí và ngôn luận theo pháp luật. Cần nhận thức rõ, báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là bộ phận cơ hữu trong công tác tuyên giáo của Đảng, là diễn đàn thể hiện tâm tư, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, là tuyến đầu trong đấu tranh tư tưởng, lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nhân dân…
Thứ hai, triển khai đồng bộ hệ giải pháp xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng cơ quan báo chí-văn hóa do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phát động. Hoàn thiện quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông, xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục; không để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” chống phá Đảng, Nhà nước, gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ pháp luật về báo chí phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng khoa học, công nghệ và điều kiện nước ta. Nhà nước cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí trên cơ sở Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và pháp chế xã hội chủ nghĩa về hoạt động báo chí. Việc cấp phép và quản lý báo chí theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân, tổ chức có quyền làm những gì nhà nước không cấm, không đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Báo chí phải hoạt động theo pháp luật và tuân thủ pháp luật, phát huy vai trò của báo chí để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin báo chí, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận theo pháp luật, đồng thời là kênh thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước thực hiện truyền thông pháp luật, công bố công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức Nhà nước theo quy định của pháp luật. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển theo đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Có cơ chế động viên, khen thưởng xứng đáng cho những người làm báo, cơ quan báo chí có thành tích tốt; đồng thời, bảo vệ an toàn cho họ trước các thế lực xấu; cùng với đó phải nghiêm trị những cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại uy tín của báo chí cách mạng.
Thứ tư, phát triển đội ngũ người làm báo chí chuyên nghiệp có tâm, có tầm, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng. Theo đó, cùng với những giải pháp phát triển đồng bộ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo, mỗi người làm báo phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Ðảng, phục vụ đất nước và nhân dân, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ. Mỗi người làm báo-chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng phải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác về người làm báo vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từng bước đào tạo, đào tạo lại cán bộ quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, nhà báo bảo đảm tính chuyên nghiệp cho từng đối tượng cụ thể.
PGS, TS NGUYỄN TUẤN DŨNG (Trung tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét