NÊU GƯƠNG TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG THEO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Phương pháp nêu gương đạo đức cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mọi công tác của Đảng, nhất là công tác tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, công tác tư tưởng là công tác hàng đầu. Muốn công tác này đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, nêu gương đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh, đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức cách mạng là cái gốc, nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng trở nên vô dụng. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Đạo đức cách mạng giúp cán bộ, đảng viên vững vàng trong mọi thử thách. Có đạo đức cách mạng thì “khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước … Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải noi gương các thế hệ tiền bối: “Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới. Một ngày nào mà …. nhân dân ta chưa được sung sướng, yên vui thì tất cả chúng ta vẫn phải đem hết tinh thần và nghị lực mà phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn toàn thắng lợi”; phải có ý thức “gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Trên cơ sở không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng để dân tin, dân mến, dân làm theo; phải xứng đáng là “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân, vừa phục vụ nhân dân, vừa lãnh đạo nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ba nguyên tắc trong thực hành nêu gương:
Một là, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức. Thế hệ đi trước làm gương cho thế hệ đi sau; ông bà làm gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con cái, anh chị làm gương cho em; lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên; đảng viên làm gương trước quần chúng.
Hai là, xây đi đôi với chống, xây dựng đạo đức cách mạng phải gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân. Cùng với việc xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, phải kiên quyết chống những biểu hiện phi đạo đức, sai trái, xấu xa, chống “chủ nghĩa cá nhân”, phát huy vai trò của dư luận xã hội, tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu.
Ba là, tu dưỡng đạo đức suốt đời, thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện và nhân rộng mô hình “người tốt, việc tốt” để tăng cường hiệu quả của việc giáo dục, thuyết phục và vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân: “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin thiết thực nhất”; “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương là phương pháp hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, nhất là về tính giáo dục và thuyết phục. Cán bộ, đảng viên nêu gương, đi đầu thì vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng rất hiệu quả. Ngược lại, cán bộ, đảng viên nói mà không làm, làm cầm chừng, thiếu trách nhiệm thì có vận động mấy cũng khó mà làm cho dân tin, dân theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét