Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

MỤC TIÊU ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ MỤC TIÊU, LÝ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀ TOÀN THỂ NHÂN DÂN VIỆT NAM

 


          Trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế xã hội để đưa đất nước tiến lên, những giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa đang dần trở thành hiện thực. Chính nhờ luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã  hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam tạo sức mạnh tổng hợp, ý Đảng đã hợp với lòng dân. Suốt 90 năm qua, những thành tựu của đất nước, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự đoàn kết, nhât stris quyết tâm của toàn dân vì một nước Việt Nam hùng cường đã khẳng định tính đúng đắn và sức sống của đường lối của Đảng đề ra ngay từ khi thành lập tháng 2 năm 1930.

          Độc lập dân tộc và CNXH với Việt Nam không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là động lực, là niềm tin sắt son của nhân dân với Đảng. Độc lập dân tộc gắn với CNXH là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Hệ giá trị độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu, lý tưởng phù hợp xu thế thời đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã rút ra năm bài học lớn; trong đó, bài học số một là “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đây là sự tổng kết sâu sắc về lịch sử và lý luận, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đường lối cách mạng nước ta, được thể hiện sâu sắc trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện đại hội Đảng. Bài học đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà văn kiện trình Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định.

          Chánh cương vắn tắt của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng xác định rõ con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ của cách mạng đã hàm chứa các nội dung của độc lập dân tộc và phương hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Luận cương chánh trị được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (10/1930) chỉ ra các bước tiến triển của cách mạng Việt Nam là: Trong lúc đầu sẽ là cuộc cách mạng tư sản dân quyền; tiếp đó sẽ tranh đấu tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa.

          Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương nhận thức rằng để bảo đảm thắng lợi của cách mạng phải đặt nhiệm vụ giành độc lập dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ đấu tranh giai cấp rải ra làm từng bước thích hợp ở từng giai đoạn, tùy thuộc vào tiến trình giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong cách mạng dân tộc dân chủ.

          Sau khi giành được chính quyền cách mạng trong cả nước, trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, mâu thuẫn dân tộc vẫn còn tồn tại gay gắt. Đảng xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là bảo vệ độc lập dân tộc, với tinh thần “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”. Đối với nhiệm vụ giải phóng giai cấp, cải cách ruộng đất, Đảng chủ trương tiếp tục tiến hành từng bước, sát với tiến trình thực hiện nhiệm vụ chống đế quốc và phục vụ nhiệm vụ chống đế quốc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đề ra chủ trương vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ dân chủ mới - chế độ nhân dân làm chủ. Ngay trong tiến trình kháng chiến, nhiều tiền đề của chủ nghĩa xã hội được tạo dựng: Công cuộc xây dựng chính quyền mới, chính quyền của dân, do dân, vì dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những yếu tố cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được xác lập.

          Trong giai đoạn tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng (1954-1975). Ở thời kỳ này, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội thể hiện ở đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Ở miền Bắc, chủ nghĩa xã hội không còn là định hướng mà đã trở thành mục tiêu trực tiếp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng miền Bắc đã đạt được những kết quả nhất định trên mọi mặt, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là kết quả của quá trình phát huy cao độ mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh của chế độ mới được khơi dậy trên nền tảng của tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Dựa vào sức mạnh của chế độ mới được thiết lập ở vùng giải phóng miền Nam và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đi đến thắng lợi cuối cùng - hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

          Trong thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975 đến nay). Sau nhiều thập kỷ đấu tranh gian khổ, dân tộc Việt Nam đã giành lại trọn vẹn nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc - thời kỳ cả nước cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời đòi hỏi phải đưa ra được các giải pháp, bước đi, cách làm thực sự khoa học nhằm thực hiện bằng được mục tiêu đó. Việt Nam đã bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986.  Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mà nhằm làm cho mục tiêu đó đạt được bằng những bước đi, phương thức và biện pháp phù hợp hơn. Trong hơn ba thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực, thống nhất cao độ của toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đó chẳng những hiện thực hóa từng bước giá trị của chủ nghĩa xã hội mà còn nâng cao vị thế đất nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, củng cố nền độc lập dân tộc.

          Như vậy, khẳng định, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn từ khi Đảng ta ra đời - năm 1930. Đây là một quan điểm kiên định, thống nhất xuyên suốt cả quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta. Ngày nay, Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định đường lối cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Chỉ có đi theo con đường này chúng ta mới có nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, mới đảm bảo được độc lập dân tộc thực sự, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất nước để hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả.

                                                                                                V3.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét