Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM

 

Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người nói chung, quyền bất khả xâm phạm thân thể và ngăn chặn, chống các hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo nói riêng là không thể phủ nhận. Thế nhưng bất chấp thực tế đó các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn không ngừng đưa ra các cáo buộc đối Nhà nước Việt Nam về vấn đề này. Chúng cho rằng, “tình trạng bị tra tấn vẫn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam”, Việt Nam tham gia Công ước chống tra tấn (Công ước CAT) chỉ là cho có chứ “họ không thực hiện” và xếp Việt Nam thuộc hạng 9/10 trên thang báo động về “nạn tra tấn”… Cần phải khẳng định ngay rằng, đây là những luận điệu vu cáo vô căn cứ, xuyên tạc trắng trợn thực tế những gì đang diễn ra ở Việt Nam.

Quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, nhục hình của mọi cá nhân đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật, đặc biệt là các Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (khoản 1 Điều 20). Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người…”.

Cùng với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và phòng, chống các hành vi bức cung, nhục hình, ngày 7-3-2015, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước chống tra tấn (Công ước CAT). Hành động này thể hiện Việt Nam quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên thế giới, cũng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người nói chung và quyền bất khả xâm phạm về thân thể nói riêng. Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Công ước CAT, Việt Nam luôn chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm khi không ngừng nỗ lực, cố gắng triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Ở Việt Nam, tội phạm có tính chất tra tấn không phải là tội phạm phổ biến mà chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các tội phạm. Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình và mỗi vụ phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh…

Ngoài ra, mọi người dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền trên.

Ở Việt Nam, quyền sống là quyền trước tiên và quan trọng nhất của con người. Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và đã có những nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả những người phạm tội. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự Việt Nam đã dành nhiều điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người. Do yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình. Hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Nhà nước Việt Nam đã và đang chủ trương thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và tiến tới xóa bỏ hình phạt này trong tương lai. Theo hướng đó, Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015 đã giảm thiểu việc áp dụng án tử hình từ 44 tội xuống còn 18 tội danh.

Quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng nhân phẩm được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Một mặt, pháp luật nghiêm trị những hành vi xâm phạm quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm thân thể của con người; mặt khác, quy định rất chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp như việc bắt giữ, tạm giam theo hướng ngăn ngừa việc lạm dụng dẫn đến vi phạm. Bộ Luật Hình sự có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình và bức cung. Quy chế Trại giam của Bộ Công an đã quy định cụ thể về chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân; chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chữa bệnh; chế độ lao động, học tập của phạm nhân. Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá, văn nghệ; được khám sức khỏe định kỳ, ít nhất một năm một lần; được học văn hóa để xóa mù chữ, phạm nhân chưa thành niên được phổ cập tiểu học, được nghe phổ biến thời sự, chính sách, học các chương trình giáo dục công dân, được học và việc dạy nghề với phạm nhân chưa thành niên là bắt buộc.

Xuất phát từ chính sách khoan hồng và truyền thống nhân đạo, hằng năm Nhà nước Việt Nam đều tiến hành các đợt đặc xá phạm nhân vào các ngày lễ lớn của dân tộc. Thực hiện các quyết định của Chủ tịch nước đã hàng chục nghìn phạm nhân được đặc xá và tha tù trước thời hạn… Đây là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam về việc đối xử nhân đạo, khoan hồng với tù nhân, những người lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ trở về với cuộc sống lương thiện.

Thực tiễn nêu trên đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người nói chung, quyền bất khả xâm phạm thân thể và ngăn chặn, chống các hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo nói riêng. Những luận điệu của các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí là hết sức xảo trá, xuyên tạc trắng trợn sự thận nhưng cũng không thể lừa dối được ai. Thực tiễn những gì diễn ra ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái ấy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét